1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ô nhiễm môi trường biển miền Trung gây hậu quả lớn trước mắt và lâu dài

(Dân trí) - “Sự cố môi trường biển một số tỉnh miền Trung vào tháng 4 vừa qua diễn ra trên diện rộng, gây hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài”- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh tại Lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2011-2015 tổ chức chiều 29/9.

Lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2011-2015 được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều 29/9 (Ảnh: T.K)
Lễ công bố Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia giai đoạn 2011-2015 được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều 29/9 (Ảnh: T.K)

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, năm 2011 Đảng đã thông qua việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó xác định một trong những phương hướng phát triển cơ bản của Việt Nam trong thế kỷ XXI là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn liền với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

“Điều đó đã đặt ra những yêu cầu, áp lực và thách thức to lớn đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa vào khai thác tài nguyên, đang phát triển ồ ạt các nhà máy, xí nghiệp, ngành công nghiệp nhưng chưa xem xét đúng mức đến các yêu cầu bảo vệ môi trường”- ông Nhân nói.

Ông Nhân khẳng định, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều tồn tại, bất cập; môi trường nước ta vẫn đang đứng trước nhiều vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết. Hoạt động khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương thiếu sự quản lý chặt chẽ đang làm gia tăng các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Chất thải từ sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn không được thu gom, xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh. Tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng gia tăng, một số nơi rất nghiêm trọng. Trong khi đó hạn hán, khô hạn và hoang mạc hóa do tác động cực đoan của thời tiết, biến đổi khí hậu đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

“Đặc biệt, đã để xảy ra sự cố môi trường biển một số tỉnh miền Trung vào tháng 4 vừa qua, diễn ra trên diện rộng, gây hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài”- Thứ trưởng Nhân nhấn mạnh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hi vọng báo cáo này sẽ là tài liệu hữu ích cho các nhà quản lý, quy hoạch chính sách, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Bộ sẽ triển khai cơ chế theo dõi, đánh giá kết quả tham khảo, vận dụng những khuyến nghị của báo cáo để tiếp tục nghiên cứu làm sâu sắc hơn và bổ sung các chuyên đề về hiện trạng môi trường những năm tiếp theo.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho rằng, với sự nỗ lực trong công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm, chất môi trường nước, không khí, cảnh quan môi trường của một số khu vực đô thị đã được cải thiện đáng kể. Tuy vậy vẫn còn nhiều nơi chất lượng môi trường đang tiếp tục suy giảm. Tại các điểm, nút giao thông, các công trường, khu vực xây dựng, ô nhiễm không khí có dấu hiệu gia tăng, nhất là trong các đô thị lớn. Hiện tượng xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu, cửa sông diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây tại vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung.

“Chất lượng nước biển ven bờ bị ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực do ảnh hưởng của các hoạt động phát triển kinh tế ven bờ. Đặc biệt sự cố môi trường biển một số tỉnh miền Trung vào tháng 4 vừa qua, diễn ra trên diện rộng, gây hậu quả lớn về kinh tế - xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài. Thêm vào đó, vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, sự cố môi trường và các vấn đề môi trường xuyên biên giới có xu hướng gia tăng, ngày càng phức tạp đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác bảo vệ môi trường”- ông Tùng nói.

Mặc dù vậy, nhiều địa phương còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân. Hệ thống pháp luật, quy chuẩn còn nhiều bất cập, thiếu khả thi; tiêu chí, công cụ để sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư, công nghệ sản xuất, xử lý môi trường, kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp. Đầu tư cho môi trường còn hạn hẹp, dàn trải, hiệu quả thấp và chưa có cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn lực trong xã hội...

Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 đã kiến nghị Quốc hội rà soát, sửa đổi Luật Đa dạng sinh học và các luật liên quan nhằm hình thành khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, thống nhất và hiệu quả hơn để quản lý và bảo tồn; nghiên cứu xây dựng Luật Không khí sạch. “Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, công trình lớn có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao do Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; chỉ đạo HĐND cấp tỉnh thực hiện Chương trình giám sát chuyên đề về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, công trình có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương”- Báo cáo kiến nghị Quốc hội.

Giải đáp thắc mắc của các đại biểu về việc tại sao không đưa ra thông số về môi trường năm 2016, bởi đây thực sự là năm ô nhiễm môi trường ở mức kinh khủng, đặc biệt với sự cố do Formosa gây ra ở 4 tỉnh miền Trung, ông Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh đây là báo cáo 5 năm chứ không phải hàng năm. Còn Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài đánh giá, ô nhiễm môi trường gia tăng nhưng thời gian gần đây có chậm lại.

“Tuy vậy vẫn xảy ra sự cố lớn, ô nhiễm môi trường lớn, tập trung vào một số đối tượng đã nằm trong tầm ngắm để sắp tới xử lý. Hiện nay có khoảng 20% đối tượng gây ra trên 70% ô nhiễm môi trường, nên chỉ cần xử lý khoảng 20% đối tượng này thì môi trường sẽ được cải thiện tốt lên”- ông Tài nói.

Thế Kha