1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ô nhiễm môi trường "bám" tăng trưởng kinh tế

(Dân trí) - Rất nhiều vấn đề “nóng” đã được các đại biểu HĐND TPHCM đặt lên bàn “nghị sự” trong buổi thảo luận tại tổ chiều 2/12, trong đó môi trường, ngân sách được khá nhiều đại biểu quan tâm.

Kinh tế tăng trưởng, nhưng giá phải trả thì quá đắt

Đó là ý kiến của đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa. Ông Nghĩa cho rằng “tăng trưởng hai con số (11%) thì rất đáng mừng nhưng nếu phân tích kỹ thì có rất nhiều vấn đề đáng lo trong năm 2009.

Hàng năm thành phố chúng ta phải trả 2.700 tỉ đồng lãi vốn vay (khoảng 40%) cho đầu tư phát triển kinh tế, trong khi thu thuế chỉ khoảng 7.000 tỉ đồng. Cái tăng trưởng này rất là hao vốn và rất là đắt”.

ĐB Nghĩa không khỏi băn khoăn khi mà sự tăng trưởng kinh tế của TPHCM lại đang phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường. “Tăng trưởng của chúng trong hơn 10 năm qua và đặc biệt trong mấy năm trở lại đây rất là cao nhưng ô nhiễm môi trường cũng rất là lớn, đã đến mức báo động” - ông Nghĩa nói.

Vấn đề này, ĐB Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết, thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay là rất đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, khi chúng ta nhích lên một chút về GDP thì sức khỏe của người dân cũng đang bị ảnh hưởng theo.

Đến “nghị trường” từ rất sớm, ĐB Đặng Văn Khoa - người mà trong các kỳ họp của HĐND TPHCM đã trở nên quen thuộc với cử tri TPHCM - vẫn mang theo bên mình nhiều “dẫn chứng” sinh động. Ông cũng cho rằng “sự phát triển của chúng ta ngày hôm nay không thể để lại một món nợ cho tương lai như là ô nhiễm môi trường”.

Nhiều ĐB cũng khá bất bình về việc ô nhiễm môi trường “tăng” cùng kinh tế. Chỉ riêng kênh Ba Bò mà TPHCM phải bỏ ra tới hơn 200 tỉ đồng để khắc phục hậu quả. Để tăng trưởng TPHCM đang phải vay lãi, trong khi đó lại phải đổ tiền để cứu ô nhiễm.

ĐB Trương Trọng Nghĩa đặt ra câu hỏi: “điểm lại một loạt cái điểm ô nhiễm của thành phố không khác gì kênh Ba Bò thì không biết chúng ta còn phải bỏ ra biết bao nhiêu tiền để khắc phục nữa? Chúng ta khuyến khích làm giàu, khuyến khích tăng trưởng nhưng lại quá buông lỏng trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ môi trường”.

Tiền ngân sách, quỹ đất đã sử dụng hợp lý chưa!

Đưa ra một vấn đề cụ thể là “xây cổng bảo vệ của một khu công nghiệp mà cần số tiền lên tới 37 tỉ đồng”, xây cổng bảo vệ khu công nghiệp như thế có quá lãng phí không? Rồi nào là kho bãi bo hoang, cực kỳ là lãng phí và thành phố chúng ta vẫn phải đi vay. Ông “hội đồng” Đặng Văn Khoa đã mở đầu cho vấn đề thu chi trong ngân sách của TPHCM năm qua.

Vấn đề này ĐB Trương Trọng Nghĩa băn khoăn “chúng tôi và cư tri rất là lo ngại, số tiền chúng ta chi cho chống kẹt xe, trợ giá xe buýt và chống ngập nước trong 3 - 4 năm vừa qua khá lớn mà hiệu quả đạt được lại quá thấp.

Những năm qua, xe buýt chỉ giải quyết được khoảng 5% số người tham gia giao thông, không nhích lên được 10 - 15% dù hàng năm thành phố tốn 600 tỉ đồng để trợ giá. Tiền của dân mà sử dụng như thế thì xót xa quá.

Về phần mình, ĐB Nguyễn Văn Minh cũng đã đem lại cho các ĐB của tổ thảo luận số 3 thêm một vấn đề mới, đó là 13 dự án sân golf trên địa bàn thành phố (trong đó có 5 dự án đã được phê duyệt).

Ông Minh đặt câu hỏi, nhiều sân golf như vậy có quá cần thiết hay không, trong khi sân golf thì cần quỹ đất quá rộng mà chỉ để giải quyết chỗ “vui chơi” của một vài người giàu.

Nhiều ĐB đặt câu hỏi nghi vấn về quá nhiều dự án sân golf trên địa bàn thành phố, quỹ đất cần rộng mà nhu cầu ít, phải chăng là giành đất để thực hiện kế hoạch “B”. Vấn đề này, trao đổi với PV Dân trí, ông “hội đồng” Khoa cho biết “vấn đề trên mà ĐB đặt ra là có cơ sở, tôi nghĩ thành phố dùng 13 sân golf thì không có khách đâu mà chơi. Đặc biệt là tự nhiên có mấy trăm ha đất ở TPHCM là một tài sản vô cùng lớn”.

Vấn đề đặt ra là, trong thời gian qua việc sử dụng nguồn vốn ngân sách như thế nào, có đạt được hiệu quả so với mục tiêu đề ra chưa? Nguyên nhân sử dụng chưa hiệu quả do đâu? Do lãng phí hay năng lực kém, do quá dàn trải hay có tiêu cực? Minh chứng cụ thể nhất: thời gian qua chúng ta đã chi rất nhiều tiền để chống ngập nước, kẹt xe, trợ giá xe buýt… ngập vẫn ngập, kẹt xe như “chuyện thường ngày” ở huyện.

Ngoài ra, trong buổi thảo luận các ĐB cũng đặt ra nhiều vấn đề khác như vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề tái định cư có tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, rác thải y tế, an sinh xã hội , năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị, các biện pháp phòng chống tội phạm xã hội…

Đoàn Quý