1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

“Nửa đêm nghe tiếng động là lao ra khỏi nhà…”

(Dân trí) - Đứng từ trên cao nhìn xuống, có cảm giác như cả quả núi khổng lồ đang “dịch chuyển” vào sát dãy nhà dân. Những tảng đá, khối đất nằm lửng lơ trên sườn núi, chỉ chực chờ những trận mưa lớn làm nhão ra là chuyển mình lao xuống...

Tính mạng của 168 hộ dân (gần 1.000 nhân khẩu) ở khu tái định cư khe Choóng, khe Ồ (xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An) đang trong tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Từng ngày, từng giờ họ phải đối mặt với nguy cơ sạt lở núi.
 
Chúng tôi về bản Khe Choóng buổi xế chiều, từ xa thấy những ngôi nhà nép mình bên sườn núi dựng đứng, phía dưới hun hút là dòng Nậm Nơn đang gầm réo. Anh Thơm chỉ tay: "Anh coi mới trận mưa đầu mùa mà lở núi vùi lấp cả con đường dẫn vào bản, xã phải huy động sức dân để thông lại con đường này".
 
Đi sâu vào bản thấy thật buồn tẻ, cả năm nay bản Khe Choóng chẳng ai muốn sắm sanh hay tu sửa nhà cửa nữa vì họ sợ căn nhà của họ có ngày sẽ bị núi lở vùi lấp. Chúng tôi vòng ra phía sau núi thấy cảnh tượng thật kinh hãi, vết tích của vụ lở núi năm trước vẫn còn nguyên. Ở đây nham nhở những vết nứt giằng xé, đất đá đang treo giữa sườn núi có thể đổ ập xuống bản làng bất cứ lúc nào.

Ông Lô Hoài Thơm, Chủ tịch UBND xã Yên Na, nói trong lo lắng: Đợt mưa lớn kéo dài ngày 3/9/2011 khiến cả mái núi đổ ập xuống gần khu vực nhà máy thuỷ điện bản Vẽ. Gần đó là nơi sinh sống của 147 hộ dân thuộc (khu tái định cư thuỷ điện bản Vẽ) bao gồm bản khe Choóng và bản khe Ồ. Đất đá sụt xuống đổ ập khiến nhiều căn nhà bị đổ, nứt tường, mạng sống người dân thật mỏng manh. Sau sạt lở núi, các đoàn liên quan cũng đã lên kiểm tra và hứa có phương án sớm di dời người dân đến nơi an toàn nhưng đến thời điểm này, khi mùa mưa đã tới, các vết sạt lở núi mới lại bắt đầu đổ ụp xuống khu tái định cư nhưng vẫn chưa thấy phương án di dời.

“Nửa đêm nghe tiếng động là lao ra khỏi nhà…”
Ngôi nhà bếp của hộ gia đình anh Lương Văn Chanh bị vụ lở núi năm trước làm sập, nay còn trơ lại nền nhà
 
Anh Lương Văn Chanh - một người dân ở đây kể lại trận sạt lở kinh hoàng - năm trước: "Hôm đó đang ngủ trưa bỗng nghe tiếng kêu cứu từ một hộ dân bị sạt lở núi chúng tôi đã chạy đến giúp. Khi quay về thì thấy căn nhà bếp đã bị một khối đất đá khổng lồ đè nát, may mà không có ai trong nhà". Do hoàn cảnh quá khó khăn đến nay anh Chanh chưa thể tu sửa được gian bếp. Hàng ngày gia đình vẫn đang phải nấu ăn ở ngoài trời. Anh Chanh cho hay: Trận mưa mới đây núi lại lở tiếp, đất đá đã ùn vào sát ngôi nhà chính, anh phải đưa vợ con  vào bản Na Khốm để lánh nạn. Giờ chỉ mong được di dời đến nơi an toàn để đảm bảo tính mạng cho cả gia đình.

Ông Lương Tuấn Phượng gần 80 tuổi đưa tôi ra phía sau nhà buồn bã nói: "Trước khi san mặt bằng khu tái định cư, đơn vị thi công có dựng tấm lưới sắt B40 phía sau núi nhằm giữ khỏi sạt lở nhưng anh coi đất trên núi đã tống cả tấm lưới sắt vào sát nhà dân rồi. Cách đây mấy ngày lúc trời vừa ngớt mưa, đất đá từ núi cao lao xuống ầm ầm như hàng ngàn con trâu điên khiến người dân cả bản hoảng sợ phải bỏ chạy toán loạn ra khỏi nhà. May mà đất đá chỉ trôi lưng chừng núi, một số tảng đá lăn vào làm hư hỏng tường nhà dân".

Nhiều bà con đi rẫy về quây lấy chúng tôi như bấu víu một hy vọng được giúp đỡ. Chị Vi Thị Ngoãn than thở: Người dân khe Choóng cứ phải thức thâu đêm để canh chừng nghe tiếng động là lao ra khỏi nhà vì ai cũng sợ núi lở. Nhiều hộ dân hiện nay không dám ở trong nhà đã phải dựng tạm lều lán ven bờ sông Nậm Nơn để sống tạm.

Phía trên đó là 48 hộ dân của bản tái định cư khe Ồ cũng cùng chung cảnh ngộ. Trong trận sạt lở núi năm 2011 có 27 hộ bị thiệt hại chủ yếu là hư hỏng và sập nhà cửa. Trong đó có hộ anh Lô Văn Lương đã bị tảng đá to gần 10 m3 đổ ụp từ núi cao xuống khiến ngôi nhà bẹp dúm. Hiện nay gia đình anh Lương đã tự di dời đến nơi khác lánh nạn núi lở.

“Nửa đêm nghe tiếng động là lao ra khỏi nhà…”
Dãy nhà dân trước nguy cơ sạt lở núi có thể xẩy ra bất cứ lúc nào
 
Được biết tại bản Khe Ồ có khoảng trên 10 hộ dân phải tự cứu mình bằng cách chuyển nhà đến nơi khác an toàn hơn; chủ yếu họ dựng nhà tạm ven sông Nậm Nơn sinh sống. Đứng từ trên cao quan sát xuống, có cảm giác như cả quả núi khổng lồ đang “dịch chuyển” vào sát dãy nhà dân. Những tảng đá, khối đất nằm lửng lơ trên sườn núi, chỉ chực chờ những trận mưa lớn làm nhão ra là chuyển mình lao xuống.

Lại bàn về nguyên nhân sạt lở núi, có ý kiến cho rằng do địa chất yếu. Nhưng riêng bà con hai bản Khe Choóng và Khe Ồ thì khẳng định do khu tái định cư được xây dựng trên vị trí không phù hợp, chủ yếu là nền đất “mượn”, bị đứt chân núi nên dễ sạt lở. Chưa kể là trên ngọn núi cao này có một con khe lớn, vào mùa mưa nước đều dồn vào con khe này đâm thẳng vào bản Khe Choóng, gây lở núi.

Ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết: UBND huyện đã vận động được một số hộ dân ở 2 bản trên di dời đến nơi an toàn. Việc di chuyển 2 bản trên đến nơi khác là rất cần thiết và làm càng sớm càng tốt để tránh hậu quả đáng tiếc do sạt lở núi gây nên. Hiện huyện đang tích cực phối hợp với Ban quản lý thuỷ điện II tiến hành xây dựng khu tái định cư mới cho bà con.

Văn Trường