1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những “hố bom thời bình”

5 năm trước, nhiều nông dân ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM rộ lên phong trào bán đất cho chủ đầu nậu đắp nền cho các công trình xây dựng. Giờ trở lại Tân Phú Trung, những nơi trước kia là vườn cây xanh tốt chỉ còn là những chiếc ao bỏ hoang, trông chẳng khác nào những hố bom.

Giấc mộng giàu nhanh

 

5 năm trước, cùng với quá trình đô thị hoá, giá đất ở Tân Phú Trung nóng lên, người dân đua nhau bán đất, đất ruộng, vườn ngày càng bị thu hẹp. Thay vào đó, mọc lên những căn nhà mái ngói, mái bằng. Chuyện mua một cái tivi hay xe máy cũng không còn là mơ ước cao xa. Đáng buồn là, tiền bán đất lại không được dùng vào việc đầu tư chuyển đổi cơ cấu kinh tế mà chủ yếu là để tiêu sài, mua sắm.

 

Không chỉ bán diện tích đất, người dân ở Tân Phú Trung còn kiếm tiền bằng cách bán đất cho các chủ thầu xây dựng đem đắp nền cho các công trình xây dựng. Họ nghĩ như vậy vừa kiếm được tiền từ phần đất được nạo vét, sau đó lại có ao nuôi cá. Nhưng các đầu nậu bỏ tiền ra mua đất thì tận thu đến cùng kiệt. Họ cho máy cạp vào sâu hoắm, khi nạo vét hết phần đất màu mỡ, bắt đầu gặp các mạch nước thì bơm tháo nước ra để tiếp tục nạo vét phần cát sạn và lớp sỏi ở bên dưới. Những vật liệu xây dựng này  được mua với giá rẻ như bèo. Một xe ben đất, sỏi (tương đương từ 12 đến 15m3) vào thời điểm đó chỉ có giá từ 15.000 đến 18.000 đồng.

 

Anh Nguyễn Văn Tấn, một cố nông ở ấp Xóm Đồng, cho biết: “Tình trạng nông dân bán đất vườn đã diễn ra gần chục năm nay rồi. Hình như ở cái xóm này, nhà nào có nhiều đất cũng bán cho các Công ty xây dựng, đầu nậu san lấp mặt bằng. Mỗi ngày có hàng nghìn, hàng vạn mét khối đất đai màu mỡ được chở đi”.

 

Gia đình anh Tấn là một trong số rất ít những gia đình đã không bán đất, anh nói: “Bán đất đi rồi thì sau này biết làm gì. Nghề mới thì chưa có, hơn nữa gia đình nhà tôi đã mấy đời gắn liền với mảnh đất này rồi. Bán đi thấy có lỗi với ông bà lắm!”.

 

Tỉnh mộng

 

Gia đình bà Trần Thị Dung (sinh năm 1941) cũng là một người sống lâu năm trên vùng đất này. Bà Dung kể lại trong sự buồn rầu đến não lòng, rằng hồi đó, bà đã quyết định bán đất vườn, làm ao nuôi cá, hy vọng thu nhập sẽ khá hơn. Nhưng khi bán xong phần đất vườn cho Công ty xây dựng thì kế hoạch nuôi cá của bà cũng không thực hiện được vì mấy người con của bà không ai chịu làm.

 

Cái ao của bà Dung lại nằm trong một con hẻm nhỏ, nên cũng chả ai có ý định thuê hoặc mua lại. Thế là từ một mảnh đất đang canh tác, mảnh vườn nhà bà Dung lại trở thành ao nước bị bỏ hoang nhiều năm nay.

 

Gia đình bác Nguyễn Văn Sáu (ở ấp Chợ) may mắn hơn nhà bà Dung chút ít. Vì nhà bác Sáu gần mặt đường nên khi giá đất lên cao, bác lại bán đi được một nửa phần ao. Mua được phần ao đó, người chủ mới đã làm một việc ngược lại - mua đất về san lấp ao.

 

Một số đối tượng “cò đất” đã đi gạ mua diện tích ao bỏ hoang có vị trí thuận lợi như của nhà bác Sáu, san lấp rồi bán lại cho những người có nhu cầu mua đất xây nhà với giá cao hơn hẳn. Rốt cuộc người nông dân thiệt vẫn hoàn thiệt.

 

Sau những lần bán dần bán mòn mảnh đất trong vườn mà đã nghèo còn nghèo hơn, không ít nông dân đã cay đắng vỡ giấc mộng đổi đời.

 

Theo Phùng Bắc - Phạm Vũ

Lao Động