1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ 8/3:

“Nữ tướng” một mình đóng 2 tàu biển công suất lớn

(Dân trí) - Ngư dân vùng biển Đà Nẵng thường gọi bà là “nữ tướng” làng biển bởi hiếm có người phụ nữ nào một thân một mình có thể gượng dậy từ khó khăn để đóng hai chiếc tàu công suất lớn thuộc loại “đỉnh” nhất Đà Nẵng.

Chồng mất, tàu chìm trong trận bão Chanchu

Phải nhờ Hội nông dân quận Thanh Khê liên hệ chúng tôi mới gặp được bà Lê Thị Huệ (49 tuổi, trú phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) bởi bà bảo "ngại lên báo". Tuy nhiên, khi gặp chúng tôi bà rất niềm nở, miệng luôn nở nụ cười hiền hậu. Chúng tôi tìm đến nhà bà vào một buổi sáng, khi bà đang tất bật sửa nhà. Ngôi nhà lớn, khang trang của bà nằm trong kiệt đường Trần Cao Vân, sát bên cạnh là những ngôi nhà bà xây có các con trai của mình, mỗi đứa một căn.

Trước khi vào câu chuyện, bà bảo: “Giọng chị giọng miền biển nói khó nghe, chị không nói được giọng phố, tụi em thông cảm hỉ”. Trong mỗi câu chuyện đều có tiếng cười của bà khiến cho không khí trở nên thoải mái.

“Nữ tướng” một mình đóng 2 tàu biển công suất lớn
Chồng mất, tàu chìm trong trận bão Chancha nhưng bà Huệ vẫn gượng dậy, thay chồng đóng những chiếc tàu có công suất lớn tiếp tục vươn khơi

Vui vẻ, xuề xòa là thế nhưng khi kể lại trận bão Chanchu năm 2006, giọng bà trầm ngâm hẳn. Bà bảo, thời điểm đó bà sụp đổ hoàn toàn, phải mất một năm trời bà mới hồi tỉnh trở lại. Lúc bấy giờ, chồng bà có 4 chiếc tàu được xem là “hạm đội” nhất nhì Đà Nẵng. Trước mỗi chuyến ra khơi, bà giúp chồng chuẩn bị ngư cụ, đồ ăn thức uống và sau mỗi chuyến tàu cập cảng, cá đầy khoang bà lại quần quật lo việc tiêu thụ. Chồng bà là một thuyền trường kiên trường, nhiều năm bám biển, “đạp” sóng vươn ra những ngư trường lớn. Tuy nhiên, cũng như nhiều ngư dân vùng biển lúc bấy giờ, ông đã không vượt qua được cơn bão hung hãn Chanchu năm 2006.

Chồng mất, chiếc tàu lớn nhất bị chìm, 3 chiếc còn lại bị hư hỏng nặng không dùng được. Bà Huệ sụp đổ hoàn toàn, không biết làm gì để trả số nợ ngân hàng 1,2 tỷ đồng mà chồng bà vay để đóng tàu, còn 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn nữa lấy gì để nuôi chúng đây.  

“Đó là thời điểm khó khăn nhất. Nếu như không yêu biển, không yêu nghề, không thương chồng, thương con thì chị không thể nào vượt qua được”, bà Huệ nói.

Đóng tàu công suất lớn vươn khơi

Trong tận cùng của nỗi đau, bà quyết vươn dậy. Bà bảo, ước mơ của chồng bà lúc còn sống vẫn làm bám biển. Vì thế, sau nhiều ngày suy nghĩ, bà quyết định bán hết ba con tàu còn lại để trả nợ và quyết tâm gây dựng lại cơ nghiệp của chồng.

Tuy nhiên, con đường trở lại với biển cả của bà không dễ dàng gì. Bà cấm sổ đỏ đi vay ngân hàng nhưng họ chỉ cho vay rất ít. Vì thế, ban đầu, bà đóng tàu với công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ.

Mấy năm sau, khi có được một số vốn cùng với sự hỗ trợ của thành phố, bà mạnh dạn đóng những chiếc tàu có mã lực lớn để vươn xa hơn thỏa nổi ước mong của chồng bà lúc còn sống. Bà đi khắp nơi để tìm gỗ đóng tàu, đặt mua máy…. những công việc đáng lẽ ra là của một người đàn ông. Rồi đến ngày chiếc tàu 880 CV của bà cũng hạ thủy và liên tục thắng lớn trong những chuyến ra khơi.

Bà Huệ được anh em đi biển gọi là nữ tướng làng biển
Bà Huệ được anh em đi biển gọi là "nữ tướng" làng biển

Không dừng lại ở đó, năm 2013 bà tiếp tục đóng mới chiếc tàu 865 CV tạo thành một cặp tàu thuộc loại “top” của Đà Nẵng.

Hai tàu của bà đang tạo công ăn việc làm cho 26 lao động. Mỗi chuyến ra khơi, tàu của bà thường đi từ nửa tháng đến 1 tháng, đánh bắt tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Công việc của bà mỗi khi tàu về là ra bán cá, rồi lấy tổn phí cho bạn tàu. Khi tàu chuẩn bị xuất bến thì bà lo giấy tờ. “Chỉ khi nào tài chạy ra đến bán đảo Sơn Trà chị mới quay trở về”, bà Huệ nói.

Mặc dù có bốn người còn trai nhưng chỉ duy nhất người con thứ ba theo nghề biển cùng bà, hiện đang là máy trưởng của một trong hai chiếc tàu trên.

Bà Huệ bên chiếc tàu của mình
Bà Huệ bên chiếc tàu của mình

Khi chúng tôi hỏi: “Chị có ý định nghỉ nghề biển để chuyển qua nghề khác không”. Không cần suy nghĩ, bà trả lời ngay: “Không. Tui sẽ bám biển cho đến khi nào không thể đi được nữa thì thôi”.

Nhận xét về bà, ông Lê Nguyên Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thanh Khê Đông cho biết: “Chị Huệ là một phụ nữ đảm đang, giỏi giang và đã có nhiều đóng góp cho địa phương. Là phụ nữ nhưng chị đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu với công suất lớn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động”.

Còn ông Lê Phương Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Thanh Khê cho hay, chị Huệ là phụ nữ làm nghề biển đứng vị trí số 1 của quận. Mặc dù chồng mất, kinh tế khó khăn nhưng chị đã quyết tâm vươn lên làm giàu. Một người đàn ông chưa chắc đã đóng được một chiếc tàu lớn như thế trong khi đó chị lại đóng được hai chiếc. Năm nào chị cũng được nhận giấy khen từ cấp phường đến cấp thành phố tuyên dương phụ nữ làm kinh tế giỏi.

Khánh Hồng