Những người mẹ đương đầu với HIV

2 người phụ nữ đều đã có lúc đứng dưới đáy tuyệt vọng vì cái "án tử hình" không biết từ đâu giáng xuống. Họ đều sống đời góa bụa, 1 mình nuôi con, 1 mình gánh búa rìu dư luận. Nhưng họ đều đang đứng lên, từng ngày can đảm đối mặt với cuộc sống.

Những người mẹ đương đầu với HIV - 1
Chị Hòa tranh thủ dạy con học.
Biết tin vào ngày mai tươi sáng

Chị năm nay mới 30 tuổi, nhưng đã có 8 năm sống chung với virus HIV và 5 năm 1 mình vượt qua mọi khó khăn để nuôi con khôn lớn. Chị là Phan Thị Hòa, giáo viên Trường Tiểu học Nam Kỳ, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Năm 2000, khi vừa tốt nghiệp Trường CĐSP Hà Tĩnh ở tuổi 22, chị lấy chồng. Chồng chị là con nhà gia giáo, lại rất tuấn tú, thông minh (16 tuổi đã vào đại học).

Tưởng rằng hạnh phúc đã mỉm cười, nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Chưa đến 1 năm sau ngày cưới, khi mới mang bầu được 2 tháng, trong một cuộc xét nghiệm toàn bãi biển Thạch Hải (vợ chồng chị có một nhà hàng ở đó), cả chồng chị và chị đều bị phát hiện dương tính với HIV. Cả thế giới như sụp đổ dưới chân cô gái trẻ vẫn chưa hết ngất ngây vì hạnh phúc.

Với hiểu biết còn rất hạn chế của xã hội thời đó, HIV là một cái gì đó thật khủng khiếp, là nỗi ám ảnh sợ hãi với tất cả những người xung quanh. Thậm chí khi chị sinh con, cả ca trực còn không ai dám lại gần.

Đau vật vã từ 4h sáng đến tận 3h chiều mới có một người bác sỹ can đảm đứng ra đỡ đẻ cho chị. Khi được sinh ra cháu đã bị ngạt, phải cho thở ô xy mới cất nổi tiếng khóc.

Trong những ngày nhập viện chờ sinh, ngày nào cũng có các sinh viên thực tập đến nhìn mặt chị như nhìn một sinh vật lạ. Chị là ca sinh đầu tiên có HIV của tỉnh Hà Tĩnh.

Những ngày đó là một ký ức khủng khiếp với chị. Mang con về nhà ông bà ngoại, giặt tã cho con cũng phải cẩn thận, không được phơi ở hàng rào, nước giặt không được đổ ra cống, phải bê tít ra xa. Những ngày trời âm u, tã ẩm không được phơi ở ngoài, ông ngoại thương cháu, phải thức đêm quạt tã. Rồi sự xì xào của những người xung quanh. Dư luận bao giờ cũng khắc nghiệt hơn với người phụ nữ.

Sinh con chưa được bao lâu, chồng qua đời lại là một cơn sốc lớn nữa giáng xuống chị. Từ 48kg chị sụt xuống 38kg. "Cảm thấy mình không sống nổi nữa" - chị nhớ lại. Đã có những lúc, bế tắc quá, chị ôm con thất thểu ra tận cầu Bến Thủy. Nhìn xuống lòng sông lạnh ngắt, nhìn đứa con nhỏ bé vô tội, chị lại trở về.

Những ngày giản dị, bình yên hiện nay được chị và gia đình đổi bằng tình yêu thương và lòng can đảm hiếm thấy. Ngày đó, giữ lại con hay không là cả một nỗi dằn vặt lớn và một quyết định mạo hiểm. Để giữ cuộc sống cho đứa cháu còn chưa rõ hình hài, bố đẻ chị - một công nhân địa chất về hưu - đã cất công lên tận Trung tâm Y tế tỉnh để xin tư vấn, xin tài liệu.

Từ những năm 2000, thuốc kháng virus còn rất hiếm, nhưng với suy nghĩ nung nấu "Nhất định phải có thuốc", ông bắt xe ra Hà Nội, nằm chờ ở Viện C 3 ngày để tìm gặp bằng được bác sỹ chuyên khoa, mang về cho con những liều thuốc đầu tiên. Có lẽ chính nhờ những liều thuốc không quản nhọc nhằn đó, nhờ những kiến thức nuôi con cả gia đình cố gắng học hỏi, mà cháu ra đời hoàn toàn khỏe mạnh, giúp người mẹ như được tái sinh.

Bằng nỗ lực hơn người, chị đã được mọi người thừa nhận, được học sinh và đồng nghiệp yêu mến. Đã có những ngày, khi biết chị có HIV, phụ huynh kéo đến trường đòi phải cho chị nghỉ việc; đồng nghiệp sau khi tắm xong khóa cửa nhà tắm không cho chị vào. Đến ngày họp phụ huynh, chị cũng không dám đến trường vì sợ.

Giờ thì chị đã có một cuộc sống bình yên bên bố mẹ, bên đứa con 8 tuổi ngoan ngoãn, bên những học trò yêu và tham gia những hoạt động xã hội nhằm gia tăng những hiểu biết của mọi người về HIV.

Chị đã dũng cảm công khai, không ngại đứng tên trên báo, chỉ cẩn thận dặn chúng tôi đừng nhắc đến con, đến chồng chị; cũng đừng so đo 2 vợ chồng chị ai đã truyền bệnh cho ai, bởi sợ những tổn thương cho gia đình chồng, những người đã luôn bên chị lúc khó khăn.

Rồi hạnh phúc sẽ mỉm cười

Sống ở cách đó không xa, nhưng H. thì không gặp nhiều may mắn như chị Hòa. Câu chuyện cũng đã vài năm, nhưng gánh nặng H. phải mang trên vai vẫn còn đeo đẳng bởi sự kỳ thị, xa lánh. Ngồi kể lại chuyện đời mình, H. vẫn không giấu nổi giọt nước mắt tủi phận.

Năm 2005, khi mới lấy chồng được 2 năm và có con gái 1 tuổi, sau một lần khám bệnh, chồng H. phát hiện ra mình có HIV giai đoạn cuối. Sau đó 1 năm, anh ra đi trong nỗi đau khổ tột cùng của người vợ trẻ. Nhất là sau đó, H. đi xét nghiệm và cũng có kết quả dương tính. Ngày biết tin, H. đang nấu cơm trong bếp, choáng váng ngã vào bếp củi đang cháy, bỏng sém cả một cánh tay.

Chồng mất khi H. vừa bước sang tuổi 24, bố mẹ chồng, anh chồng, em chồng cũng đã mất; bỗng chốc H. bơ vơ không có một người thân, phải ôm con về nhà ngoại. Quanh xóm ai cũng biết chồng H. mất vì HIV, cái nghề buôn bán nhỏ ở chợ làng, H. phải bỏ, về nhà phụ bố mẹ cấy cày trên 5 sào ruộng để nuôi con. Niềm hy vọng duy nhất lúc bấy giờ của H. là cầu sao con không nhiễm bệnh.

Trời không phụ lòng người mẹ thương con, sau 2 lần xét nghiệm, kết quả của cháu đều là âm tính. "Có lẽ đây là niềm vui cuối cùng của đời em trước lúc đi theo chồng", H. nở nụ cười xót xa. Con gái nhỏ của H. mới lên bốn, nhưng rất ngoan và thương mẹ.

Đau lòng nhất là cháu không có bạn bè, bởi hễ các bạn sang nhà chơi là bị bố mẹ bắt về; hoặc cháu sang chơi với các bạn thì bị đuổi. Ngày ngày, cháu tha thủi chơi với bà, với mẹ; chẳng tỏ chút buồn phiền. Nhìn con nhỏ hồn nhiên, H. đau thắt từng khúc ruột. Sự xa lánh của bạn bè với mình, H. còn chịu được; nhưng đứa trẻ có tội gì đâu.

Đã đến tuổi đi mẫu giáo, nhưng do hoàn cảnh gia đình, cháu vẫn phải ở nhà, mẹ dạy chữ nào thì học chữ đó. Giờ cháu đã viết được chữ O khá tròn trĩnh, vẽ được mặt bố - người chỉ được thấy qua bức ảnh và những lời kể của mẹ. Trong đầu óc non nớt của cháu, chỉ biết rằng bố đã đi xa.

Đứa trẻ 4 tuổi đã có được sự nhạy cảm và lòng trắc ẩn, được ai cho tiền cũng nghĩ đến mua quà cho bố, dặn mẹ mua bánh ngon cho bố. Khi mẹ khóc, cháu biết khóc cùng mẹ và liên tục đưa tay lau nước mắt cho mẹ. Ngày ngày, hai mẹ con mưu sinh bằng gánh hàng nước (chỉ bán được mùa hè, mùa đông thì nghỉ) ở cách nhà 5 km- nơi mọi người vẫn chưa biết H. có HIV, vẫn chưa xa lánh, kỳ thị.

Chúng tôi hỏi H. có hối hận vì đã lấy một người chồng có HIV không, H. cười: “Em tin vào lời giải thích của chồng, vì chăm sóc một người bạn có HIV, vô tình nên mới nhiễm", mặc dù nghề lái xe đường dài của chồng H. có rất nhiều cám dỗ.

Thôi thì cứ để H. có lòng tin như thế, để giữ được hình ảnh đẹp về người chồng, giữ hình ảnh đẹp về người cha cho con gái, để biết hi vọng mà sống tiếp. Còn hy vọng, còn lòng yêu thương, những người như chị Hòa, chị H. sẽ tiếp tục tròn được lẽ sống cho mình, cho con dù đường đời với H. vẫn còn chông gai phía trước

Theo V.Hân
Công an nhân dân