1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những nồi cháo tình thương của bà lão 80

(Dân trí) - Bà Lê Thị Thọ năm nay vừa bước sang tuổi 80 và đã có thâm niên hơn 15 năm trong “nghề” nấu cháo miễn phí nuôi người bệnh. Để có được những bát cháo tình thương ấy, bà phải chạy đôn, chạy đáo nhiều nơi, gõ cửa nhiều nhà hảo tâm…

“Góp một chút cho đời”

 

Trên chiếc bàn làm việc chứa đầy sổ sách, giấy tờ tại ngôi nhà 404/7 đường Hùng Vương, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, bà Thọ lật từng trang “nhật ký” đã úa vàng vì thời gian, ghi lại tỉ mỉ về ngày tháng, địa chỉ, số điện thoại những người đã ủng hộ cũng như những nơi bà đã đặt “nồi cháo tình thương”.

 

Không ai trong Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng không biết đôi chút về bà Thọ. Ngày nào cũng thấy bà đến viện đôn đốc, sốt sắng lo cái ăn cho những người bệnh nghèo mà không đòi hỏi một chút tiền công. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” - câu châm ngôn ấy đã được bà Thọ xem như “kim chỉ nam” cho hành động cao quý của mình.

 

Bà kể “Đời cô cũng từng trải qua bao đắng cay, vất vả của cuộc sống rồi, vì thế cô hiểu và cảm thông sâu sắc về cuộc sống những bệnh nhân nghèo không có tiền mà phải nằm viện. Khổ nhất là nằm viện mà không có người thân bên cạnh. Đến một nhu cầu bình thường nhất là ăn cũng không có, còn nói chi đến tiền mua thuốc thang chữa bệnh”. Bà rưng rưng nước mắt: “Cuộc đời ai muốn như thế, mình không giúp đỡ thì cũng có người khác làm thôi”.  

 

Bà cho biết: Trước khi xin đặt “nồi cháo tình thương”, bà đã đi khảo sát tình hình tại bệnh viện. Cảm thương trước những khó khăn mà người bệnh gặp phải, nhất là bệnh nhân nghèo ở Khoa Nhi. Thấy các trẻ nhỏ khóc lóc vì đói, các bà mẹ không có đủ tiền mua một bát cháo cho con ăn, bà liền xin lãnh đạo bệnh viện đặt “nồi cháo tình thương” giúp họ. Đó là một cách để bà “góp một chút cho đời”.

 

Nồi cháo của bà có mặt lần đầu tiên tại Khoa Nhi Bệnh viện Đà Nẵng vào năm 1995, với số lượng 50 suất mỗi ngày. Sau này bệnh nhân quá đông, bà đã chủ động tăng lên 130 suất cháo mỗi ngày.

 

Sau này, bà tiếp tục đặt các “nồi cháo tình thương” ở Khoa Lây, Khoa Lao... rồi mở rộng ra khắp các bệnh viện trong thành phố. Với 18 “nồi cháo tình thương”, trung bình mỗi ngày bà và các cộng sự đã làm ấm lòng hơn 1.000 người bệnh nghèo, những cô nhi mồ côi và những người bị bệnh tâm thần nặng.

 

Sống là để hiến dâng

 

Để có tiền mua thực phẩm, tiền công lao động cho các bà, các chị cùng tham gia công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này, bà Thọ không kể ngày đêm, kêu gọi những tấm lòng vàng trong và ngoài nước góp tiền của.

 

Thấu hiểu tấm lòng chân thành của bà, nhiều nhà hảo tâm đã tận tình bỏ của, bỏ công, góp sức cùng bà phát triển hệ thống “nồi cháo tình thương”. Tiếng lành đồn xa, các Việt kiều từ Canada, Mỹ, Pháp... biết tin cũng gửi thư gửi về chia sẻ, đồng thời xin được chung tay với bà làm công tác từ thiện. 

 

Một Việt kiều Canada có tên là Tiến đã gửi thư về cho bà với những lời lẽ đầy xúc động: “Là người Việt đang sống ở hải ngoại, nhưng tình cảm của cháu luôn hướng về Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, cháu xin gửi 100 đồng Canada để đóng góp giúp đỡ đồng bào mình”. Sau đó, anh cùng nhiều Việt kiều khác thường xuyên gửi tiền làm cho “nồi cháo tình thương” không những đầy mà còn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng cho người nghèo.

 

Bằng lòng nhiệt huyết, tình thương chan chứa, bao la. Bà đã mở rộng “nồi cháo tình thương” đến Bệnh viện Đa khoa Tam Kỳ, Quảng Nam, phát triển thêm “bữa cơm miễn phí” tại bệnh viện này trong nhiều năm qua. 

 

Nhớ lại những ngày đầu mới bắt tay làm công việc miệt nhọc này, bà cho biết “khó khăn bủa lấy khó khăn. Bởi lẽ, nhiều người không hiểu công việc mình làm nên không những không ủng hộ mà còn có nhiều lời ra, tiếng vào nữa”. 

 

Nhưng bà Thọ không nản, không sợ vất vả, với bà lo cuộc sống, cái ăn cho người bệnh là hạnh phúc, là trên hết. Vẫn biết để tiếp tục công việc này bà còn gặp muôn ngàn trắc trở, khó khăn. Giờ đây bà đã bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn chưa có ý định nghỉ việc, bởi với bà, sống là để hiến dâng.

 

Minh San