1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những người chèo đò “mắc nợ” với dòng sông

(Dân trí) - Cách thành phố Huế hơn 10km về phía tây, tại xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, TT-Huế có những người đêm ngày bám sông đưa người qua lại vì thiếu những nhịp cầu.

Ba đời đưa đò

 

Những người chèo đò “mắc nợ” với dòng sông - 1

Chòng chành qua sông
 
Đứng trên cầu Tuần nhìn về phía thượng nguồn, nơi hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch nhập làm một tạo nên sông Hương, ở giữa địa thế đó, xã Hương Thọ gần như bị cô lập thành một bán đảo. Con đường độc đạo duy nhất để người dân đi lại với bên ngoài là thông qua xã Bình Thành (huyện Hương Trà) nhưng dài tới 15km và rất khó đi. Vì không có cầu nên từ bao đời nay, cách đi lại tiện nhất của bà con trên bán đảo là đường thủy, chỉ qua đò khoảng 500m là sang xã Thủy Bằng (huyện Hương Thủy), từ đó có thể xuôi thành phố Huế hay đi chợ là nhanh nhất.

 

Dọc dài xã Hương Thọ là những bến sông. Mỗi thôn có một hoặc hai bến. Trên những bến đó, đã có gia đình đến đời thứ ba làm nghề đưa đò.

 

Anh Võ Đức Hải (43 tuổi) ở thôn La Khê Trẹm đã hơn 20 năm làm nghề đưa đò. Cái nghiệp đưa người qua sông dường như không phải để kiếm sống nữa mà để giúp đỡ bà con đi lại đã gắn cuộc đời của hai anh em người lái đò vào bến nước này. Cứ 5 ngày, anh Hải và anh trai (tên Bàng, 50 tuổi) lại đổi ca cho nhau. Chỗ ở của họ là túp lều tạm dựng ngay sát bến để tiện làm việc.

 

Anh Hải cho biết: “Trước đây chưa có thuyền máy, chỉ chở bằng ghe nhỏ, ngày qua ngày chèo cho lả người, nhưng hai anh em tui vẫn gắng bám bến. Mình bỏ, người làng đi lại khổ lắm!”.

 

Trên những chuyến đò, cán bộ đi làm, dân làng xuôi ngược chợ búa, con em đi học nên cả ngày con đò luôn bận rộn qua về. Có khi chỉ một em học sinh đi học, anh Hải cũng nổ máy chở qua sông. Cầm 3 ngàn tiền dầu, anh Hải tâm sự: “Lời lãi chi mấy chú, số tiền này, ngoài nộp tiền thuế, chỉ đủ trang trải bữa cơm trong nhà, tiền nuôi con hầu như vợ phải lo cả”.
 
Những người chèo đò “mắc nợ” với dòng sông - 2
Gần 20 năm nay, anh Hải luôn túc trực trong chiếc lều tạm để kịp đưa đón người dân qua sông

 

Bán đảo Hương Thọ có 5 thôn với hơn 27 ngàn hộ, nằm ở ngã ba thượng nguồn sông Hương. Con đường lưu thông duy nhất hiện tại là thông qua xã Bình Thành dài 15km, phần lớn người dân qua lại bằng đò ngang. Trong xã có Lăng Gia Long - là quần thể lăng tẩm của nhiều thành viên và dòng họ nhà vua nằm trên vùng núi Thiên Thọ.

Non nửa đời người bám bến, chuyện vui chỉ là đưa giúp bà con qua sông, còn những chuyện buồn, những tình huống căng thẳng thì không khi nào nguôi trong tâm trí người đàn ông này. Anh Hải nhớ lại, đã không biết bao nhiêu lần trong đêm khuya, có người trong xóm bị bạo bệnh, phụ nữ trở dạ phải xuống bệnh viện gấp, những lúc đó, dù mệt mấy cũng phải gắng chạy thuyền để cứu người. Gần đây nhất, bà Nguyễn Thị Gái bị đau đường ruột rất nặng, lúc đó đã gần 2 giờ sáng, nếu đi đường bộ qua cầu Bình Thành thì quá xa. Không chần chừ, anh Hải nhanh chóng đưa bệnh nhân qua sông rồi cùng người nhà chở xuống bệnh viện gần nhất. Cũng may lần đó bà Gái qua khỏi. Chuyện như vậy không hiếm khiến người dân nơi đây thêm yêu quý và cảm phục những người như anh Hải.

 

Kỷ niệm sâu sắc nhất với những người chèo đò trên dòng sông này có lẽ là trận lụt năm 1999. Lúc đó, lũ tuôn về xối xả tưởng như muốn cuốn phăng đi mọi thứ. Những thôn xóm trên bán đảo như Thạch Hàn, Kim Ngọc, Sơn Thọ… chìm hẳn trong biển nước, tiếng người gào thét kêu cứu không dứt. Băng trong trời tối sầm, 2 anh em bác Hải cùng những người khác đã đưa hàng trăm hộ dân ngược lên dồi Trường Thanh tránh nạn rồi lại tất tả bơi về tìm gạo, sắn để lên cứu đói bà con… Sóng im biển lặng, họ lại âm thầm trở về với công việc như lên cót sẵn từng ngày và gắn sâu vào máu thịt.

 

Từ bến La Khê Trẹm ngược lên khoảng 3km là bến  đò Đình Môn- bến đầu tiên trong dãy các bến  đò ở Hương Thọ. Tại đây, em Mai Văn Quang  (22 tuổi) đã có hơn 4 năm làm nghề đưa đò. Trước đây, ông và cha của Quang đã mang “nghiệp” đưa đò. Gần đây sức khỏe của cha yếu, Quang phải thay cha “nối nghiệp”. “Em cũng muốn nghỉ đò xuống thành phố theo học nghề gì đó cho khỏe, nhưng bỏ đi thì dân làng qua lại làm răng được”, Quang tâm sự.

 

Chốc chốc, ở bên kia sông, một vài người chạy xe máy xuống bến, nhìn còn thấy rõ cả khuôn mặt, gọi qua sông, chỉ 10 phút sau là họ đã có  mặt bên này. Cả ngày như vậy, cuộc sống có  vẻ buồn tẻ trong đôi mắt chàng trai đang tuổi khát vọng. Khi tôi gặng hỏi, Quang chỉ xa xăm: “Giá như có cái cầu!”.
 
Những người chèo đò “mắc nợ” với dòng sông - 3
“Lúc nào nghỉ đưa đò, em sẽ đi học nghề điện tử”, Quang tâm sự

 

“Mắc cạn” giữa bến sông

 

Không có cầu để qua lại, hơn 27 ngàn hộ dân trên bán đảo Hương Thọ gần như lệ thuộc vào những bến đò. Những hiểm nguy khi vượt sông, những lo lắng khi mùa mưa bão đến, ai cũng tính đến, nhưng rồi họ vẫn đành chấp nhận. “Ở vùng này tiện lắm đó chú, vừa gần thành phố, vừa có lăng Gia Long – một di tích lịch sử, chỉ thiếu chút là chưa có cầu!”, ông Nguyễn Văn Tiến, chủ đò ở bến Đá Hàn, nói đùa.

 

Cũng như những lái đò ở dọc sông này, quãng đường bác Tiến đã qua lại hai bờ có lẽ dài hơn cuộc đời mình. Quãng thời gian đó, phải đối mặt với những tai nạn, biết bao nhêu lần quăng mình cứu giúp người chết đuối khiến ông không khỏi bàng hoàng. Còn nhớ, mùa mưa bão năm 2001, mẹ ông, bà Nguyễn Thị Chắt bị tai nạn qua đời sau một chiều đưa đò trong nước xiết. Sau sự cố đó, gia đình nghỉ đò, dân làng phải tự đóng bè chuối, chèo ghe qua sông. Không nỡ để mọi người gặp nguy hiểm với con nước, ông bàn với vợ ra ở bến sông tiếp tục nghề đưa đò vì: “Dẫu sao nó cũng là nghiệp của nhà mình”.
 
Những người chèo đò “mắc nợ” với dòng sông - 4

Bán đảo Hương Thọ nhìn từ phía cầu Tuần

 

“Khổ nhất là mấy em học sinh, mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa đến, nhiều khi nước xiết đò phải nghỉ chạy nên các em cũng phải nghỉ học”, ông Tiến kể. Hiện tại, Hương Thọ có 2 trường Tiểu học và THCS, học sinh cấp 3 thì phải xuống các trường học ở gần thành phố Huế. Muốn qua đò tri thức, trước mắt các em phải qua đò làng ngày hai ba bận như vậy.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thành Tâm, chủ tịch UBND xã Hương Thọ bày tỏ: “Xã đã có nhiều kiến nghị lên chính quyền về việc xây cầu cho bà con đi lại, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy phương án gì cụ thể”.

 

Trong lúc chờ có cầu, cuộc sống của người dân vẫn khó khăn vì phải lụy đò. Hơn ai hết, những người lái đò như bác Hải, ông Tiến chỉ  mong sao những bến đò của mình sớm thành dĩ vãng.

 

Hoàng Thanh Nhân