1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Ông giám đốc 3 lần phải cưa chân và công ty "dành cho đồng đội"

(Dân trí) - Họ là những thương binh, đồng đội một thời vào sinh ra tử, giờ lại cùng nhau lao động dưới mái ấm mang tên Cty TNHH TM-DV 27/7 đóng tại phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn, Bình Định) chuyên lắp ráp các loại xe đạp, tạo công ăn việc làm cho những người cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn.

Ông giám đốc 3 lần cắt bỏ chân

Người chèo lái mái nhà chung đó là vợ chồng ông Lữ Hoàng Đốc (64 tuổi, quê ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) và bà Trần Thị Tám (cùng là thương binh hạng nặng). Ông Đốc chỉ còn 1 chân, 1 chân của ông đã gửi lại chiến trường trong 1 trận đánh lớn chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam tại chiến trường huyện Hoài Nhơn vào năm 1974.

Vợ chồng ông Lữ Hoàng Đốc cùng đồng đội góp tiền mở công ty lắm ráp xe đạp để tạo điều kiện cho anh em thương bình có hoàn cảnh khó khăn cải thiện đời sống
Vợ chồng ông Lữ Hoàng Đốc cùng đồng đội góp tiền mở công ty lắm ráp xe đạp để tạo điều kiện cho anh em thương bình có hoàn cảnh khó khăn cải thiện đời sống

Ông Đốc kể: Năm 1969, ông nhập ngũ khi mới 16 tuổi, tham gia hàng ngũ lực lượng An ninh vũ trang địa phương. Sống và ăn ở cùng dân khắp các địa phương trên chiến trường Bắc Bình Định, khi bị địch truy gắt thì rút lên rừng.

Ông cũng tham gia nhiều trận đánh lớn vào thị trấn Tam Quang (gọi là quận Tam Quan cũ). Đến tháng 11/1974 thì ông bị thương nặng ở chân. “Lúc tôi đang cùng đồng đội chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam thì đạp phải quả mìn của địch cài. Bị thương từ 10 giờ sáng nhưng đến 15 giờ chiều mới đưa về đến Trạm Y tế Bác Ái (Trạm Y tế huyện đặt trên núi lúc ấy). Do bị đứt động mạch chính mất máu quá nhiều, ngất xỉu lúc nào không hay”, ông Đốc nhớ lại.

Do bị nhiễm trùng nên chân phải của ông Đốc phải trải qua 3 lần cắt bỏ, giờ chỉ còn lại 1/3. “Thời đó thuốc thang đâu có, dụng cụ cũng không hiện đại như bây giờ nên cứ nhiễm trùng đến đâu là cắt đến đó. Nó nằm trong ống quần thấy lành lặn vậy chứ nhưng đó là đồ giả đấy”, ông Đốc vừa cười nói vừa lấy tay gõ cộp cộp vào chiếc chân giả.

Sau 30/4/1975, ông Đốc được điều động về làm tại cơ quan Công an thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Công tác được 3 tháng, ông Đốc được đưa đi điều dưỡng tại TP Quy Nhơn. Năm 1976, Bộ LĐ, TB-XH mở trường dạy nghề cho anh em thương binh tại Thủ Đức (TP HCM), ông Đốc được đưa đi học. Sau 3 năm học nghề vô tuyến điện, ông Đốc về công tác tại Đài PT-TH Bình Định trong bộ phận kỹ thuật.

“Ngày đó cứ nghĩ mình bị thương tật làm việc khó khăn, cơ quan tạo điều kiện cho đi học nên cũng cố gắng học cái nghề. May mắn khi tôi vào học vừa có cái nghề vừa có được vợ. Cô ấy cũng tham gia cách mạng và dính B52 bị thương ở đầu. Sau giải phóng, cô ấy học nghề điện cơ cùng trường với tôi ở Thủ Đức. Quen biết nhau rồi phải lòng nhau, học xong nghề chúng tôi cưới nhau luôn”, ông Đốc kể.

Công nhân công ty là những anh em thương binh, bệnh binh ở nhiều tỉnh thành trong cả nước
Công nhân công ty là những anh em thương binh, bệnh binh ở nhiều tỉnh thành trong cả nước

Bà Trần Thị Tám (62 tuổi, vốn quê Quảng Nam), vợ ông Đốc cũng tham gia cách mạng khá sớm khi mới 14 tuổi. Năm 1971, nhập ngũ khi mới 16 tuổi, công tác tại Tỉnh đội Quảng Nam. Trong chiến dịch “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, tại chiến trường huyện Quế Tiên (huyện Hiệp Đức bây giờ), bà bị dính bom B52, chấn thương ở đầu.

“Hồi mới cưới nhau cuộc sống rất cực khổ vì cả 2 vợ chồng đều thương tật. Người ta lành lặn còn lo mướt mồ hôi huống gì vợ chồng thương tật. Khổ nhất khi trái gió trở trời là đầu đau như búa bổ, mình đau nhức. Nhưng vợ chồng động viên nhau cùng chung sức chung lòng vậy mà nên”, bà Tám bồi hồi.

Mở công ty vì đồng đội quá khổ

Không cùng đơn vị nhưng họ đều là những người lính đã vào sinh ra tử vì Tổ quốc. Trở về cuộc sống đời thường khi một phần cơ thể nằm lại chiến trường, cuộc sống khó khăn, họ cố vượt mọi nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần để làm những người thương binh “tàn nhưng không phế”.


Thương binh Lê Hoàng (58 tuổi) - lính tình nguyện Campuchia bị thương mất 1 chân, thương tật 67% nhưng vẫn còn đôi tay khỏe mạnh.

Thương binh Lê Hoàng (58 tuổi) - lính tình nguyện Campuchia bị thương mất 1 chân, thương tật 67% nhưng vẫn còn đôi tay khỏe mạnh.

Năm 1988, ông Đốc nghỉ mất sức tại Đài PT-TH Bình Định, vợ chồng ông Đốc dẫn nhau về quê ở xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) trồng trọt, chăn nuôi. Dành dụm được ít vốn vợ chồng ông lại nghĩ đến đồng đội những người cũng bỏ 1 phần xương máu tại chiến trường nhưng giờ đây có hoàn cảnh khó khăn. Rồi vợ chồng ông lần nữa dẫn nhau vào Quy Nhơn, kêu gọi khoảng 20 người là những anh em thương binh góp vốn, thuê đất công ích của Nhà nước tại phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn, Bình Định) thành lập Cty TNHH TM-DV 27/7 chuyên lắp ráp xe đạp.

Hiện công ty quy tụ khoảng 30 công nhân đều là anh em thương binh; con em thương binh, bệnh binh, người tham gia quân đội bị chất độc hóa học vào làm việc để kiếm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Suốt mấy năm nay, họ đùm bọc, nhường cơm sẻ áo cho nhau như những người thân trong gia đình dưới mái nhà chung mang tên Cty 27/7.

Nhìn các anh thương tật đầy người, người mất 1 chân, người không còn chân nào, người mất 1 tay… nhưng ai nấy đều hăng say lao động và sống đầy nhiệt huyết.

Ông Đốc chia sẻ: “Tùy vào thương tật của mỗi người, chúng tôi bố trí công việc phù hợp để đạt năng suất cao nhất. Anh em nào còn đủ 2 tay thì làm việc lắp tăm xe đạp, vào trục, cân vành; người còn 1 tay thì vặn ốc… Mỗi mùa hè công ty xuất bán trên 2.000 xe đạp các loại”.

Thương binh Nguyễn Văn Chính (phải) quê Đà Nẵng nghe anh em thương binh ở Bình Định mở công ty nên cả gia đình cùng vào hùn vốn cùng đồng đội làm việc.
Thương binh Nguyễn Văn Chính (phải) quê Đà Nẵng nghe anh em thương binh ở Bình Định mở công ty nên cả gia đình cùng vào hùn vốn cùng đồng đội làm việc.

Công ty còn tạo điều kiện cho con em gia đình thương binh, chính sách nghèo không có việc làm ổn định.

Công ty còn tạo điều kiện cho con em gia đình thương binh, chính sách nghèo không có việc làm ổn định.

Ông Nguyễn Văn Chín (57 tuổi, quê ở Đà Nẵng) nhập ngũ năm 1977, là lính tình nguyện Campuchia, bị thương vào năm 1983, mất 1 chân, thương tật 65%. Năm 2012, nghe tin anh em thương binh trong Bình Định thành lập Cty 27/7, ông bàn với vợ thế chấp ngôi nhà ở Đà Nẵng, lấy vốn vào hùn với anh em làm ăn. Hiện cả gia đình ông Chín ở hẳn tại công ty.

“Công việc lắp ráp xe đạp không có gì khó, học chừng 1 tháng là thuần thục. Lương cao hay thấp tùy thuộc vào sức khỏe của anh em, ai bị thương tật nặng, ai hay ốm đau nghỉ nhiều thì lương ít. Nhưng bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng, công việc không mấy vất vả lại giúp anh em cải thiện cuộc sống”, ông Chín nói.

Tuy nhiên, khó khăn hiện tại của công ty là khu sản xuất của anh em quá chật hẹp, không có chỗ cho anh em thương binh làm việc. Hiện công ty đang làm thủ tục xin thuê 3.000 m2 đất công ích của phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) để mở rộng phân xưởng tạo điều kiện việc làm thêm cho các thương binh, con em thương binh, gia đình chính sách.

“Thủ tục xin đất của chúng tôi đã được cấp phường, cấp thành phố thông qua, nhưng lên đến tỉnh thì bị ách đến nay chưa giải quyết mà không hiểu vì lý do gì”, ông Lữ Hoàng Đốc chia sẻ mối băn khoăn.

Doãn Công