1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nỗi lo mang tên “cấm xe ba gác”

(Dân trí) - “Chỉ mong báo chí các anh lên tiếng cho Nhà nước có chính sách gì hỗ trợ chúng tôi. Chứ cấm thì thiệt là chúng tôi không biết làm gì để sống” - bác Vũ Ngọc Hùng, chạy xe ba gác tại khu vực Cầu Ông Lãnh, chia sẻ nỗi lo chung của hàng ngàn tài xế xe ba gác ở TPHCM, sát ngày loại xe này chính thức bị “xóa sổ”.

>> Một hướng đi cho tài xế xe tự chế

 

Vẫn nỗi lo cơm áo gạo tiền…

 

Nghị quyết 32/NQ/CP ban hành ngày 29/6/2007 về các giải pháp cấp bách nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông quy định: Từ ngày 1/1/2008, đình chỉ lưu hành xe tự chế 3 bánh, 4 bánh. Như vậy số phận của xe ba gác đã được định đoạt. Hàng ngàn tài xế xe ba gác tại TPHCM đang có nguy cơ thất nghiệp.

 

“Không biết làm gì để sống” là tâm sự chung của những bác tài đã “có tuổi”, có gia đình, vợ con và eo hẹp về kinh tế.

 

Ái ngại nhất là những bác tài tha hương đến TPHCM sinh sống. Chắt bóp làm lụng bao nhiêu năm mới dồn được ít tiền mua xe ba gác làm ăn, nay cấm thì xem như làm lại từ đâu.

 

Anh Hải từ Nghệ An vào TPHCM đã 5 năm nay, cho biết: “Lúc mới vào thì ai kêu gì làm nấy, khuân vác, phụ hồ… đủ cả. 3 năm trước, thằng bạn sang lại cho chiếc xe này làm ăn. Ngày cũng kiếm được vài chục, có ngày may cũng kiếm được 2, 3 trăm. Tưởng đã ổn định nên năm rồi cưới vợ, vừa có cháu đầu. Ai ngờ…”.

 

Có lẽ sau hai chữ “ai ngờ…” có quá nhiều điều để nói mà không biết bắt đầu từ đâu nên anh lại thôi.

 

“Xóa sổ” hoàn toàn xe tự chế 3, 4 bánh

 

   

Nỗi lo mang tên “cấm xe ba gác”  - 1

Chiếc xe 3 bánh của

người khuyết tật.

 

Riêng các loại xe ba bánh của thương binh, người khuyết tật đã được chính phủ giao cho Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tư pháp quy định việc đăng ký, cấp biển số. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công việc này vẫn chưa được triển khai.

 

Thượng tá Phạm Văn Thịnh cho biết: “Vì chúng ta chưa có chính sách xã hội gì cụ thể để giải quyết vấn đề này, cho nên chúng tôi sẽ chưa cấm xe tự chế của người khuyết tật”.

Bên cạnh những bác tài lo lắng cho tương lai, cũng có những bác tài trẻ vô tư, lạc quan: “Tới đâu hay tới đó thôi. Mấy ổng hông cho chạy lúc sáng thì chạy lúc tối, hông cho chạy đàng hoàng thì chạy “chui”. Xưa nay tụi tui cũng chạy “chui” hoài mà” - anh Xuân, 23 tuổi, cho hay.

 

Sở dĩ nhiều tài xế có tư tưởng này là bởi từ năm 1995, TP đã cấm xe ba gác trên 1 số tuyến đường chính; đến năm 2002 thì cấm trên gần 200 tuyến đường; nhưng xe ba gác vẫn được lực lượng CSGT làm ngơ, vì theo một số cán bộ ngành giao thông TP thì “đó là tình hình thực tế tại TPHCM, không có phương tiện nào tốt hơn khi đi vào các con hẻm ngoằn nghèo, chật hẹp ở đây”.

 

Nhưng đến sáng ngày 24/12, trả lời PV Dân trí về vấn đề này, Thượng tá Phạm Văn Thịnh - Trưởng phòng CSGT đường bộ TPHCM - cho biết: “Đó cũng có thể coi là bước chuẩn bị của TP. Đến ngày 1/1/2008, việc cấm các loại xe 3, 4 bánh tự chế sẽ được thực hiện trên toàn quốc nên TPHCM cũng không thể ngoại lệ. Chắc chắn chúng tôi phải cấm”.

 

Có một hướng đi “mở” cho các bác tài xe tự chế là chiếc xe ba bánh Trung Quốc được phép lưu hành. Nhưng trên thực tế, loại xe này giá khá đắt nên rất ít bác tài có điều kiện mua.

 

Anh Xuân cho biết: “Bây giờ mà cấm, chiếc xe của tui bán phế liệu may lắm được triệu bạc. Mà chiếc xe đó tới 3, 4 chục triệu thì lấy đâu ra”.

 

Khi được hỏi về chính sách hỗ trợ của TP để anh em chuyển đổi nghề nghiệp thì ai cũng lắc đầu. Chiều 24/12, chúng tôi liên lạc với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP thì nhận được câu trả lời: “Chúng tôi cũng chưa biết gì. Vì hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là một chủ trương lớn, cần sự chỉ đạo của TP. TP chưa chỉ đạo gì thì chúng tôi cũng đâu triển khai được”.

 

Từ năm 2002, TP cũng đã có lần chủ trương hỗ trợ cho các bác tài xe ba gác chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng chủ trương chỉ là chủ trương. Lúc này, khi chỉ còn mấy ngày nữa là đối mặt với thất nghiệp, chuyện chuyển đổi nghề nghiệp hay mua loại xe mới hợp pháp vẫn là một hướng đi khó đối với đa phần anh em tài xế ba gác.

 

Tùng Nguyên