1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. Cháy nhà trọ 14 người chết

“Phải ra đầu bài rõ cho Nhà Quốc hội”

(Dân trí) - Hầu hết các đại biểu Quốc hội Hà Nội trong buổi thảo luận tổ chiều 22/3 đã nhất trí với phương án xây dựng nhà Quốc hội tại lô D khu Ba Đình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh tên gọi, hướng toà nhà cũng như phương án thiết kế.

“Phương án dễ được chấp nhận nhất”

Đại biểu Trần Khánh Chương cho rằng, trước đây ông đã ủng hộ quan điểm xây nhà Quốc hội bên trên, bảo tồn ở dưới khi các nhà khảo cổ phát hiện di tích Hoàng thành. Theo ông Chương, phải tuân thủ quan điểm bảo tồn và phát triển, không thể cứ đào lên thấy di tích là để nguyên, bởi như vậy sẽ khiến Hà Nội rất ngổn ngang. Từ đó, ông cho rằng phương án xây nhà Quốc hội hiện tại là hợp lí, nhưng cũng cần lưu ý xem quá trình đào móng có thể phát hiện gì thêm.

“Nhà Quốc hội không chỉ là công trình kiến trúc mà là văn hóa kiến trúc, là biểu tượng của Quốc gia. Tôi đã đi nhiều nước, nhà Quốc hội của họ thường đặt ở vị trí tốt nhất và cũng là tòa nhà đẹp nhất”, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, việc xây nhà Quốc hội tại Ba Đình sẽ hài hòa với các cơ quan của Đảng và Nhà nước, đồng thời thể hiện được là trung tâm ý chí, quyền lực, nguyện vọng của người dân. Theo ông đây là thời điểm mà tiếng nói đồng thuận nhiều nhất. Phương án đưa ra được nhìn nhận là dễ chấp nhận nhất, chỉ có nhiều ý kiến khác nhau về tiểu tiết.

Ông Trọng phân tích rằng, thời điểm này làm nhà Quốc hội sẽ góp phần thúc đẩy bảo tồn hoàng thành. “Vấn đề là làm sao đừng lấn sang khu vực khai quật”, ông Trọng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tiếp tục chia sẻ quan điểm với Chủ tịch Quốc hội khi cho rằng, phải có sự thận trọng mới đến được phương án hiện tại. Sở dĩ hiện tại có sự đồng thuận cao theo ông là vì bản thân phương án đã bao hàm việc giữ gìn di tích.

Công trình “găm” vào thời gian

Theo kết luận của Bộ Chính trị cũng như báo cáo của Chính phủ gửi các vị đại biểu Quốc hội về phương án quy hoạch, xây dựng Nhà Quốc hội tại lô D khu trung tâm chính trị Ba Đình, Nhà Quốc hội mới sẽ xây trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay với quy mô 0,8ha; nhưng bản vẽ kèm theo báo cáo này thì chỉ riêng diện tích xây dựng Nhà Quốc hội đã là 1,4 ha và lấn cả vào khu A,B,C,D.

 

Theo bản vẽ minh họa kèm theo này, khu Di tích Hoàng thành Thăng Long bị xâm phạm nặng nề, không bảo đảm tính toàn vẹn của di tích thì chắc chắn hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận Di sản văn hóa thế giới sẽ bị loại bỏ ngay.

 

Ý kiến của GS Sử học Phan Huy Lê khi trả lời PV báo điện tử Vietnamnet.

Đại biểu Trần Khánh Chương tỏ ra “băn khoăn” với tên gọi “Tòa nhà Quốc hội”. Thậm chí, theo ông Chương nếu gọi là “Nhà Quốc hội” cũng chưa hợp lí và ông đề cập đến tên gọi “Hội trường Ba Đình mới” hoặc để nguyên tên gọi “Hội trường Ba Đình”? Theo lí lẽ của ông, nếu Quốc hội sử dụng toà nhà này trong cả 12 tháng thì mới gọi là Nhà Quốc hội. Nếu các hoạt động khác vẫn đưa vào Quốc hội, sẽ khiến tên gọi như vậy là chưa hợp lí.

Ông Chương cũng nhấn mạnh đến việc phải thiết kế làm sao để tòa nhà phải ăn nhập với kiến trúc của các công trình ở khu Ba Đình. Cấu trúc của tòa nhà phải đàng hoàng, xứng tầm là công trình vài trăm năm.

Ông Nguyễn Viết Chức có cùng quan điểm khi cho rằng, dù tổ chức thi thiết kế trong nước hay quốc tế thì đầu bài phải rõ mà theo ông là phải hài hòa với kiến trúc xung quanh. “Chúng ta đã có bó hoa, phải cắm bông hoa mới vào thế nào cho đẹp”, ông Chức phân tích.

Ông Chức tỏ ra lo lắng khi nhiều năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa có công trình nào “găm” vào thời gian. Ông Chức cũng cho rằng, nếu giữ lại Hội trường Ba Đình, chưa xét việc duy trì rất khó khăn do tòa nhà đã xuống cấp mà còn làm khó cho các nhà thiết kế.

Khác quan điểm với ông Chương, ông Chức, ông Nguyễn Ngọc Đào cho rằng các kiến trúc tại khu Ba Đình (Kiến trúc Pháp cổ) đã đi vào lịch sử, không nên đặt điều kiện tòa nhà Quốc hội mới phải ăn nhập. Theo ông, nên tổ chức thi với các loại hình kiến trúc và quan trọng là công trình phải làm sao thể hiện được quyền lực của người dân.

Hướng của toà nhà cũng là vấn đề khó và hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau đòi hỏi phải thống nhất trong thời gian tới.  

Kim Tân (ghi)