1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

ĐBSCL:

Nước nào cũng xây đập trên sông Mê Công, mỗi năm Việt Nam mất... 3 cầu Cần Thơ!

(Dân trí) - PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ cảnh báo, nếu tất cả các đập trên dòng sông Mê Công được các nước triển khai thì lượng cá trắng bị tổn thất, quy thành tiền đủ giúp Việt Nam xây được 3 cây cầu Cần Thơ.

Ngày 10 - 11/11, tại TP Long Xuyên (An Giang), Trung tâm Con người và Thiên nhiên kết hợp với Tổ chức Sông ngòi quốc tế (IR), Quỹ Phục hồi sinh thái đã tổ chức hội thảo "Thủy điện Mê Công: Khoa học, chính sách và tiếng nói cộng đồng và Diễn đàn nhân dân khu vực Mê Công" để tham vấn những tác hại, tổn thất từ một số nước như Trung Quốc, Lào, Campuchia… tiến hành xây các con đập trên dòng sông Mê Công.

Tại Hội thảo, các diễn giả cho thấy sông Mê Công là con sông lớn nhất Đông Nam Á, với chiều dài dòng chính 4.590km, mỗi năm cung cấp 2,6 tỷ tấn cá tự nhiên và 160 triệu tấn phù sa...

Sông Mê Công chảy qua 6 lãnh thổ quốc gia: Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam với hàng chục triệu người dân sinh sống. Đây cũng là vùng xuất khẩu gạo, thủy sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, một số nước như Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia… đã và đang xây dựng 12 con đập trên dòng Mê Công, ban đầu đã có những ảnh hưởng đáng kể đến hệ sinh thái, cụ thể nhất là nguồn lợi thủy sản.

 

Các diễn giả phân tích và dẫn chứng nhiều con số cụ thể về sự tổn thất khi các con đập mà Trung Quốc, Lào xây dựng trên dòng sông Mê Công.
Các diễn giả phân tích và dẫn chứng nhiều con số cụ thể về sự tổn thất khi các con đập mà Trung Quốc, Lào xây dựng trên dòng sông Mê Công.

PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ, mở đầu bài tham luận “Thủy điện Mê Công và tác động tiềm ẩn lên môi trường, sinh kế và an ninh lương thực ĐBSCL”. PGS Tuấn cảnh báo hiện tượng hiếm thấy khi mùa lũ năm nay không có lũ; tình trạng xâm ngập mặn đã diễn ra ở Kiên Giang, Hậu Giang… Từ những dấu hiệu ban đầu này cho thấy việc chăn nuôi, trồng trọt của người dân khu vực ĐBSCL sẽ gặp khó khăn.

PGS Tuấn phân tích, khu vực ĐBSCL hiện có 4 triệu ha đất tự nhiên, trong đó có 2 triệu ha đất nông nghiệp, với tổng dân số 17,5 triệu dân (2013). Những năm gần đây, sản lượng lúa liên tục tăng, tính đến năm 2013, tổng sản lượng trên 24,8 triệu tấn. Riêng thủy sản, cung cấp 2,8 triệu tấn thủy sản/năm. Tuy nhiên, hiện nay các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia… đã và đang tiến hành xây dựng 12 con đập thủy điện trên dòng sông Mê Công (Trung Quốc hoàn thành 4 đập; Lào hoàn thành 1 đập)… sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hệ sinh thái, đời sống người dân sống ở  lưu vực sông Mê Công, trong đó người dân Việt Nam sống tại ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

 

Mùa lũ, đỉnh lũ nhưng mực nước chưa cao hơn đầu gối người
Mùa lũ, đỉnh lũ nhưng mực nước chưa cao hơn đầu gối người

PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết, trong những tổn thất dễ nhận thấy nhất là nguồn lợi thủy sản. Ông đưa ra hình ảnh so sánh: Chỉ riêng loài cá di cư theo mùa, nếu các đập thủy điện được triển khai, các loài cá này không về nữa (do dòng chảy, chất lượng nguồn nước bị thay đổi…), sẽ gây tổn thất từ 220.000 – 440.000 tấn cá/năm. Nếu tính với giá 2.500 USD/tấn cá, số tiền tính ra từ 0,5 – 1 tỷ USD/năm. Với số tiền này, trong một năm Việt Nam có thể bắc thêm 3 cây cầu có quy mô như cầu Cần Thơ (tổng vốn cầu Cần Thơ 342,6 triệu USD).

Tại Hội thảo, các diễn giả cũng phân tích tác hại của các con đập khi hình thành sẽ làm giảm lượng phù sa về phía hạ nguồn khi đó sẽ tác động tiêu cực đến dinh dưỡng đất và cây trồng, bổ sung nguồn vật liệu xây dựng và đời sống văn hóa của người dân.

 

PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ đưa ra hình ảnh so sánh cụ thể.
PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ đưa ra hình ảnh so sánh cụ thể.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đặt vấn đề, chúng ta phân tích rất nhiều tác hại khi các nước xây dựng đập thủy điện trên sông Mê Công, đặc biệt là đối với Lào, Chính phủ xem việc phát triển thủy điện là một kế sách phát triển kinh tế, đời sống người dân… khi điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Các nước phát triển, đang phát triển như Việt Nam cần có phương án giúp Lào cũng như những nước kém phát triển khác có ý định xây đập thủy điện trên sông Mê Công phát triển kinh tế.

Đại diện tổ chức sông ngòi quốc tế nêu quan điểm, cần tăng cường công tác vận động để các nước sống ở lưu vực sông Mê Công tham gia Công ước Liên hiệp quốc về nguồn nước, vì đây là biện pháp hữu hiệu nhất cứu lấy dòng sông Mê Công và cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp; đảm bảo quyền lợi và công bằng cho các nước cùng sử dụng chung nguồn nước Mê Công.

Nguyễn Hành