1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Nữ đội trưởng ưu tú 8 lần được gặp Bác Hồ

(Dân trí) - Chúng tôi tìm đến nhà cô Trần Thị Kim Cúc - người con gái ưu tú của mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng; nữ đội trưởng Đội công tác đặc biệt nhiều lần được gặp Bác Hồ - vào đúng dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, cô bé Cúc giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Năm 14 tuổi, Cúc đã theo mẹ, theo anh nuôi giấu cán bộ và làm giao liên. Năm 17 tuổi, cô từng bị địch bắt hai lần nhưng vì không có chứng cứ gì nên chúng đành thả cô ra.

Nữ đội trưởng ưu tú 8 lần được gặp Bác Hồ
Cô Cúc kể lại những lần được gặp Bác và những năm hoạt động cách mạng

Năm 22 tuổi, cô nhận nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội công tác đặc biệt hoạt động tại thành phố Đà Nẵng, đấu tranh chống lại âm mưu của đế quốc Mỹ. Cũng trong những năm này, cô bị địch bắt lần thứ 3. Lần này chúng tra trấn cô vô cùng dã man: lấy đinh đóng vào đầu, lấy thủy tinh đâm vào cửa mình... Bất chấp những màn tra tấn man rợ, nữ đội trưởng quả cảm một mực không khai. Một lần nữa địch chịu thua trước người con gái nhỏ bé mà kiên trung.

Sau khi ra tù, cô Cúc được Đảng đưa ra Hà Nội điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Đây chính là thời điểm cô được gặp Bác Hồ nhiều lần.

Cô Cúc còn nhớ lần đầu tiên gặp Bác đó là vào ngày 19/5/1966. Cảm xúc lúc đó thật không gì diễn tả được. “Hôm đó, cô đang nằm điều trị trong viện thì thấy một ông cụ ăn mặc giản dị, râu tóc bạc, bước đi rất nhanh vào phòng bệnh của cô. Đoán là Bác Hồ nên cô định chạy ra đón Bác. Bác vội vẫy tay: Cháu hãy ngồi đó, đừng chạy ra. Rồi Bác ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe: Đau như vậy đêm cháu có ngủ được không?. Bác căn dặn các bác sĩ hãy quan tâm theo dõi sức khỏe cũng như việc ăn uống cho cô”.

Sau lần đó, thỉnh thoảng Bác lại cho người đến đón cô Cúc vào Phủ Chủ tịch ăn cơm với Bác. Những lần đó đều có cả bác Phạm Văn Đồng cùng ăn.

Để vết thương của cô sớm hồi phục, Bác đã cho cô qua Trung Quốc điều trị. Trước khi cô đi, Bác dặn: Cháu qua đó hãy tranh thủ học tiếng nước bạn để sau này cần nói chuyện với họ, không có người phiên dịch mình vẫn có thể nói được. Biết cháu sang nhất định sẽ có nhà báo đến hỏi chuyện nhưng nếu sức khỏe không tốt thì hãy nghĩ, lúc nào khỏe hãy cho họ gặp để họ biết được tinh thần chiến đấu bất khuất của dân tộc ta và tội ác của đế quốc Mỹ.

Nghe lời Bác dặn, những ngày điều trị bên Trung Quốc, cô Cúc luôn tranh thủ, chịu khó học tiếng Trung Quốc. Sau này về nước, cô lại được gặp Bác. Để kiểm tra vốn tiếng Trung của cô Cúc, Bác đã hỏi thăm sức khỏe của cô bằng tiếng Trung. Thấy cô Cúc trả lời bằng tiếng Việt, bác nhắc: Cháu phải trả lời Bác bằng tiếng Trung Quốc chứ. Nghe cô nói thành thạo, bác khen cô giỏi và căn dặn: Dù ở hoàn cảnh nào cũng phải học!

Nữ đội trưởng ưu tú 8 lần được gặp Bác Hồ
Cô Cúc xem lại những trang Nhật ký mà cô viết trong những lần gặp Bác

Trong thời gian ở lại Bắc điều trị, cô Cúc đã “trốn” Bác đi học. Cô đăng ký học bổ túc văn hóa rồi sau đó thi đậu vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khoa Hóa.

Cô Cúc được gặp Bác lần cuối cùng khi Bác đang ốm nặng. Hôm đó, nghe cô phát thanh viên trên Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bài viết về cô gái Trần Thị Kim Cúc vừa đánh giặc giỏi vừa học giỏi, Bác đã cho thư ký đến trường đón cô Cúc đến gặp Bác.

Lúc này Bác đã yếu lắm rồi. Cô Cúc xúc động ngồi gục đầu vào giường Bác. Bác ân cần bảo: “Bác biết cháu trốn Bác đi học và học rất giỏi. Bác rất vui nhưng Bác không khuyên vì cháu lo học sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”. Rồi Bác nói với bác Phạm Văn Đồng: “Tôi mà có mệnh hệ gì thì nhờ chú chăm sóc cho cháu Trần Thị Kim Cúc và cháu Trần Thị Lý”. Nghe vậy, cô Cúc không cầm được nước mắt, ôm Bác khóc nức nở.

Trở lại trường được một tháng, cô Cúc nghe tin Bác mất!

Cô Cúc có hai đời chồng, người chồng nào cũng để lại trong cô những tình cảm tốt đẹp và thiêng liêng.

Trong những năm hoạt động cách mạng, cô Cúc được tổ chức giao nhiệm vụ móc nối với anh Bảy Cán để xây dựng cơ sở cách mạng. Sợ địch sinh nghi, tổ chức quyết định làm đám cưới cho cô và anh Bảy Cán.

Những năm cô ra Hà Nội điều trị vết thương, chồng cô vẫn ở lại địa phương tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau khi Bác Hồ mất được 1 tháng thì cô cũng nhận được tin dữ: chồng cô đã hy sinh, bị giặc bắn phơi xác ngay chính cánh đồng nơi hai người thường hò hẹn.

Sau ngày đất nước giải phóng, cô có dịp gặp gỡ và nên duyên với Trung tá Huỳnh Thanh Trà. Mối tình của cô với Trung tá Trà được chính cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tác thành, tổ chức cho cưới.
 
Nữ đội trưởng ưu tú 8 lần được gặp Bác Hồ
Vợ chồng cô Trần Thị Kim Cúc - chú Huỳnh Thanh Trà chụp ảnh cùng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi tháng 3/1976

Hiện cô Cúc đang sống tại số nhà 149 Thanh Long, TP Đà Nẵng trong niềm vui của tuổi già bên các con cháu. Trung tá Trà đã mất cách đây mấy năm.

Khánh Hồng