1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Nóng bỏng” phiên chất vấn Chánh án TANDTC

(Dân trí) - Có lẽ phiên chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao là phiên chất vấn nóng bỏng nhất trong các phiên chất vấn tại kỳ họp này. Hầu hết các đại biểu chất vấn phải bật khỏi ghế lần thứ hai để “nói lại” với Chánh án Nguyễn Văn Hiện.

Một đại biểu đã không ngại ngần: “Càng giải trình càng thấy cái dở của giải trình”. Kết thúc phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Khá cho rằng các đại biểu Quốc hội rất bức xúc với phần trả lời và đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về những vấn đề đại biểu chất vấn Chánh án TADNTC…

 

Để xét xử tốt, bị can bị cáo phải…tốt!

 

Trong báo cáo ban đầu, ông Hiện cho rằng đầu nhiệm kì của ông cả nước thiếu 1.116 thẩm phán. Đến nay nhờ “tận dụng, vơ vét” đã có thể tạm đủ số người thiếu này, nhưng hiện tại số lượng vụ án tăng cao nên vẫn thiếu thẩm phán. Đại biểu Lê Văn Cuông, Thanh Hóa phản ứng ngay: "Nếu dùng biện pháp vơ vét, tận dụng những những người không đủ trình độ năng lực thì sẽ tăng các vụ oan sai?"

 

Ông Hiện lập tức phải xin lỗi rằng, từ “vơ vét” có tính khẩu ngữ một chút. Thực ra đối với những vùng sâu vùng xa ngành cũng cố gắng bổ nhiệm dù người được bổ nhiệm còn thiếu điều kiện này, điều kiện kia, nhưng không phải là bổ nhiệm bừa bãi, bất kì ai.

 

Phát biểu sau đó, đại biểu Nguyễn Đình Lộc tiếp tục nhấn mạnh về đội ngũ thẩm phán, coi đó là nhân tố hàng đầu. Từ đó ông chất vấn: "Chánh án quá nghiêng về giải quyết vấn đề số lượng có hợp lý không?" Ông nhấn mạnh, thẩm phán thà thiếu, không thể yếu - đó là điều kiêng kị .

 

Ông Hiện cho biết, hiện ngành đang xây dựng lực lượng thẩm phán kế cận. Đối với các thẩm phán được bổ nhiệm “châm trước”, ông Hiện vớt vát: yếu một chút còn hơn không làm được việc, yếu nhưng nếu cố gắng sẽ hoàn thành được nhiệm vụ!

 

Trong phần trình bày ban đầu, ông Hiện cũng nói rằng: Để công tác tố tụng, xét xử tốt cần 5 điều kiện, trong đó có nói tới việc người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo, đương sự…) phải tốt. Ông dẫn chứng rằng, 50% bị can, bị cáo không tốt, không khai báo thành khẩn, 70-80% đương sự luôn cho quan điểm của mình là đúng. Đại biểu Lê Văn Cuông độp lại ngay: "Chờ đợi bị can bị cáo tốt mới hoàn thành nhiệm vụ là không tưởng?" Ông Hiện lại lý luận: "Bị can bị cáo dưới góc độ của người công dân tốt thì dù có vi phạm pháp luật cũng phải thành khẩn khai báo!" Ông nói thêm, các vụ xảy ra trong bóng tối, thủ phạm thường không thừa nhận, chỉ khi cơ quan điều tra tìm ra các chứng cứ mới chịu nhận tội.

 

Trả lời này dĩ nhiên chưa thể “thông tai” các đại biểu nên sau đó, đại biểu Nguyễn Đình Lộc tiếp tục ra đòn: “Lần đầu tiên tôi nghe phải có 5 điều kiện như vậy thì mới có nền tư pháp tốt”. Cũng theo ông Lộc, chưa bao giờ ông nghe bị can, bị cáo tốt mà “tòa án là nơi đấu trí giữa bị cáo với công tố”.

 

Vấn đề có tính thời sự là Việt Nam gia nhập WTO đã được đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, An Giang đặt câu hỏi: “Toà án đã chuẩn bị đến đâu trong việc xét xử các vụ án, tranh chấp có yếu tố nước ngoài?”

 

Ông Hiện đáp lại, câu hỏi này ông đã được nghe 2 lần từ ông Trân. Ông Hiện cho biết, không chỉ riêng tòa án mà hệ thống tư pháp đã chuẩn bị hội nhập từ nhiều năm nay. Mỗi năm ngành toà án có 4-6 tỉ đồng để chuẩn bị hội nhập, tập trung vào các hội thảo, cập nhật các văn bản kinh tế, các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, sửa đổi, điều chỉnh luật… Ông Trân nói rằng đây đã là lần thứ 3 (không phải 2) ông đặt câu hỏi này và vẫn chưa thấy hài lòng về phần trả lời. Ông Trân nói, nếu giải quyết được vấn đề ông sẵn sàng cùng Quốc hội xin cho Tòa án gấp mười lần. Vấn đề cốt lõi theo ông Trân là con người, lại không hề được Chánh án nói tới. Phần “đối” lại của ông Hiện sau đó cũng chỉ nói “xin tiền là khó lắm!”.

 

“Càng giải trình càng thấy cái dở của giải trình”

 

Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) đã làm phép quy đổi tỷ lệ 5% án bị hủy, bị sửa trong tổng số 193.000 vụ án mà các cấp tòa án đã giải quyết trong năm 2006 thành con số hơn 9.000 vụ. Tỷ lệ xem ra có vẻ nhỏ, con số thực thì quả là lớn. Ông Nhượng yêu cầu làm rõ trong số án bị hủy, bị sửa đó có bao nhiêu án là do sai sót của thẩm phán?

 

Với câu hỏi này, vị Chánh tòa tối cao trả lời thẳng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng án oan sai lên đến hàng nghìn vụ như thế là do chủ quan. Ông cũng khẳng định, tất cả những thẩm phán có án phải hủy, phải sửa đều phải xử lý, sai do yếu kém thì “xử” theo yếu kém, sai do tiêu cực thì phải “xử” theo tiêu cực. Từ đầu năm đến nay đã có 10 thẩm phán không được bổ nhiệm lại.

 

Nhưng đại biểu Nguyễn Văn Nhượng không chịu. Ông yêu cầu được cung cấp thông tin cụ thể, tỷ lệ bao nhiêu phần trăm là do nguyên nhân chủ quan, bao nhiêu phần trăm là do khách quan. “Với hơn 9.000 vụ án oan sai một năm mà biện pháp xử lý chỉ là không bổ nhiệm lại có 10 thẩm phán thì đã tương xứng chưa” – ông Nhượng gay gắt.

 

Không khí nghị trường càng lúc càng nóng khi Chánh án Nguyễn Văn Hiện còn nhận được hàng loạt câu hỏi của các đại biểu khác xoay quanh vấn đề án oan sai. Đại biểu Nguyễn Hồng Sinh (Vũng Tàu) truy ráo riết: Con số án phải hủy, phải sửa thực tế chắc chắn còn lớn hơn 9.000 vụ. Và nếu không đủ 5 điều kiện phải có để công tác xét xử có chất lượng tốt thì có nghĩa là Tòa án còn có quyền làm oan sai?

 

“Tôi nói là chúng ta phấn đấu làm tốt những điều đó để nâng cao chất lượng xét xử chứ tôi không nói tình hình yếu kém chung thì có quyền làm sai, làm oan’ – ông Hiện thanh minh. Nhưng đại biểu Nguyễn Hồng Sinh vẫn tiếp tục truy: “Các giải pháp khắc phục tình hình mà Chánh án đưa ra đều cũ lắm rồi, thời gian qua đều đã làm nhưng án oan sai vẫn nhiều?”.

 

Đến đây, Chánh án Nguyễn Văn Hiện đặt ngược lại câu hỏi cho đại biểu Sinh: “Về các biện pháp thì chúng tôi cũng nghĩ chán rồi. Đại biểu Sinh có biện pháp nào khác tốt hơn?”. Bà Sinh “bùng nổ”: “Đồng chí hỏi lại tôi về giải pháp thì rất khó. Tôi có phải Chánh án TAND tối cao đâu”.

 

Ông Hiện cũng “phản công” khi bà Sinh đề cập đến vụ nhà số 83 Đội Cấn. Ông Hiện tỏ ý thắc mắc về việc bà Sinh ở tận Vũng Tàu mà sao có rất nhiều công văn chất vấn, giám sát gửi đi các cơ quan về vụ việc ở tận Hà Nội. Chủ tọa lập tức nhắc nhở ông Chánh án, yêu cầu thái độ cởi mở, cầu thị hơn của người trả lời chất vấn.

 

Vấn đề án oan sai xoay qua chuyện năng lực làm việc của thẩm phán. Các đại biểu liên tiếp đặt nghi hoặc về việc thẩm phán kém hay chính là hiện tượng chạy án. Nhiều án oan sai chứng tỏ kỷ luật trong ngành tòa án có vấn đề. Ông Hiện nhấn đi nhấn lại “hầu hết các án oan sai là do năng lực của các thẩm phán” thì bị “chặn” ngay bằng câu nói thẳng tưng: “Có phải cứ đổ tội cho năng lực là nhẹ tội nhất không?”.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Cuông (Thanh Hóa) kết lại: “Đồng chí Chánh án càng giải trình càng thấy cái dở của vấn đề giải trình. Cái chính là vấn đề trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu ngành Tòa án thì Chánh án lại chẳng đề cập, trả lời”.

 

Cấn Cường - Phương Thảo