Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Kiến nghị cơ chế đặc thù giúp đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp

Hoài Thu
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

(Dân trí) - Vì nhiều nội dung của chương trình mục tiêu quốc gia đang gặp vướng mắc, đặc biệt trong hỗ trợ phát triển sản xuất và khởi nghiệp, Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị cơ chế đặc thù để gỡ vướng.

Sáng 30/10, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Giải ngân chậm, nhiều người dân chưa được thụ hưởng chính sách

Với nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Đoàn giám sát cho biết chương trình mục tiêu quốc gia này được Quốc hội khóa XIV phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120, có kinh phí tối thiểu hơn 137.000 tỷ đồng.

Đến nay, vốn ngân sách Trung ương trung hạn và hàng năm của Chương trình đã được phân bổ hết cho các địa phương, đảm bảo theo quy định của Luật hiện hành.

Ở địa phương việc phân bổ ngân sách đảm bảo theo tiêu chí, định mức và hướng dẫn của Trung ương.

Kiến nghị cơ chế đặc thù giúp đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp - 1

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 lựa chọn, ưu tiên thực hiện ở địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn nhất, đảm bảo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm (Ảnh: Thành Đông).

Theo báo cáo của Chính phủ và số liệu của Ủy ban Dân tộc, tổng vốn phân bổ cho Chương trình trong giai đoạn 2021-2025 là 50.000 tỷ đồng, trong đó các địa phương hơn 47.400 tỷ đồng.

Về kết quả giải ngân, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy tính đến ngày 30/6 đã hoàn thành và thanh toán vốn Trung ương đạt 18,9% so với kế hoạch trung hạn. Nếu tính theo vùng, địa phương, tổng số vốn cả giai đoạn 2021-2023 có 4 địa phương đạt dưới 5%; 6 địa phương đạt 5-10%; 15 địa phương đạt 10,1-20%; 15 địa phương đạt 20,1-30%; 4 địa phương đạt 30,1-50%; chỉ 3 địa phương đạt trên 50% .

Năm 2022, có 25 địa phương giải ngân đạt trên 30%, 6 tháng đầu năm 2023 chỉ có 4 địa phương giải ngân trên 30%.

Đáng lưu ý, đầu năm 2023, vùng Trung du và miền núi phía Bắc mặc dù chỉ có 14/51 tỉnh (27,4%), nhưng có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm đến 50% tổng dân số cả nước, có 64,4% xã khu vực III, có 70,27% thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Những địa phương này được phân bổ 55,2% tổng vốn của Chương trình nhưng kết quả giải ngân chỉ xấp xỉ tiến độ giải ngân chung cả Chương trình (18,1%). "Điều này cho thấy có rất nhiều xã, thôn đặc biệt khó khăn và người dân ở vùng này chưa được thụ hưởng chính sách", theo báo cáo của Đoàn giám sát.

Báo cáo cụ thể về kết quả đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình, Đoàn giám sát nhận định "rất tích cực".

Các chỉ số về cơ sở hạ tầng cơ bản đều đạt chỉ tiêu của Chương trình. Chương trình lựa chọn, ưu tiên thực hiện ở địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn nhất, đảm bảo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và Chính phủ cam kết đến năm 2025 Chương trình hoàn thành giải ngân 100% vốn và đạt được các chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết Quốc hội.

Cụ thể, mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,4% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao).

Nhóm mục tiêu về cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng ghi nhận nhiều số liệu tích cực.

Trong đó, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt trung bình 98,6%; Tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố đạt trung bình 91,4%; Tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt trung bình 95,7%; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt trung bình 98,9%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trung bình 94% (vượt so với mức 90% mục tiêu kế hoạch giao); Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình đạt trung bình 94,9%.

Trong nhóm mục tiêu về công tác giáo dục, Đoàn giám sát cho biết tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trung bình 94,9/98%; Tỷ lệ học sinh cấp tiểu học, THCS, THPT đến trường đều vượt mục tiêu đề ra.

Ưu tiên những nơi khó khăn nhất, giải quyết vấn đề cấp bách nhất

Dù quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, tốc độ giải ngân rất chậm, Ủy ban Dân tộc nhận định việc thực hiện các mục tiêu về Chương trình vẫn được hoàn thành vào năm 2025, đồng thời bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tránh lãng phí nguồn lực.

Ủy ban Dân tộc cũng dự báo các mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình sẽ đạt được, có chỉ tiêu đạt vượt mức kế hoạch; giải ngân đạt 100% kế hoạch đề ra giai đoạn 2021-2025.

Đoàn giám sát cho rằng nhận định, dự báo của Ủy ban Dân tộc cần được rà soát kỹ, sát thực với đời sống của người dân tại các địa bàn thực hiện Chương trình, đặc biệt khi đối tượng thụ hưởng chính sách là các hộ nghèo, cận nghèo, đời sống còn rất nhiều khó khăn.

Kiến nghị cơ chế đặc thù giúp đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp - 2

Cần tập trung hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo đi đôi với nâng cao năng lực của người dân, đảm bảo thoát nghèo bền vững.

Đánh giá về việc thực hiện các mục tiêu, Đoàn giám sát nhận định dù quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, tốc độ giải ngân rất chậm nhưng các mục tiêu và chỉ tiêu của Chương trình vẫn đạt được, có chỉ tiêu đạt vượt mức kế hoạch (tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn vượt chỉ tiêu đề ra, trên 3%/năm).

Đề cập giải pháp, Đoàn giám sát nhấn mạnh cần hoàn thiện về cơ chế, chính sách. Qua giám sát cho thấy nhiều nội dung quan trọng chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi đang gặp nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện nếu áp dụng theo cơ chế chung như các chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Đặc biệt trong hỗ trợ phát triển sản xuất, khởi nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người và các dân tộc có khó khăn đặc thù, giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm…

Vì vậy, Đoàn giám sát kiến nghị cần nghiên cứu cơ chế đặc thù, những quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện đối với các nội dung này phù hợp với đặc điểm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Để thúc đẩy việc triển khai, Đoàn giám sát cho rằng cần tập trung hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo đi đôi với nâng cao năng lực của người dân, đảm bảo thoát nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, cần thực hiện việc phân cấp, trao quyền cho địa phương và người dân thực hiện Chương trình để nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình.

Đặc biệt, Đoàn giám sát nhấn mạnh cần tập trung ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo đối tượng và nội dung hỗ trợ.

Ví dụ, ưu tiên các xã, thôn khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù; ưu tiên cho các địa bàn còn thiếu hụt điều kiện tiếp cận dịch vụ xã hội thông qua hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi nghề, tăng thu nhập, phát triển mô hình theo chuỗi giá trị, thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp...