1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ngãi:

Những hùng binh mở cõi 400 năm trước, mỗi chuyến đi đều mang theo đồ bó xác mình

(Dân trí) - Cứ đến tháng 3 âm lịch, những họ tộc trên đảo Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tưởng nhớ tiền nhân đi mở cõi. Những mô hình thuyền nan và hình nhân thế mạng được thả trôi theo hướng những hùng binh đã ra đi hơn 400 năm trước.

Linh thiêng lễ tri ân hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa

Sáng 20/4 (ngày 16/3 âm lịch), tại đình làng An Vĩnh (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã diễn ra Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là nghi lễ linh thiêng tri ân những người con đất đảo đã ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Những hùng binh mở cõi 400 năm trước, mỗi chuyến đi đều mang theo đồ bó xác mình - 1
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của người dân trên đảo Lý Sơn đã có cách đây hơn 400 năm. Vào tháng 2 âm lịch, triều đình nhà Nguyễn ra đảo Lý Sơn tuyển mộ 70 người bơi lội giỏi gia nhập đội hùng binh Hoàng Sa
Những hùng binh mở cõi 400 năm trước, mỗi chuyến đi đều mang theo đồ bó xác mình - 2
70 người lên 5 thuyền câu ra vùng biển quần đảo Hoàng Sa tuần canh, đến tháng 8 âm lịch thì trở về đảo Lý Sơn. Những chuyến đi gặp nhiều nguy hiểm, do đó những dân binh này có đi nhưng ít người trở về. Vì vậy, ngoài lương thực thì mỗi người phải chuẩn bị cho mình 1 đôi chiếu, vài sợi dây mây, 7 đòn tre và 1 thẻ tre. Nếu gặp chuyện chẳng lành thì chiếu dùng để bó xác, đòn tre dùng để làm nẹp và lấy dây mây bó lại.
Những hùng binh mở cõi 400 năm trước, mỗi chuyến đi đều mang theo đồ bó xác mình - 3
Trước khi những dân binh lên thuyền làm nhiệm vụ, các họ tộc trên đảo Lý Sơn tổ chức lễ khao lề để yên lòng người ra đi. "Với chúng tôi thì lễ khao lề vô cùng linh thiêng. Đây là dịp để những người con đất đảo tri ân các bậc tiền nhân đã dũng cảm vượt sóng dữ ra Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc khẳng định chủ quyền của Tổ quốc", ông Phạm Tấn Lực (xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) chia sẻ.
Những hùng binh mở cõi 400 năm trước, mỗi chuyến đi đều mang theo đồ bó xác mình - 4

Sau khi kết thúc lễ tế ở đình làng là nghi thức thả thuyền ra biển. Có 5 mô hình thuyền nan đặt hình nhân thế mạng, linh vị và những vật dụng tượng trưng được thả trôi theo hướng những hùng binh đã ra đi từ hơn 400 năm trước.

Những hùng binh mở cõi 400 năm trước, mỗi chuyến đi đều mang theo đồ bó xác mình - 5
Những hùng binh mở cõi 400 năm trước, mỗi chuyến đi đều mang theo đồ bó xác mình - 6

Theo ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một nét văn hóa đặc sắc của cư dân huyện đảo. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của người dân đảo Lý Sơn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là dịp để tri ân những bậc tiền nhân đã có công mở mang bờ cõi, thể hiện tính nhân văn và đạo lý "uống nước, nhớ nguồn" của cha ông", ông Ninh nói.

Những hùng binh mở cõi 400 năm trước, mỗi chuyến đi đều mang theo đồ bó xác mình - 7

Quốc Triều