1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nợ ngập đầu vì sông Thị Vải ô nhiễm

(Dân trí) - Hàng trăm người dân sống tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (TPHCM) đã làm đơn phản ánh gửi đến chính quyền địa phương về “nguồn sống” đang ngày càng “tóp” lại và nợ chất chồng từ khi dòng sông Thị Vải bị nhuốm màu ô nhiễm.

“Rado” một thời “vang bóng”

Xã đảo Thạnh An nằm cách trung tâm huyện Cần Giờ 45 phút đi đò. Nơi đây trước kia một thời được “mệnh danh” là xã đảo Rado (người dân nào cũng có đồng hồ Rado đeo trên tay). Không chỉ vậy, Thạnh An trước đây là vùng ngư nghiệp trù phú, nơi sinh sống của khoảng 1.000 hộ dân với hơn 70% người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, làm muối và nuôi tôm sú.

Ngồi trên chuyến đò từ trung tâm huyện Cần Giờ ra xã đảo Thạnh An, người đàn ông có dáng vẻ khắc khổ của một ngư dân chính hiệu Đỗ Văn Năm nhớ về cái thời xa xưa của xã đảo Thạnh An. Ông kể: “Trước đây, khi dòng sông Thị Vải chưa bị nhiễm bẩn thì đời sống của bà con nơi đây không phải lo nghĩ nhiều. Chỉ cần một chiếc ghe nhỏ cũng đủ nuôi sống cả gia đình”.

Anh Lý Trị, cán bộ văn hóa huyện Cần Giờ cho biết thêm: “Đến Cần Giờ hỏi thăm đảo Rado thì ai cũng biết đó là xã đảo Thạnh An. Cái “danh” xã đảo Rado mà mọi người dành cho Thạnh An không chỉ vì trước đây là nơi đưa người đi vượt biên (người đi vượt biên tặng cho dân nơi đây chiếc đồng hồ hiệu Rado) mà còn là muốn nói lên sự trù phú của vùng sông nước nơi đây”.

Tiêu điều một làng chài

Những câu chuyện về sự trù phú giờ đây chỉ còn lại trong ký ức của những người dân sinh ra và lớn lên tại xã đảo Thạnh An. Một hòn đảo giữa cái mênh mông biển cả, đêm ngày nghe tiếng sóng vỗ quanh mạn thuyền, biển đầy tôm cá, ghe thuyền tấp nập… Vậy mà giờ đây trong mỗi hộ gia đình chỉ còn đọng lại một chữ “nợ” kể từ khi dòng sông Thị Vải bị ô nhiễm.

Theo anh Chi, trưởng ban tuyên giáo xã Thạnh An thì “mặc dù xã đảo Thạnh An không bị ảnh hưởng trực tiếp như những xã nằm trên dòng sông Thị Vải như Phước Thái (Long Thành, Đồng Nai) nhưng vì Thạnh An nằm trên con đường mà dòng nước từ sông Thị Vải đổ ra biển nên sự trù phú của biển cả dành cho Thạnh An cũng dần mất đi”.

Chỉ tay về phía những cột khói của những nhà máy nằm trên dòng sông Thị Vải, anh Chi nói: “Trước đây tôm cá rất nhiều, từ khi dòng sông Thị Vải bị ô nhiễm, tôm cá cứ thưa dần. Đánh bắt giờ cũng không được như xưa nữa, nhiều hộ đã phải bán ghe để chuyển qua làm nghề khác. Ghe lớn của xã giảm nhiều, trước đây có lúc có tới 20 cặp ghe lớn, giờ chỉ còn khoảng 1-2 cặp”.

Ông Nguyễn Hồng Huỳnh, trưởng ấp Thiềng Liềng cho hay: “Ngày trước, sau khi làm muối xong người dân đều tận dụng ruộng muối làm nôi nuôi tôm sú. Nhưng 2-3 năm gần đây thì ít nhất 50% hộ dân mất trắng khi lấy nước từ sông vào để nuôi tôm. Có những hộ phải trốn nợ, bỏ ấp mà đi!”.

Sẽ kiện khi đầy đủ chứng cứ

Xã đảo Thạnh An chỉ ảnh hưởng gián tiếp từ dòng sông Thị Vải. Nhưng hậu quả để lại thì lại không hề nhỏ. Hầu hết những hộ dân làm nghề đánh bắt thủy hải sản cũng như tham gia nuôi tôm sú, nghêu ít nhiều đều bị ảnh hưởng. Mỗi một vụ nếu không mất trắng thì cũng phải lỗ từ 7-8 triệu đồng. Vì thế nhiều hộ đang “ôm một đống nợ”.

Nước yên, biển lặng nhưng những thuyền ghe không dám ra khơi vì nỗi “ám ảnh” ra khơi rồi lại trở về “tay trắng”. Nên vừa qua, hơn 250 lá đơn cầu cứu của người dân đã được gửi tới UBND xã Thạnh An. Đa phần người dân yêu cầu đòi lại “nguồn sống” của cư dân nơi đây.

Trước thông tin trên, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thắng Tiên, phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ (TPHCM), ông Tiến cho biết: “Hội Nông dân TPHCM cũng đã có chỉ đạo việc khảo sát tình hình đời sống của nông dân xã Thạnh An bị ảnh hưởng của dòng sông Thị Vải. Hiện tại, chưa xác định được nguyên nhân chính để hướng dẫn người dân kiện cho chính xác và chúng tôi cũng chưa nhận được chỉ đạo của thành phố”.

“Nếu đúng nguồn nước sông Thị Vải bị ô nhiễm chủ yếu là do Vedan làm ảnh hưởng tới đời sống và thu nhập của người dân Thạnh An thì chúng tôi sẽ hướng dẫn cho nông dân kiện Vedan để bênh vực quyền lợi cho họ” - ông Tiên cho biết.

Muốn kiện thì phải có đầy đủ chứng cứ - Luật sư Phạm Quốc Hưng, Đoàn luật sư TPHCM

 

Người dân Thạnh An muốn kiện Vedan thì phải chứng minh được là thiệt hại cái gì và thiệt hại như thế nào, tính thành tiền là bao nhiêu và thiệt hại đó có đúng là do hành vi Vedan đổ nước thải vào sông Thị Vải là nguyên nhân trực tiếp gây nên hay không, hay là do nhiều nguyên nhân khác nữa?

 

Theo tôi, vấn đề đòi bồi thường của người dân xã đảo Thạnh An là hơi khó, khó vì phải chứng minh tất cả những yếu tố trên là nguyên nhân trực tiếp gây nên. Bên cạnh đó, cũng cần các nhà khoa học xác minh nhiều vấn đề liên đới trước khi khởi kiện thì mới thành công.

Đoàn Quý