1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nữ võ sư “trốn viện” đi... dạy võ

(Dân trí) - 7 giờ tối, giọng nữ võ sư trên điện thoại không khỏe nhưng đầy nhiệt huyết: “Tôi đang truyền đạm. 5 phút nữa tôi sẽ có mặt”. Bà tiết lộ, không chỉ “trốn viện”, trong những ngày nằm viện, bà còn “chiêu mộ” được một số hộ lý, y tá cùng đến tập võ.

Trung tuần tháng 3/2011, sức khỏe Nhà giáo ưu tú - võ sư Thu Vân suy yếu. Điều trị tại Viện Y dược học dân tộc (đường Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận, TPHCM) nhưng không lúc nào bà cho phép mình nghỉ ngơi. Ngay cả lúc bà ngồi ngâm chân cũng có môn sinh tập võ bên cạnh.

7 giờ tối, giọng bà trên điện thoại không khỏe nhưng đầy nhiệt huyết: “Tôi đang truyền đạm. 5 phút nữa tôi sẽ có mặt ở Nhà văn hóa quân khu 7”. Đúng giờ, một môn sinh chở bà đến nơi. Trên mu bàn tay lão nữ võ sư, vết kim tiêm vẫn còn sưng tấy.
 
Nữ võ sư “trốn viện” đi... dạy võ - 1
Bất chấp sức khỏe không cho phép, nhà giáo Thu Vân vẫn đến với môn sinh mỗi ngày
 
Võ sư vui vẻ tiết lộ: Không chỉ “trốn viện” một mình, trong những ngày nằm viện, bà cũng “chiêu mộ” được một số hộ lý, y tá cùng đến đây tập võ. Điều đó cũng đủ cho thấy sức hấp dẫn của môn võ cổ truyền.

Rồi bà thoăn thoắt đi về phía khu vực sân khấu, quan sát lớp cascadeur đang tập luyện. Lớp học khoảng 10 thanh thiếu niên. Thành viên nhỏ nhất mới hơn 3 tuổi, còn chưa có đồng phục. Trang phục và thảm tập của lớp đều do 1 tay võ sư lo liệu, vì: “Tất cả đều là học sinh nghèo, tôi không muốn chúng nó phải tốn kém”. 
 
Niềm tự hào của võ sư là cô bé Trần Xuân Sóc Nâu: “Bé gái này mới 6 tuổi thôi mà đã thành thục hết các bộ tấn, bộ chỏ, bộ đá. Bé cũng đã tham gia đóng 3 bộ phim rồi đấy”. Nhìn Sóc Nâu múa đao hết sức đẹp mắt, không ai ngờ 2 năm trước, đây là cô bé ốm đau dặt dẹo.
 
Nữ võ sư “trốn viện” đi... dạy võ - 2
Từ khi học võ tới nay, hiếm khi bé Sóc Nâu phải cần đến viên thuốc
 
 
Đôi nét về võ sư Thu Vân
 
Tên thật: Nguyễn Lệ Thu Vân
Năm sinh: 1945
Nguyên quán: Hà Nội

- 1962 - 2002: Giảng dạy môn vũ đạo - trình thức - võ thuật cho 25 khóa cải lương từ Bắc vào Nam tại trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội và TP.HCM.

- 1992, 2006, 2009 : Giảng dạy võ cổ truyền Việt Nam cho 8 võ đường ở Paris.

- 1995: Huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục"

- 1997: Được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
 
Bản thân bà là một minh chứng: nào là ung thư, nào là cháy tay, và biết bao chấn thương vì công việc cascadeur mạo hiểm. Cuối năm ngoái bà còn bị móp sọ vì tai nạn giao thông… “Nếu không nhờ võ có lẽ tôi không sống đến hôm nay” - võ sư chia sẻ.
 
Niềm mong mỏi của võ sư Thu Vân là tất cả thanh thiếu niên Việt Nam đều ham thích học võ, bởi võ thuật không chỉ giúp thân thể khỏe mạnh mà còn rèn luyện đạo đức, học võ chính là học làm người.

Bà luôn khuyến khích các sinh viên trường Sân khấu điện ảnh luyện tập võ nghệ để không phải nhờ đến người đóng thế. Võ sư thường nói đùa: “Tôi già thế này mà sao phải đóng thế cho các bạn?”.

Những tin vui đầu tiên là có 4 trường đại học đã mời bà giảng dạy: ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Gia Định, ĐH Sân khấu điện ảnh, ĐH Hùng Vương. Bà cũng mong mình đủ sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho võ nghệ.

Tâm nguyện thiết tha của võ sư Thu Vân là được nhìn thấy võ thuật cổ truyền dân tộc được đưa vào giảng dạy trong mỗi ngôi trường Việt Nam.
 
Ánh mắt rực sáng, nữ võ sư 66 tuổi kể về những dự định của mình: muốn in sách, in đĩa làm giáo trình để lưu truyền những thế võ đẹp của các vị tiền nhân; muốn trang web thuvanvodao.edu.vn phát triển vững mạnh, trở thành cổng thông tin về võ thuật cổ truyền Việt Nam được đông đảo người mộ điệu biết đến.
 
Dự định lớn lao cũng đồng thời là gánh nặng ngàn cân đối với nữ võ sư ở cái tuổi gần đất xa trời, bệnh ung thư hành hạ hàng ngày... Mấy ai biết, võ sư đã dìu dắt biết bao nhiêu thế hệ môn sinh nhưng chưa từng lấy một đồng học phí, vì bà tâm niệm: “Tôi không bán võ”. Cũng vậy mà bao năm tháng, cả gia đình võ sư đã phải gồng gánh, thậm chí bán cả nhà để giúp bà trang trải chi phí phát triển võ đạo.
 
Nữ võ sư “trốn viện” đi... dạy võ - 3
Anh Martial Morvan (40 tuổi) thọ giáo võ sư Thu Vân từ chuyến đi Pháp của bà,
quyết tâm theo thầy về Việt Nam học tiếp
 
Chồng bà, đại tá quân đội, lúc lâm chung cũng trao cho bà số tiền lương hưu còn lại để "trang trải chi phí cho trang web phổ biến võ học".

Bởi vì, ông quá hiểu trong cuộc đời này, với vợ ông, Võ chính là cuộc sống. Giờ đây, trong lúc sức khỏe suy kiệt, thường xuyên phải vào viện truyền đạm, bà vẫn đau đáu nỗi lo " Kiếm đâu ra kinh phí để hoàn thành trang web võ học ..."
 

Lòng bao dung của võ sư
 
Vừa qua, một đơn vị chưa hề làm việc với võ sư đã tự ý ghi tên cô biểu diễn đêm hội “Tinh hoa thế giới võ thuật” (ngày 19/3 tại Nhà thi đấu quân khu 7). Thậm chí, họ tự ý gửi thông cáo báo chí về việc thành lập quỹ “Thu Vân võ đạo”. Quỹ mang tên cô mà cô không biết ất giáp gì cả...
 
Đứng trước sự việc nghiêm trọng này, các võ sinh, đệ tử của cô vô cùng bức xúc. Thế nhưng, khi gặp mặt, bằng tấm lòng bao dung của một nhà giáo,  tinh thần cao thượng của võ sư, cô làm tất cả bất ngờ khi khoát tay nhẹ nhàng: " Các con muốn tổ chức cứ nói với cô một tiếng, cô sẽ giúp cho. Hãy xem đây là bài học kinh nghiệm, chứ đừng làm căng thẳng".
 

 
 
Hồng Nhung