1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ở nơi nước quý hơn vàng

(Dân trí) - Xã biên giới Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) những ngày giữa tháng 6 quay quắt trong cơn khát. Chủ tịch xã thở dài: “Nước ở đây hiếm lắm, mùa mưa có nước nhưng đục quá uống cũng khó lắm. Nước uống đắt ngang với bia đấy”.

Ở nơi nước quý hơn vàng - 1
Với người dân Nậm Cắn, mỗi giọt nước đều quý hơn vàng 

Ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, Nậm Cắn không phải chịu cái nắng gay gắt; thậm chí đêm phải quấn chăn mỏng quanh người cho đỡ lạnh. Nhưng quanh năm, đặc biệt là vào mùa hè, người dân nơi đây lại phải đối diện với tình trạng thiếu nước trầm trọng. Cả xã có hơn 4.000 khẩu chia làm 16 bản và điểm dân cư thì có đến 3.000 người thiếu nước, trong đó có hơn 2.000 người thiếu nước gay gắt, chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm xã. Không có nước, người dân phải vào cửa khẩu Nậm Cắn cách đó gần 2km để xin nước về dùng.  

Được biết từ năm 2004, UBND xã Nậm Cắn đã đầu tư 500 triệu đồng để xây dựng 6km đường ống dẫn nước từ các khe dọc biên giới về nhưng cũng chỉ đủ dùng cho 2 bản Trường Sơn và Tiền Tiêu. Hệ thống ống dẫn nước chỉ phát huy được một thời gian ngắn, sau đó người dân ở 2 bản này lại quay về với cuộc sống thiếu nước muôn thủơ. Khi người dân bản Trường Sơn mở vòi lấy nước thì bên Tiêu Tiêu phải chờ và ngược lại, vì nguồn nước quá nhỏ, lại bắt theo sườn núi nên không đủ để đẩy lên trên cao này.
 
Mùa mưa đến, địa hình quá dốc nên nước mưa cuốn theo đất đá đã đẩy phăng cả những đoạn ống dẫn nước bằng sắt đi. Bên cạnh đó, do ý thức bảo vệ tài sản công của người dân quá kém, lại tự ý đấu nối thêm ống dẫn nước về nhà mình nên chỉ chưa đến 2 năm, hệ thống dẫn nước 500 triệu đồng đành bỏ xó.

Ở nơi nước quý hơn vàng - 2
Một bể dự trữ nước hứng từ hốc đá của các cô giáo trường mầm non Nậm Cắn.

Hiện nay toàn bộ nước sinh hoạt của gần 3.000 con người chỉ phụ thuộc vào những mạch nước ngầm rỉ ra từ vách đá. Các mạch nước ngầm đang dần cạn kiệt về mùa khô, dòng nước vốn đã hiếm hoi nay lại càng bị thu hẹp lại. Muốn lấy được nước, bà con đồng bào phải dùng lá rừng để dẫn những mạch nước bé xíu chảy vào các can nhựa đặt phía dưới.  

Vừa hoàn thành “công trình dẫn nước” của mình, Cụt Thị May vác dao đi phát cỏ ven quốc lộ 7. May bảo: “Đợi đầy một can nước 20 lít thì lâu lắm, phải đến 3-4 giờ đồng hồ. Ta phải làm việc khác, trưa quay về lấy thôi, không ngồi đây mà đợi được”. May cho biết số nước ít ỏi này để dành ăn uống, còn tắm rửa thì đợi lúc nào vào rẫy, đi qua các khe suối mới tranh thủ tắm. Nhiều khi cả tuần mới được tắm một lần.  

Dọc quốc lộ 7 đoạn đi qua xã Nậm Cắn thảng hoặc mới thấy dòng nước từ các vòi nước tự chảy. Cô bé Hờ Y Nhiêng đang giũ quần áo nói với tôi: “Chỉ tắm và giặt thôi, chứ nước bị nhiễm phèn nặng nên khó uống lắm. Chỉ khi mô không lên cửa khẩu xin nước được mới phải uống nước này thôi”. “Có biết lọc nước cho hết phèn không?” Cô bé Nhiêng lắc đầu: “Không biết đâu”.  

Không có người đi cửa khẩu lấy nước, các giáo viên trường Mầm non Nậm Cắn phải nhờ người đào một bể chứa nước để tích nước từ mạch nước ngầm trên núi xuống. Cô Lê Thị Thục Hạnh - Hiệu trưởng trường Mầm non Nậm Cắn - cho biết: Tích một đêm cũng chỉ được 1 khối nước này thôi. Số nước này vừa để làm nước uống vừa là nước rửa ráy cho gần 300 em học sinh của trường.
 
Không có nước nên việc xây dựng các công trình kiên cố ở đây cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn. “Các hạng mục phải đổ bê tông để đảm bảo chất lượng thì không dùng nước nhiễm phèn được. Tôi phải xuống thị trấn thuê xe tec chở nước lên. Tính ra mỗi khối nước mất đến 200.000 đồng”, anh Nguyễn Văn Hải - một chủ thầu xây dựng - cho biết. 

Nước uống thì vậy, còn nước sản xuất nông nghiệp thì giải quyết thế nào? Trả lời cho thắc mắc này, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn Hờ Chống Nhìa cho biết: “Ở đây do đặc thù địa hình nên không trồng được lúa nước mà chỉ trồng nương thôi. Đồng bào vẫn chưa bỏ được kiểu canh tác du canh du cư phá rừng làm rẫy”.  

Từ trung tâm xã nhìn ra bốn phía chỉ thấy rừng và đồi, những cánh rừng bị đồng bào “cạo trọc” từng mảng để làm nương trỉa bắp. Những cây gỗ to bị hạ không thương tiếc, cả vạt rừng đang xanh bỗng một hôm héo úa rồi bắt lửa cháy thành tro để đồng bào lấy đất. Sau 2 vụ ngô, không được chăm bón, cải tạo nên đất không cho ra những bắp ngô tròn mẩy nữa, đồng bào lại bỏ nương tìm cánh rừng khác.  

Cái vòng luẩn quẩn phá rừng làm nương, bỏ nương phá rừng tiếp diễn năm này qua năm khác. Cứ như thế diện tích rừng Nậm Cắn thu hẹp lại nhanh chóng. Các lòng khe, suối bắt đầu cạn dần và trở nên khô coong, người dân lại phải đối mặt với tình trạng khát nước.  

“Có cách nào cải thiện được tình trạng thiếu nước không?” Ông Hờ Chống Nhìa lắc đầu: “Chịu thôi, địa hình dốc lại lắm đất đá nên không thể đào giếng khơi như ở dưới xuôi được. Mà đào cũng không có nước. Ta tính kỹ rồi, sắp tới phải vận động người dân xây bể đựng nước mưa. Phải xây dựng loại bể 6 khối trở lên mới đủ nước dùng cho cả mùa khô nữa”.  

Nhẩm tính qua, mỗi bể 6 khối với vật liệu đắt đỏ như ở trên này cũng phải mất 13 đến 15 triệu đồng. Khi cái ăn còn chưa đủ, đồng bào có chừng ấy tiền mà xây bể đựng nước? Mùa khát gay gắt ở Nậm Cắn mới chỉ bắt đầu.

Hoàng Lam - Nguyễn Phê