Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Những trăn trở trước nghị trường về triển khai chương trình mục tiêu quốc gia

Hoài Thu
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bị chậm, theo ĐBQH Hà Sỹ Đồng, chủ yếu do thủ tục và cơ chế phân cấp.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, chỉ ra nhiều mấu chốt khiến việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đều chậm.

Đây cũng là trăn trở được nhiều đại biểu chia sẻ trước nghị trường khi thảo luận về nội dung này.

Quy định cứng cho cả nước sẽ khó khả thi

Vừa là một đại biểu Quốc hội, vừa là lãnh đạo địa phương, ông có suy nghĩ gì trước rất nhiều trăn trở của đại biểu Quốc hội về việc các chính sách hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, dù đúng nhưng người dân lại chưa thể tiếp cận, chưa được thụ hưởng?

- Trước hết, phải khẳng định rằng cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 đều rất ý nghĩa, nhân văn, phù hợp và đúng với chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, mong đợi của nhân dân.

Những trăn trở trước nghị trường về triển khai chương trình mục tiêu quốc gia - 1

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Minh Châu).

Dù vậy, các chương trình hiện nay đều rất vướng, triển khai chậm và như đại biểu Quốc hội lo ngại, sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.

Vậy vướng mắc lớn nhất cần giải quyết để khơi thông nguồn lực, triển khai sớm và hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là gì, thưa ông?

- Việc giải ngân vốn của chương trình mục tiêu quốc gia chậm, tiến độ triển khai rất chậm, chủ yếu do vướng mắc về cơ chế, do chính sách ràng buộc, quy định cứng quá. Đặc biệt, do mỗi bộ phụ trách một tiêu chí nên rất khó cho địa phương trong triển khai, vì mỗi tỉnh, mỗi huyện, mỗi xã đều có đặc thù riêng.

Ví dụ có nơi cần con đường để liên thôn, liên bản, có nơi cần những đường đi ra ruộng để sản xuất, có nơi cần con đường để đi lên nương rẫy, lại có nơi cần trồng trọt hoặc chăn nuôi… Nên một chính sách nếu quy định cứng để triển khai chung trên cả nước sẽ khó khả thi.

Mạnh dạn giao tiền cho địa phương, Trung ương chỉ giám sát

Sau một ngày thảo luận trên hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra kiến nghị giải quyết những bất cập này. Với thực tế triển khai ở địa phương, theo ông, đề xuất mấu chốt để tháo gỡ nút thắt hiện hữu là gì?

- Đó là phân cấp phân quyền. Nhiều đại biểu đã nói và tôi rất đồng tình, đề nghị phải phân cấp mạnh mẽ, phân cấp trọn gói cho địa phương trong triển khai thực hiện.

Như vậy tức là phải chuyển chức năng của bộ ngành Trung ương từ quy định, hướng dẫn sang kiểm tra, giám sát. Còn về phía địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong triển khai các chính sách hỗ trợ sao cho hiệu quả.

Thực tế nếu theo quy trình hiện nay, khi nguồn lực được phân bổ, địa phương xây dựng kế hoạch, gửi xin ý kiến và được các bộ đồng ý, nhưng từ lập dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư, lấy ý kiến thẩm định của các ngành… còn là chặng đường rất dài. Thủ tục rườm rà, phức tạp, rất khó thực hiện nên có tiền không giải ngân được đâu, nhiều cái không thể làm được.

Vì thế, tôi đề nghị phải phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho địa phương. Hay nói cách khác, cho tiền hỗ trợ nhưng đừng bắt người ta phải mua trâu hay mua bò, mà để họ tự mua những gì họ thấy cần, để phục vụ đầu tư phát triển, nâng cao đời sống cho bà con.

Bởi chỉ có địa phương mới nắm rõ nhất, hiểu rõ nhất người dân trên địa bàn cần hỗ trợ gì. Ví dụ làm đường cần 10 tỷ đồng, địa phương chỉ được chi 2 tỷ từ ngân sách nhưng nếu được giao quyền chủ động, họ có thể huy động nguồn lực khác để triển khai một cách nhanh chóng.

Giải pháp tốt nhất là cứ phân bổ nguồn lực cho từng giai đoạn, địa phương sẽ tự xem xét hỗ trợ về cây, con giống, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo tập huấn… để giúp người dân vùng khó khăn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Mỗi vùng đều có đặc thù, phong tục tập quán riêng. Có xã cần hỗ trợ về hạ tầng sản xuất, có xã cần hỗ trợ cây con giống, có nơi lại cần hỗ trợ sinh kế… nên cần kiến thức bản địa để nắm chính sách. Nếu để chính sách xa vời, người dân không tiếp cận được. Những cái này, bộ ngành Trung ương không thể nắm rõ bằng địa phương.

Thực tế nhiều người dân dù khó khăn nhưng lại không mặn mà với chính sách hỗ trợ. Theo ông vì sao có chuyện này?

- Chính sách đúng rồi, tập trung cho người dân rồi, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi, nhưng thực ra, để nhận được hỗ trợ, người dân phải "5 lên 10 xuống", cứ từ địa phương lên Trung ương rồi Trung ương dội về, quy định rối rắm, thủ tục rườm rà người dân ngại, còn tiền cứ "nằm chết" trong kho bạc, trong ngân hàng, giải ngân không được.

Vì thế các đại biểu Quốc hội đều đề xuất giao tiền về địa phương, địa phương tự làm, tự chịu trách nhiệm. Trung ương chỉ kiểm tra giám sát, nếu địa phương không đúng thì thổi còi, xử lý.

Hay như chính sách cho vay vốn, chính sách đúng nhưng thủ tục rườm rà và điều kiện bắt buộc rất chặt, rất khắt khe nên người dân không tiếp cận được. Chưa cho vay mà cứ sợ mất, sợ nợ xấu nên tạo ra rừng quy định khiến người dân phải qua bao nhiêu thủ tục, cam kết, thế chấp mới tiếp cận được. Cái này phải cởi trói và đừng khắt khe quá.

Tôi thiết tha đề nghị Quốc hội lần này ban hành một nghị quyết để điều chỉnh những nội dung còn bất cập trong luật. Luật quy định cứng quá thì phải "xé rào" để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi và những vùng khó khăn.

Xin cảm ơn ông!