1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những người lính mải miết giúp đời

(Dân trí) - Cống hiến tuổi xuân cho đất nước, chiến tranh qua đi, các ông trở về với những vết thương trên cơ thể, cứ trở trời lại đau nhức. Tuổi cao, sức yếu nhưng bản chất của người lính cụ Hồ không cho phép các ông thờ ơ với những cảnh đời cần giúp đỡ.

Cưu mang những sĩ tử có hoàn cảnh khó khăn

 

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hồ Đức Dung, thương binh bậc 2/4 ở số 41/7 Cô Giang, cầu Ông Lãnh, Q.1, TPHCM, khi kỳ thi đại học vừa kết thúc. Cả căn nhà tràn ngập tiếng cười nói của thí sinh, phụ huynh và gia đình ông. Đây là những sĩ tử đi thi xa nhà, được ông giúp chỗ ở miễn phí.


Những người lính mải miết giúp đời - 1
Ông Dung (ngồi thứ 2, bên phải) vui vẻ chuyện trò cùng các thí sinh và phụ huynh sau khi kỳ thi đại học đã kết thúc.


 

Người dân xung quanh nhà ông không còn xa lạ cảnh nhà ông Dung đông nghẹt thí sinh, phụ huynh từ các tỉnh đến trọ miễn phí vào mùa thi. Ông Dung kể: “Cách đây khoảng 10 năm, tôi từng chứng kiến cảnh một nữ thí sinh bị trộm lấy hết đồ đạc, tiền nong, ngồi vất vưởng tại bến xe. Thương các em quá, nên từ đó tôi bàn với vợ cho các em vào trọ miễn phí”. 

 

Ông Dung tâm sự: “Mới đầu nhiều người cũng lo lắng góp ý, không biết cho các em vào ở có vấn đề gì không, nhỡ gặp người xấu lợi dụng lòng tốt của mình để trộm cắp, thậm chí giết hại mình thì sao. Nhưng tôi tin vào việc mình làm, tin vào các em, với lại thông qua các tổ chức của sinh viên giới thiệu tôi mới nhận. Chỉ cần mình có lòng thì ai mà hại mình!”.

 

Vào những năm 90, quyết định cho thí sinh cùng người nhà ở trọ miễn phí, nuôi ăn ở đối với những thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt (mất trộm đồ đạc, nhà quá khó khăn…) là điều mới mẻ, có thể xem là táo bạo. Ông Dung nói: nếu mình không làm, cứ để các cháu lang thang đi thi thì thật có lỗi.

 

Nhớ lại khi hoạt động cách mạng, ông bị địch bắt, bị tra khảo nhưng ông không khiếp sợ. Thế mà giờ chứng kiến các cháu từ các tỉnh xa, lếch thếch đi thi, lại bị cướp giật, bắt nạt, lòng ông lại đau thắt. Bản chất người lính cụ Hồ không cho phép ông làm ngơ.

 

Hàng trăm thí sinh sau khi được ông cho ăn ở, giờ đã đỗ đạt, có người đã ra trường, thành tài. Họ đều nhớ đến ông, có điều kiện lại vào thăm gia đình ông. Với ông Dung, đó là niềm hạnh phúc không tiền nào mua được.

 

Người thầy của những thanh thiếu niên cá biệt

 

Xưởng cơ khí của gia đình thương binh hạng 1/4 Hồ Nguyễn Tấn Quang - Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Đậu, F7, Q.Bình Thạnh. Tại đây, ngày ngày ông tận tình hướng dẫn từng nét cắt, gọt, tiện… cho các học viên.

 

Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, thời trai trẻ ông gắn liền với những tháng ngày cơ cực, tăm tối của chế độ thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Năm 1959, ông Quang học vẽ kỹ thuật và cơ khí tại Trường Kỹ thuật Cao Thắng. Sau đó ông tham gia hoạt động cách mạng, với nhiệm vụ mua, trao đổi hàng hóa vận chuyển ra chiến khu. 

 

Năm 1962, do yêu cầu cần nhiều thợ có tay nghề cơ  khí để sản xuất vũ khí phục vụ chiến đấu, ông được cấp trên điều động ra vùng giải phóng, trở thành người lính đơn vị quân giới khu Sài Gòn - Gia Định, vừa sản xuất, vừa chống địch chế tạo các loại vũ khí phục vụ chiến đấu và các loại máy phục vụ nông nghiệp.
 
Những người lính mải miết giúp đời - 2
Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Hồ Nguyễn Tấn Quang vẫn "chiến đấu" không mệt mỏi trong thời bình.

 

Sau khi đất nước giải phóng, ông trở về với thương tật  ¼ trong một đợt đi công tác tại Tây Ninh. Ông tiếp tục xin vào làm tại Nhà máy Z751 Bộ Quốc Phòng cho đến khi nghỉ hưu. Về nhà, chứng kiến cảnh nhiều thương binh, con em thương binh, gia đình chính sách và thanh thiếu niên cá biệt… không có công ăn việc làm, ông Quang đã đứng ra lập xưởng và nhận dạy nghề

 

Những em có hoàn cảnh khó khăn, ông đã bảo trợ  vào làm việc, nuôi ăn học, tìm kiếm chỗ làm sau khi ra nghề. Hơn 10 năm qua, hàng chục học viên do ông bảo trợ đã trở thành những công nhân, người thợ lành nghề. Thậm chí có người đã làm ông chủ, hằng năm cứ tới ngày 27/7 lại gọi điện về cho ông chúc mừng.

 

“Chú Quang coi anh em học việc như con cháu trong gia đình, tận tình hướng dẫn từng chút một. Khi ai đó đau, ốm, ông đến bên chăm sóc động viên như một người cha” – anh Nguyễn Đức Nghĩa, thương binh 2/4 tại chiến trường Cam Pu Chia, học viên đã gắn bó 6 năm với xưởng của ông, chia sẻ. 

 

“Tôi không mong việc làm của mình sẽ được các học viên trả ơn, chỉ mong sao được chia sẻ bớt khó khăn với cộng đồng. Còn sức, tôi sẽ còn làm và tiếp tục nhận thêm học viên để giúp các em” - người lính già tâm sự.

 

Hoài Lương - Thi Hồng