1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Niềm tự hào của người lính được đón Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(Dân trí) - Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi khi nghĩ về kỷ niệm được đón Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đơn vị mình, dòng ký ức lại tràn về với Đại tá Trịnh Đình Thi. Với ông đó là khoảnh khắc tự hào không bao giờ có thể quên.

Trong cái nắng chói chang gay gắt như đổ lửa của mùa hè, chúng tôi tìm về nhà cựu chiến binh, Đại tá Trịnh Đình Thi (87 tuổi) ở thôn Thạch Tổ, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Người lính cụ Hồ năm xưa giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, mắt đã mờ, tóc đã bạc, trí nhớ cũng có phần giảm sút. Nhưng mỗi khi nhớ lại một thời khó khăn nhưng đầy hào hùng của dân tộc, mắt ông lại sáng lên niềm tự hào. Suốt cuộc đời làm lính, có lẽ kỷ niệm mà ông nhớ nhất, tự hào nhất là vinh dự được đón Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm đơn vị của mình.


Sinh ra và lớn lên khi đất nước đang còn trong chiến tranh, khói đạn, năm 16 tuổi như bao chàng thanh niên khác, chàng trai trẻ Trịnh Đình Thi tham gia vào đội du kích địa phương, chuyên phối hợp với các đơn vị quân đội đóng tại địa bàn Hà Nam Ninh. Hàng ngày tổ quân báo có nhiệm vụ trinh sát, nắm tình hình địch. Năm 19 tuổi, ông Thi gia nhập Tiểu đoàn 632, tiền thân Trung đoàn 34 được thành lập năm 1945 ở Nam Định.

Khi đóng quân ở vùng Ninh Bình, đơn vị ông được lệnh hành quân lên vùng Nước Hai, tỉnh Cao Bằng. Đến năm 1950, ông Thi cùng một số đồng chí được cử đi học pháo binh tại một trường quân sự ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Năm 1952 ông Thi hoàn thành khóa học và về nước. Đầu 1953, đơn vị của ông Thi, lúc này là Trung đoàn pháo binh 45 chuyển về đóng quân tại một vùng rừng núi hiểm trở, bí mật, giáp với 3 tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ…

Năm 1953 đơn vị của ông Thi được lệnh tham gia chiến dịch Đông – Xuân. Cũng vào thời gian này, chàng lính Cụ Hồ bất ngờ được đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy Binh chủng pháo binh giao cho tôi nhiệm vụ đón Bác Hồ về thăm đơn vị.

Ông Thi nhớ lại kỷ niệm được đón Bác Hồ về thăm đơn vị
Ông Thi nhớ lại kỷ niệm được đón Bác Hồ về thăm đơn vị

Ông Thi nhớ lại: “Lúc được giao nhiệm vụ đi đón Bác tôi rất bất ngờ, vừa hồi hộp, vừa lo lắng vì nhiệm vụ này rất quan trọng. Buổi đón tiếp Bác được đơn vị bố trí ở một Hội trường bí mật nằm sâu trong rừng. Đi cùng tôi còn có 2 đồng chí cảnh vệ, lúc mới gặp Bác, trước mắt tôi là một ông cụ dong dỏng, bước đi nhanh nhẹn tới… Gặp Bác lúc ấy tôi rất căng thẳng, nhưng Bác đã ân cần hỏi chuyện, khiến tôi lấy lại được bình tĩnh. Tôi còn nhớ mãi Bác hỏi “Chú quê ở đâu?” tôi trả lời: “Thưa Bác con quê ở Hà Nam ạ”. Bác cười bảo “Hà Nam 6 tháng đi bằng chân, 6 tháng đi bằng tay”. Lúc ấy tôi cũng không hiểu câu đấy của Bác là như thế nào. Sau này mới nghĩ ra Hà Nam quê tôi là vùng đồng bằng chiêm trũng, nên 6 tháng đi bằng tay là do lụt lội, nên người ta ngồi trên thuyền lấy tay mà chèo”.


Huân chương chiến công hạng 3 của ông Thi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng ngay tại trận địa
Huân chương chiến công hạng 3 của ông Thi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng ngay tại trận địa

Về gần đơn vị, ông Thi chạy vội đi báo cáo với thủ trưởng đơn vị là Bác sắp về đến nơi. Sau đấy, ông cùng thủ trưởng ra đón Bác thì không thấy Bác và đoàn người bảo vệ gần chục người đâu. “Lúc ấy tôi vô cùng lo lắng, liên tục phân bua với thủ trưởng là cách đây ít phút Bác vừa báo cáo với Bác đứng đợi ở đây mà…., rồi thủ trưởng trách mắng tôi là không hoàn thành nhiệm vụ, cử đi đón Bác mà để Bác đi lạc đường nào không biết, làm việc không đến nơi đến chốn…” - ông Thi nhớ lại.

Bỗng nhiên hội trường vang lên tiếng vỗ tay mọi người chạy vào mới biết Bác đã vào từ lúc nào. Hóa ra trong khi ông Thi đi báo cáo thì Bác cùng đoàn bảo vệ đã đi ra phía sau hội trường, Bác đã tham quan khu nhà ăn, chỗ nghỉ ngơi của các chiến sĩ… 

Sau lần được Bác đến thăm, đơn vị của ông Thi nhận lệnh cấp tốc hành quân lên Tây Bắc chuẩn bị chiến dịch Trần Đình (về sau ông mới biết đây là một "bí danh" của chiến dịch Điện Biên Phủ). Đơn vị ông Thi tập kết ở ngã 3 Tuần Giáo với pháo 105 ly và pháo cao xạ 37 ly. Vào tháng 10 /1953, ông Thi lại nhận được một nhiệm vụ quan trọng là được cấp trên phân công dẫn đầu tốp quân đi đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách đơn vị khoảng 20km.

Ông Thi nhớ lại: “Tới đơn vị, anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã động viên tinh thần chiến đấu cho toàn bộ anh em chiến sĩ. Anh Văn cũng giải thích về chiến lược chiến đấu của ta với phương án “đánh chắc, tiến chắc”, kéo pháo lên rồi lại cho lui để nghi binh quân thù. Toàn bộ anh em sau khi nghe động viên thì vô cùng phấn chấn, dù biết gian khổ, khó khăn, hi sinh là điều khó tránh, nhưng vì Tổ quốc, ai ai cũng quyết tâm”.

Trận mở màn chiến dịch, 24 khẩu pháo của đơn vị ông đồng loạt khai hỏa đã gây ra tổn thất nặng nề cho địch từ những phút đầu trận đánh. Chiều ngày 13/03/1954, cánh quân của ông Thi bắt đầu nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, uy hiếp địch và khống chế vùng trời không cho máy bay định hạ cánh. Ngày 14/03/1954 phối hợp với quân chi viện từ hậu phương, cánh quân của ông Thi đã đánh chiếm được cứ điểm Him Lam và một phần đồi Độc Lập.


Ông Thi (thứ 3 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ông Thi (thứ 3 từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cũng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vào ngày 16/03/1954, trong khi trinh sát, ông Thi phát hiện địch tổ chức ứng cứu các cứ điểm vừa bị quân ta đánh chiếm, với 8 xe tăng và 2 tiểu đoàn dù Âu Phi chi viện hòng chiếm lại Him Lam. Pháo binh ta đã nhận lệnh nã đạn vào trúng đội hình địch và gây cho địch một tổn thất nặng nề. Chính nhờ chiến công này mà ông đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng Huân chương kháng chiến hạng 3 ngay tại trận địa.

Ông Thi tự hào: “Trong ngày 16/3, Trung đoàn 88 của ta đã giải phóng được đồi Độc Lập, đồng thời bộ binh của ta đã khống chế được bản Kéo nơi bọn ngụy Thái đóng giữ, tôi đã bất ngờ được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng thưởng “Huân chương chiến công hạng Ba” ngay trên trận địa, vì đã có công trinh sát, báo cáo tình hình địch kịp thời giúp quân ta nổ súng đúng thời điểm và đạt thắng lợi”.


Trở về cuộc sống đời thường, nhưng người lính năm xưa không bao giờ quên được kỷ niệm gặp Bác Hồ
Trở về cuộc sống đời thường, nhưng người lính năm xưa không bao giờ quên được kỷ niệm gặp Bác Hồ

Từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt, chứng kiến đồng đội ngã xuống vì nền độc lập của nước nhà. Trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ. Người lính trẻ năm xưa giờ đã có gia đình đuề huề con cháu. Trong những trận chiến ác liệt năm xưa, ông trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều kỷ niệm khó phai. Nhưng ông bảo: “Cuộc đời lính của tôi, không có kỷ niệm nào tự hào và vinh dự như lần được gặp Bác. Từ dáng đi, giọng nói của Bác đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in...”.

Đức Văn