1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ở đâu có người chết vì AIDS là tức tốc lên đường

(Dân trí) - Hơn 10 năm nay, cứ mỗi lần nghe ở đâu có người chết vì AIDS là các ông lại tức tốc lên đường đến với họ để khâm liệm, chôn cất và an ủi vong hồn lạnh lẽo của những con người xấu số.

Các ông là những hướng đạo sinh trong nhóm thiện nguyện chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS ở TP Huế.

 

Niềm an ủi cuối đời của bệnh nhân AIDS

 

Chúng tôi tìm nhà ông Nguyễn Văn Hoàng (phường Phước Vĩnh, TP Huế) - nhóm trưởng nhóm chăm sóc bệnh nhân AIDS - vào một buổi chiều mùa hè. Rất may cho chúng tôi khi 6 thành viên trong nhóm đều đang có mặt tại đây. Các ông đang lên kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi công tác Đà Nẵng để cấp phát thuốc điều trị cho bệnh nhân phong ở làng phong huyện Hòa Vang.

 

Nhóm ông Hoàng đang khâm liệm, chôn cất bệnh nhân AIDS qua đời

Nhóm ông Hoàng đang khâm liệm, chôn cất bệnh nhân AIDS qua đời

 

Khi được hỏi về công việc từ thiện mà mình và cả nhóm đang làm, ông Hoàng nói ngay: “Tui không muốn bài báo tuyên dương công việc mà cả nhóm đang làm, tui chỉ mong báo chí thông tin làm sao cho xã hội hiểu, thông cảm và chia sẻ với những người có “H” để họ được thanh thản sống nốt quãng đời còn lại của mình”.

 

Nhóm của ông Hoàng được thành lập năm 2001, ban đầu chỉ có 7 thành viên. Trước khi làm bạn với những bệnh nhân AIDS, ông Hoàng và ông Trần Văn Sơn (60 tuổi) từng có thời gian dài chăm sóc cho những bệnh nhân phong ở làng phong Hòa Vân - Hòa Vang - Đã Nẵng. Ca “thử việc” đầu tiên của các ông là vào năm 2002, khi chôn cất cho một phụ nữ ở Phong Điền - Thừa Thiên Huế. Trước khi qua đời người phụ nữ xấu số này chỉ mong muốn được gặp mặt mẹ và em gái lần cuối nhưng không được. Niềm an ủi cuối cùng của chị là được những người bạn trong nhóm thiện nguyện chăm sóc bệnh nhân AIDS mai táng. “Bọn tui buộc phải tắm rửa, khâm liệm và chôn cất cho xong ngay trong đêm vì người nhà và chính quyền sợ lây lan nên không cho để lâu. Chiếc quan tài chôn cất chị cũng chỉ được đưa đến ngõ, người thân và người dân xung quanh chỉ dám đứng ở xa nhìn vào”, ông Hoàng buồn rầu kể lại.

 

Ông Trần Văn Kim (60 tuổi) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đau lòng của bé Vân Anh (sinh năm 1992). Năm 1997, bố mẹ em ra đi vì căn bệnh thế kỉ, người nhà đưa em đi xét nghiệm máu và thật đau đớn khi biết được em cũng dương tính với HIV. Ông bà ngoại đón em về nuôi nấng, chăm sóc. Khi ông bà ngoại không còn đủ sức khỏe để chăm sóc cho em, Vân Anh được các sơ trong phòng khám tình nguyện Kim Long (TP.Huế) đón về nuôi. Không vượt qua được số phận và những cơn đau hành hạ, em đã từ bỏ cuộc sống khi chưa tròn 10 tuổi. Nói đến đây ông Kim rớm nước mắt: “tui thương nó như con cháu trong nhà, tuổi nó còn quá nhỏ dại nhưng có lẽ cái chết đói với nó cũng là một sự giải thoát”.

 

Những thành viên trong nhóm thiện nguyện chăm sóc bệnh nhân AIDS.
Những thành viên trong nhóm thiện nguyện chăm sóc bệnh nhân AIDS. 
 

Không chỉ làm công việc mai táng chôn cất người chết, nhóm thiện nguyện của ông Hoàng còn chăm sóc cho hơn 150 bệnh nhân AIDS trong tỉnh. Mỗi tháng một lần các ông thay nhau phát thuốc uống, đường sữa, và tiền trợ cấp hàng tháng cho bệnh nhân AIDS. Nhóm của ông Hoàng còn đến tận các xã, huyện có đông bệnh nhân để tuyên truyền về cách phòng tránh cho nhân dân và kêu gọi hưởng ứng phong trào 3 không: “Không còn ca nhiễm mới, không còn người chết vì HIV/AIDS và không kì thị phân biệt đối xử”.

 

Làm việc thiện vì tình yêu thương…

 

Khó khăn lớn nhất mà các ông luôn gặp phải là sự kì thị của những người xung quanh. Đã có một thời gian dài người dân trong phường nhìn các ông bằng ánh mắt khác khi biết các ông tiếp xúc với những người HIV/AIDS. Những cái tên như “Hoàng ết”, “Kim si đa” cũng từ đó mà ra đời. “Tui không trách họ, tui chỉ cười trừ cho qua khi có ai đó gọi tui như vậy, vì thời gian đầu bà nhà tui cũng cấm cản tui ghê lắm, bà sợ lây lan cho cả nhà thì sống khổ mà chết cũng khổ, tui phải thuyết phục mãi bà mới chịu nghe và ủng hộ” - ông Hoàng thành thật chia sẻ.

 

Khi được hỏi về “lương”, các ông ai cũng tủm tỉm cười, vì mỗi tháng mỗi người trong nhóm chỉ nhận được 400 ngàn đồng trợ cấp, tháng nào hết quỹ thì coi như các ông làm công không. “Ngần ấy tiền không đủ xăng xe thì nói chi đến chuyện công cán, nhưng vì tình thương chúng tôi vẫn làm dù có 400 ngàn hay không. Bà vợ tui hay trêu bọn tui là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ông Hùng vui vẻ khi nói về công việc mình đang làm.

 

 

Theo thống kê của Phòng khám từ thiện Lim Long TP Huế, trong tháng 4/2012 trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có tổng số 153 bệnh nhân HIV/AIDS, 157 trẻ em diện OVC (trẻ em chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS). Trong đó khu vực thành phố Huế có tỉ lệ người có “H” và trẻ em OVC cao nhất trong tỉnh. Tính trung bình mỗi tháng có 4 ca nhiễm mới và 1 ca chết vì căn bệnh thế kỉ này.

 

Phương Lê