1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nơi con chữ còn chìm trong đá

(Dân trí) - Mỏ Ba, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) có thể gọi là “bản kỷ lục” với những con số đáng giật mình: gần 100% phụ nữ không biết chữ, cả bản chỉ có 3 em học hết lớp 5, 58/60 hộ đói nghèo, con cái thất học. Bản còn có biệt danh là “bản siêu đẻ” với những gia đình có tới 19, 20 đứa con.

Đẻ nhiều, không nhớ nổi tên con

 

Đến Mỏ Ba, dù đã nghe kể nhiều về bản có biệt danh là “bản siêu đẻ” hay “bản kỷ lục đẻ” nhưng người viết vẫn “hoảng hồn” trước những gia đình có tới hơn 20 đứa thò lò mũi xanh. “Trẻ con đông như... lợn con” - câu  tếu táo của anh bạn đồng nghiệp nghe ra thì hài hước nhưng nghĩ kỹ lại thấy xót xa.

 

Nghe có vẻ phi lý nhưng quả thực ông Ngô Văn Sùng, sinh năm 1956, không phân biệt nổi tên của từng đứa trong hơn 30 đứa con cháu. Buổi chiều hôm chúng tôi được anh Phạm Tuấn Tú, phó trưởng xóm Mỏ Ba dẫn qua mái nhà tranh vách đất của ông Sùng, thấy ông khăn vấn trên đầu, đang vật lộn với cái máy xay xát ngô đầu ngõ. Hơn chục đứa con, cháu lít nhít, đứa quần áo phong phanh, đứa cởi truồng, mũi dãi thò lò xúm xít xung quanh.

 

Người đàn ông “điển hình” của thôn bản về sinh đẻ vỡ kế hoạch không lấy làm lạ khi có khách đến thăm, cũng không vồ vập. Ông Sùng vuốt khuôn mặt còn vương bụi ngô, ngượng nghịu bảo cậu con trai lớn thổi lửa lấy nước pha chè. Thấy người lạ, thằng bé con đen nhẻm đang nằm trên giường chồm dậy, khóc ré. Con chị lớn tên Ngô Thị Mai vội chạy vào bế em, chạy ra ngoài nựng nựng.

 

Tôi lấy hộp sữa Vinamik, vài chiếc kẹo, xúch xích đưa cho Mai; bọn trẻ thấy quà chí choé giành nhau um tỏi. “Đông con nhiều cháu thế, ông có nhớ tên từng đứa không?”. Ông Sùng thật thà: “Mình đặt tên mà, nhưng không nhớ tên ấy của đứa nào đâu, không biết đâu mà”. “Tổng cộng  21 đứa con riêng chung rồi, ông còn sinh tiếp không?”. Ông lại thật thà: “Không biết đâu mà!”.

 

Theo lời kể nhát gừng quyện trong khói thuốc lào của ông Sùng, kèm lời giải thích của phó trưởng bản Mỏ Ba, câu chuyện về cuộc đời “ông đẻ nhiều” tỏ dần. 31 năm trước, từ đất Cao Bằng, ông Sùng theo gia đình dạt về bản Mỏ Ba. Cũng như bao trai bản khác, đến tuổi bẻ gẫy sừng trâu, ông Sùng đi bắt vợ.

 

Người ông ưng cái bụng là bà Lý Thị Kim Chi, kém ông 3 tuổi. Ăn ở với nhau được một năm thì bà Chi sinh cho ông được cậu con trai tên là Công. Khi Công chưa tròn tuổi thì bà “hạ” tiếp đứa thứ 2, đứa thứ 3, rồi sòn sòn “sản xuất” năm một cho đến đứa thứ 8 mới ngơi nghỉ.

 

“Tranh thủ” thời gian bà Chi dừng, ông Sùng bắt thêm vợ lẽ - bà Vương Thị Nhung - sinh năm 1959, chồng mất sớm, có hai đứa con riêng. Không kém cạnh chị cả, bà Nhung cũng sinh liền một mạch trong vòng hơn chục năm 9 đứa con. Sau đó, bà cả tiếp tục sinh thêm 2 đứa. Vậy là 19 đứa con đẻ và 2 đứa con riêng, ông Sùng có cả thảy 21 người con.

 

Được biết 5 đứa con lớn của ông đã lập gia đình, trong đó anh Công có 4 mặt con, anh De cũng 4 đứa, anh Bình thì 3 đứa... Hai cô con gái riêng của bà Nhung cũng “sản xuất liên hoàn”, không biết khi nào mới dừng.

 

“Trời sinh voi trời sinh cỏ!”

 

Ở thời điểm hiện tại, ông Sùng là “nhà vô địch” về việc sinh để vỡ kế hoạch. Nhưng tương lai thì chưa thể đoán trước vì Mỏ Ba, người như ông Sùng chẳng phải quá hiếm.

 

Như anh Hồng Văn Dình, mới trên 30 tuổi mà đã có 11 đứa con. Mới sinh con được vài ngày, chị Vương Thị Dê vợ anh đã phăm phăm đi phát nương, gùi khoai mán. Ba con rỉ tai nhau: “Thằng Dình bằng cái tuổi của ông Sùng thì cứ gọi là con không đếm xuể...”.

 

Anh Lý Văn Día có tới 14 đứa con. Từ năm 1979 trở đi, anh chị cứ sinh hai năm một. Gia cảnh nheo nhóc, đói meo bụng nhưng anh Día vẫn mạnh miệng tuyên bố: “Đẻ  khi nào hết trứng mới thôi à”.

 

Hay vợ chồng Vương Văn Dình và Lý Thị Dàng, đã có với nhau 9 mặt con và tương lai còn đẻ nhiều nữa.

 

Ở Mỏ Ba còn rất nhiều gia đình đông con như nhà ông Vương Văn Soá (18 đứa con), ông Đào Văn Tư (14 đứa con), ông Hồng Văn Páo (11 đứa con), Hồng Văn Pó (9 đứa con), Vương Văn Khìn (9 đứa con), ông Hoàng Đức Quân (8 đứa con)...

 

Quyển sổ nhân khẩu của anh Tú kín đặc chữ, có gia đình chiếm trọn 2 trang giấy. Anh than thở: “Đã đến vận động các hộ trong bản rồi nhưng tình trạng sinh đẻ nhiều vẫn tiếp diễn, có bà vợ đã đi đặt vòng, thời gian sau lại đi tháo vòng. Người dân chủ yếu sinh đẻ tại gia đình, cán bộ y tế biết thì tìm đến còn không thì thôi. Nhiều khi cán bộ phải đến tận nhà kê khai nhân khẩu vì có đẻ thêm cũng chẳng ai báo”.

 

Đói ăn - khát chữ đến bao giờ?

 

Anh Tú cũng cho biết, Mỏ Ba có 123 hộ gia đình với gần 700 nhân khẩu gồm 7 thành phần dân tộc: Mông, Dao, Nùng, Bana, Sán dìu, Tày, Kinh. Trong đó có 63 hộ người Mông với 400 nhân khẩu, chiếm gần 60% dân số của bản và trung bình mỗi hộ người Mông có khoảng 5 đứa con. Chính vì sinh đẻ vô tổ chức mà 58/60 hộ người Mông đói nghèo, thất học.

 

Xã đã chỉ đạo mở chiến dịch truyền thông đến tận bản và các hộ gia đình nhưng dân số vẫn tăng. Nói về vấn đề đói nghèo, anh Tú bảo trẻ con ở đây sống như củ khoai củ sắn, như cây cỏ vậy. Nhà đông con, bữa mèn mén, bữa rau rừng mà chúng vẫn lớn, vẫn khoẻ mạnh.

 

Nhà ông Sùng, vào những ngày giỗ chạp, đám con cháu ven các quả đồi tụ về đông như kiến. Thức ăn bày la liệt chỉ đủ cho người lớn còn lũ trẻ tranh được thì ăn, không tranh được thì... nhịn. Nhà đông miệng ăn thế mà bà cả vẫn đang ở thời kỳ cho con bú. Bà hai thì vừa phải đi mổ u buồng trứng, người gầy rạc xác ve.

 

Chính vì nghèo đói, không quan tâm đến con cái nên hầu hết các em người Mông chỉ học đến lớp 5 là bỏ học, thậm chí nhiều đứa trẻ không biết chữ. Anh Tú nhẩm tính, trong số 63 hộ người Mông, số trẻ học tiếp trung học cơ sở được... 3 em dù ở đây trẻ em đến trường được Nhà nước miễn học phí, đi xuống dưới xã học tiếp cũng được xã miễn 100% tiền xây dựng.

 

Nhiều ông bố bà mẹ cho rằng cái ăn không có, đi học làm gì, ở nhà theo bố mẹ đi rẫy. Cái đói nghèo dẫn đến lạc hậu rồi lại đẻ nhiều. Anh Tú lấy dẫn chứng là gần 100% phụ nữ của xóm không biết chữ nên không thể dùng thuốc tránh thai đúng chỉ dẫn và kết quả, thuốc thì cứ uống mà đẻ thì vẫn cứ đẻ.

 

Rời bản Mỏ Ba trong bóng chiều tà, nhìn những đứa trẻ lếch thếch, nhem nhuốc, tay bế tay bồng đứng đầy ở các căn nhà mái rạ, ẩn nấp trong cây nhìn những chiếc xe chở than đá ằng ặc khói chạy qua, tôi lại chạnh lòng. Đối với những đứa trẻ nơi đây, những con chữ chẳng khác nào quặng quí vẫn còn chìm sâu trong lòng đá...

 

Nguyễn Hằng