1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những người đào huyệt mộ

(Dân trí) - Họ xem đó là một nghề, và họ lập thành nhóm để làm việc khi có “đơn đặt hàng”. Tử khí đối với họ không có gì đáng sợ. Điều quan trọng là sau một một ngày làm việc cật lực như thế, họ luôn được nhận món tiền công hậu hĩnh.

Thổ mộc trên đồi đá

 

Công viên Vĩnh Hằng, một địa chỉ yên nghỉ cuối cùng cho những người quá cố nằm trên ngọn đồi của xã Vật Lại (Ba Vì, Hà Tây). Phảng phất khói hương từ những ngôi mộ vừa lấp đất, cõi vĩnh hằng âm u và tĩnh mịch trong cái nắng trưa hè, trồi sụt dưới bước chân là những hố chôn được đào sẵn từ trước, làm rợn da gà những người lạ lần đầu đặt chân đến.

 

Nghề đào huyệt mộ được nhóm thợ gọi bằng cái tên khác, nghe trừu tượng hơn, là thổ mộc. Nguyễn Văn Viễn, người thôn Yên Bồ, đang cầm cán thuổng dằn xuống lớp đá cứng. Nhóm của Viễn vừa “ký được hợp đồng” với ban quản lý công viên Vĩnh Hằng cho một chiếc hố sâu ngay trong khuôn viên, và chỉ ít hôm nữa, đó là nơi yên nghỉ cuối cùng cho một cuộc đời vừa kết thúc. Viễn nói, cũng như nghề thổ mộc thông thường, công cụ của những người đào huyệt mộ là cuốc, thuổng, xà beng… Đó là những vật cứng có thể xuyên lớp đá lởm chởm, khô cằn.

 

Tiếng va của xà beng vấp vào đá toé lửa, kêu nhức óc. Thứ âm thanh quen thuộc đó những người thổ mộc đã thấy quen tai. “Chỉ có đá và đất cằn, vào mùa nắng thì đào càng khó, những ai mới vào nghề đều thấy dị ứng với loại hỗn âm ấy”, ông Chu Quang Sang, một thành viên lớn tuổi trong nhóm thổ mộc, cho biết.

 

“Một huyệt mộ có chiều sâu 1,8m, chiều dài 2,8m, rộng 1,3m”, Viễn nói. Có những hố đào liền trong ba ngày mới xong, nhưng nếu làm việc hết sức, nhóm thổ mộc của Viễn một ngày có thể hoàn thành đào xong hai huyệt mộ mới ở những phần đất dễ đào.

 

Trong khuôn viên Vĩnh Hằng, những khu đất được chia đều vuông vắn. Có những khu vực chỉ có đất trống với tường bao quanh, nhưng đa số đều có mộ chôn cất người chết, khoảng cách mỗi ngôi mộ rất gần nhau, có nơi chỉ cách vài gang tay. “Đó là thứ mộ “tươi” từ Hà Nội đưa lên”, Viễn nói.

 

Viễn bảo ngày mới vào nghề cũng sợ lắm, khi nhận đào những huyệt mới bên cạnh xác người vừa chôn, có lúc nổi da gà. Nhất là đào huyệt cạnh mộ mới chôn, càng đào sâu không khí càng lạnh, thấy chân tay mỏi nhừ. Có những thứ mùi mà anh không thể gọi tên, thứ mùi đó có thể là của đất, của đá, và có thể là mùi tử khí của người chết kề bên.

 

Tại công viên Vĩnh Hằng, nhiều gia chủ đã mua cả khuôn viên hàng trăm mét vuông. Gia chủ của người chết ở đây đa phần là có điều kiện, một huyệt mộ có giá từ 6-8 triệu đồng. “Nhà nào chưa có người chết thì trồng cây cảnh, sắp ghế đá, hoặc ai lo trước thì thuê người đào hố sẵn…”, Phong, một thổ mộc nói thế.

 

Trong đời làm nghề Viễn không nhớ nhóm của anh đã đào được bao nhiêu huyệt mộ.

 

Khó bỏ nghề vì miếng ăn

 

Theo nghề hơn hai năm nay, bày tay nhóm thổ mộc của Viễn chai sần và gân guốc. Nhiều vết xước mới đang rỉ máu trên cơ thể họ. Vợ của Vĩnh cho biết, lúc chồng mới vào nghề cả nhà cũng sợ lắm, những hôm đào gấp đến 10 giờ đêm mới được nghỉ, những lúc như vậy chị phải nấu nướng và gánh cơm lên cho cả nhóm ăn ngay bên huyệt mộ, dọc đường chân tay cứ lập cập.

 

Già hơn so với cái tuổi năm mươi của mình, ông Sang nói mình có “lợi thế” hơn anh em trong nhóm vì trước đây đã từng đi đào giếng khắp miền Bắc. Nghề đào giếng cũng cực khổ, nhưng so với đào huyệt mộ thì vẫn chưa thấm gì. “Ma từ Hà Nội lên không phải như mình, người ta đi xa, ít thì năm ngày, nhanh thì mười ngày mới chôn…”, ông Sang vừa nói vừa khịt mũi.

 

Mỗi tháng, nhóm của ông Sang đào từ ba đến bốn chục hố chôn người trên đồi đá. Thứ công việc nặng nhọc và không kém phần độc hại này cứ gắn vào anh em như là nghiệp chướng. Ông Sang cho biết, mỗi khẩu ở đây chỉ được chia 14 thước ruộng, nhà đông con nên không “kiếm tiền tươi” từ nghề đào huyệt mộ thì cả nhà đói quanh năm.

 

Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng cực khổ nhất vẫn là thổ mộc Viễn. Nhà ít ruộng, đứa con gái đầu lòng của anh bị xơ hóa cơ Delta, sau  hai lần mổ vẫn không lành bệnh. Mọi thu nhập đều đổ vào chữa trị cho con, Viễn theo nghề này cốt cũng để vực lại một phần khó khăn cho kinh tế gia đình. “Có những ngôi mộ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Đó là số tiền mà người sống như chúng tôi mơ ước”, Viễn so sánh.

 

Theo Phó Ban quản lý Công viên Vĩnh Hằng Nguyễn Văn Long, việc đào huyệt mộ thông thường giao cho nhân công của công ty, nhưng có khi phải thuê cả hơn một trăm thợ ngoài vào làm, đặc biệt là vào cuối năm, mùa nhiều người bốc mộ.

 

Việt Hưng