1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Nội dung chất vấn Thủ tướng tập trung vào Vinashin

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẵn sàng đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Trong đó, ngoài nội dung chất vấn tập trung vào Vinashin, Thủ tướng cũng nhận được các chất vấn về đầu tư sân golf; dự án khai thác bauxite Tây Nguyên…

Đây là thông tin đã được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn chia sẻ cho báo giới chiều 13/11.

Theo ông Đàn, đến thời điểm này, đã có 185 câu hỏi của 82 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chất vấn gửi Chủ tịch nước, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và hơn 20 Bộ trưởng cùng Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bảo hiểm xã hội.

Ủy ban TVQH đã đề xuất 4 Bộ trưởng trả lời chất bao gồm: Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Giao thông Vận tải. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định sẵn sàng đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nhận được nhiều chất vấn nhất với 33 câu, tập trung vào 2 nhóm vấn đề là thiếu điện và nhập siêu. Trong vấn đề thiếu điện, Bộ trưởng sẽ phải giải trình về quy hoạch, lộ trình tiến độ xây dựng các nhà máy nhiệt điện, đảm bảo an toàn cho các nhà máy thủy điện; tình hình thiếu điện, cắt điện tùy tiện, giá điện…

Người đứng đầu ngành Công Thương cũng phải giải trình về tình trạng nhập siêu hiện nay; giá cả tăng nhanh có liên quan nhiều yếu tố, trong đó có trách nhiệm quản lý thị trường của Bộ.

Tiếp theo sẽ là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu. Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ phải giải trình vào 3 nhóm vấn đề là tình trạng quá tải ở các tuyến trên; Hiện trạng phát triển công nghiệp dược, chất lượng giá thuốc, tăng viện phí; và cuối cùng là vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm.

Đối với những vấn đề của ngành tài chính, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh sẽ phải giải đáp các vấn đề về quản lý, sử dụng ngân sách; chính sách tài khóa gắn với chính sách tiền tệ; nợ công; về quản lý giá. Đặc biệt là trách nhiệm quản lý tiền, tài sản Nhà nước tại các Tập đoàn, TCT, trong đó có Vinashin.

Còn Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng sẽ chịu trách nhiệm giải trình về các vấn đề như: phân công quản lý và trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý một số Tập đoàn, TCT Nhà nước thuộc lĩnh vực ngành, trong đó phải làm rõ trách nhiệm quản lý ngành trước sai phạm của Vinashin; giải trình và làm rõ việc nâng cấp đường sắt Bắc - Nam, đặc biệt là việc triển khai chuẩn bị cho việc đầu tư dự án đường sắt cao tốc khi chưa có chủ trương của Quối hội…

Các đại biểu quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng phải giải trình về tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông ngày một nghiêm trọng như hiện nay.

Theo dự kiến, Thủ tướng sẽ là người đăng đàn cuối cùng tại phiên chất vấn lần này, để giải đáp thêm những vấn đề các Bộ trưởng trả lời chưa thỏa mãn ĐBQH, và trả lời các nội dung chất vấn trực tiếp tại nghị trường.

Trong số 19 câu hỏi chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được, phần nhiều nội dung tập trung vào vấn đề tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, vấn đề xử lý trách nhiệm các cá nhân vi phạm tại tập đoàn, đề nghị công khai danh tính các trưởng đoàn Thanh tra tại các cuộc thanh tra tập đoàn trước đây và làm rõ trách nhiệm, xử lý, thậm chí cả trách nhiệm của Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách ngành liên quan đến thua lỗ của tập đoàn Vinashin…!

Ngoài ra, nhiều nội dung chất vấn Thủ tướng cũng đề cập những vấn đề đang được dư luận quan tâm như: chấn chỉnh đầu tư sân golf; vì sao Chính phủ tiếp tục theo đuổi dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam trong khi Quốc hội chưa đồng ý về chủ trương đầu tư siêu dự án này…

Đáng chú ý là đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ làm rõ có dừng dự án khai thác bauxite Tây Nguyên hay không cũng như vấn đề bảo đảm môi trường và tính hiệu quả của dự án.

Cấn Cường - Lan Hương