1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cà Mau:

Phá rừng vì... nghèo

(Dân trí) - Rừng quốc gia Mũi Cà Mau thời gian qua bị “tàn sát” nghiêm trọng. Nhiều nguyên nhân được đặt ra như do quản lý lỏng lẻo của ngành chức năng và một nguyên nhân được cho là sâu xa nữa là do người dân... quá nghèo.

Thời gian qua, rừng quốc gia Mũi Cà Mau (một trong những khu Ramsar của thế giới) bị chặt phá nghiêm trọng. Vụ việc đang được ngành chức năng tỉnh Cà Mau điều tra làm rõ. Trong đó, cơ quan chức năng cũng đã cách chức, khởi tố một số cán bộ kiểm lâm vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, đối tượng chặt phá cây rừng chủ yếu là người dân sống quanh rừng quốc gia. Nguyên nhân sâu xa của việc chặt cây rừng trái phép là do cuộc sống quá khó khăn.

 Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở Cà Mau bị chặt phá nghiêm trọng.
 Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở Cà Mau bị chặt phá nghiêm trọng.

Để có thêm thông tin về nguyên nhân nêu trên, giữa tháng 12, PV Dân trí đã về xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, nơi có diện tích rừng quốc gia khá lớn) để ghi nhận cuộc sống của người dân nghèo nơi đây.

Hết đường sống mới vào rừng chặt phá kiếm ăn

Theo chân một người quen ở địa phương, PV Dân trí đã tiếp xúc với một số với người dân sống gần khu vực rừng quốc gia để tìm hiểu đời sống của họ.

Tại khu vực kênh 5 (xã Đất Mũi), PV gặp chị H. (một người dân) đã có thời gian sống hơn chục năm ở vùng đất cuối cùng của đất nước này. Theo chị H. cho biết, quê chị ở Bạc Liêu, lấy chồng về Đất Mũi nhưng cuộc sống rất nhiều khó khăn bởi kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào mò cua, bắt ốc. Tuy nhiên, số lượng thủy sản này ngày càng ít đi trong khi người đổ về đây mưu sinh ngày một đông. Chính việc này càng làm cho cuộc sống của gia đình chị và rất nhiều gia đình khác càng thêm túng quẫn. “Không còn con cua, con ốc thì người dân chúng tôi chỉ còn cách vào rừng chặt cây mưu sinh”, chị H. cho biết.

Gia đình nghèo, kinh tế thiếu thốn nên để cất một mái nhà cũng không dễ dàng gì. Cũng từ đây, chị H. cho biết, chỉ còn cách phải vào rừng chặt lén vài cây đước về làm nhà. “Xin thì bảo vệ rừng không cho nên dù biết chặt cây trái phép là sai nhưng chẳng còn cách nào khác vì biết lấy tiền đâu để mua”, chị H. cho hay.

Hầu hết cuộc sống của người dân ở xung quanh rừng quốc gia Cà Mau rất nghèo khó
Hầu hết cuộc sống của người dân ở xung quanh rừng quốc gia Cà Mau rất nghèo khó

Cũng trong khu vực kênh 5, PV ghi nhận, cuộc sống ở đây không bắt cua, bắt cá thì có khá nhiều gia đình làm nghề hầm than củi. Hầu hết số than củi đều lấy từ cây đước và những cây đước này có được cũng là do vào rừng chặt trái phép.  

Các số hộ dân ở đây cho biết, hầm than củi rất vất vả. Nghèo lắm mới làm nghề này. Để cho ra một lò chừng vài ký than củi phải mất 2- 3 ngày. Than củi chỉ khoảng 4.000 đồng - 5.000 đồng/kg. Số tiền này cũng chỉ đủ mua gạo ăn chứ không thể trang trải cho những thứ khác. Từ đó, có khá nhiều con em trong gia đình người dân nghèo ở vùng này không được đến trường.

Để có nguyên liệu làm than, người dân đều phải vào rừng để chặt cây đước trái phép. Có những gia đình gặp may thì trót lọt ra về nhưng cũng có gia đình không may khi gặp kiểm lâm phát hiện thì bị thu giữ cả phương tiện. Để chuộc lại phương tiện (vỏ lãi, máy) thì "số tiền bỏ ra cũng không ít". Là dân nghèo, tiền chuộc phải đi vay mượn chứ không có sẵn nên mỗi khi bị giữ phương tiện thì coi như mất cả chỉ lẫn chài.

Chính vì chặt cây trái phép nên các lò hầm than thường xuyên bị ngành chức năng kiểm tra. Khi phát hiện, ngành chức năng tiến hành đập bỏ. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với người dân, họ thẳng thắn rằng, ngành chức năng đập lò này thì họ xây lò khác vì lò than như là “nồi cơm” hàng ngày của họ.

Chính vì thế, theo ghi nhận của PV, thời gian qua, việc xử lý chặt phá rừng, đập lò than của ngành chức năng hầu như không triệt để chỉ vì cái nghèo.

Một lò hầm than từ cây đước của người dân.
Một lò hầm than từ cây đước của người dân.

Tạo công ăn việc làm cho dân: Hết phá rừng ?

Với những người dân nghèo mà PV tiếp xúc, họ cho biết, ước mong của họ là có được công ăn việc làm để có thu nhập ổn định. Họ cũng thừa nhận rằng, không ai muốn vào rừng quốc gia để trốn trui trốn nhủi chặt cây trái phép.

Khi chúng tôi hỏi, chính quyền địa phương không hỗ trợ gì cho người dân nghèo của mình hay sao? Chị H. (ngụ kênh 5) cho biết, chị sống ở xã Đất Mũi hơn chục năm nay nhưng chưa bao giờ nhận được hỗ trợ gì từ chính quyền địa phương. Theo chị H., có thể địa phương cũng có hỗ trợ nhưng gia đình chị thì không thuộc số đó nên chỉ biết tự mình làm ăn sinh sống. “Gia đình tôi cũng muốn có tiền để có thể nuôi 1, 2 con heo nhưng biết kiếm đâu ra”, chị H. bùi ngùi.

Trong khi đó, một số người dân khác cho biết, địa phương cũng có hỗ trợ bằng cách cho vay tiền nhưng số tiền quá ít nên họ không biết phải làm gì. Không có công ăn việc làm, không có tiền sinh sống hàng ngày thì vào rừng chặt cây hầm than hoặc bán củi mưu sinh là khó tránh khỏi.

Dù có biển cấm nhưng người dân vẫn vào rừng chặt phá vì nghèo. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Dù có biển cấm nhưng người dân vẫn vào rừng chặt phá vì nghèo. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Công Trường- Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển)- thẳng thắn cho biết, người dân vào rừng quốc gia chặt cây trái phép cũng có một phần nguyên nhân là do quá nghèo.

Ông Trường cho biết, xã Đất Mũi có rất nhiều dân từ khắp nơi đổ về sinh sống. Ở địa phương có thời điểm sống bằng thủy sản nhưng sau khi hết thủy sản thì họ bám rừng. Và cứ thế, rừng lại bị chặt phá.

Ông Trường cho rằng, địa phương có hỗ trợ dân bằng cách cho vay nhưng có khá nhiều hộ dân lại không nhận. Một phần họ cho rằng số tiền ít nhưng một phần có tiền họ cũng không biết phải làm gì để có hướng mưu sinh.

Để rừng quốc gia không bị xâm hại, theo ông Trường, địa phương và các ngành chức năng cũng đã thường xuyên kiểm tra, xử lý những hộ có hầm than. Tuy nhiên, ông Trường thừa nhận, khi đập bỏ lò than này thì người dân lại xây lò than khác nên việc xử lý cũng chưa như ý muốn.

Theo ông Trường, trước mắt, xã đang tiếp tục xây dựng một hợp tác xã nghêu để sau đó kêu gọi người dân nghèo vào làm xã viên. Từ đó có hướng giải quyết phần nào đời sống của họ cũng như giảm việc chặt phá rừng.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng xin cho người dân được hưởng phí môi trường bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, cần giao cho dân quản lý diện tích rừng, sau đó sẽ trả lương hay khi khai thác rồi chia tỷ lệ thì nhiều khả năng rừng sẽ không mất nữa”, ông Trường kiến nghị.

                                                                                                Huỳnh Hải