1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ

Suốt 45 năm say mê theo đuổi sự nghiệp điện ảnh, hai tác phẩm mà đạo diễn Phạm Quốc Vinh mãn nguyện nhất và mãi mãi không thể quên là “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ” và “Bác đi chiến dịch”.

Năm 1989, khi UNESCO chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh nhân văn hóa thế giới, ông Vinh đang chuẩn bị nghỉ hưu thì được Điện ảnh Quân đội và Bảo tàng Hồ Chí Minh giao một trách nhiệm trọng đại trong đời làm điện ảnh: Hoàn thành bộ phim về những giây phút cuối cùng của Bác Hồ ở thời điểm sau 20 năm kể từ ngày Bác ra đi.

 

Suốt 20 năm trước đó, những thước phim tư liệu do 2 nhà quay phim quân đội Nguyễn Thanh Xuân và Trần Anh Trà thực hiện về những ngày cuối cùng của Bác cho đến khi các chuyên gia Liên Xô (cũ) thực hiện kỹ thuật gìn giữ, bảo quản thi thể của Người đã được cất giữ, bảo quản cẩn mật, và lúc này cần phải dựng lại thành phim hoàn chỉnh để lần đầu tiên công bố trước nhân dân.

 

Trước khi bắt tay làm phim, ông Vinh đã tìm gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Vũ Kỳ - Thư ký của Bác, để tìm thêm tư liệu cần thiết. Và từng dòng ký ức dần hiện ra...

 

Bác bắt đầu lâm bệnh ngày 12/8/1969. Hôm ấy, trời Hà Nội đã vào thu, se lạnh. Hay tin phái đoàn nước ta từ cuộc đàm phán Paris về, Bác chủ động đến thăm, làm việc.

 

Đến ngày 28/8, sức khỏe của Bác bắt đầu suy giảm nghiêm trọng, từ nhà sàn Người phải chuyển xuống tầng trệt. Tuy vậy Người vẫn không ngừng lo toan cho vận mệnh quốc gia, cho cuộc sống của nhân dân…

 

Đương khi nước sông Hồng dâng cao, sợ cơn lũ có đột biến, các đồng chí gần gũi chăm sóc ngỏ ý muốn đưa Bác tới nơi an toàn, nhưng Bác nói: “Tôi không thể xa dân”.

 

Các vị lãnh đạo Đảng lúc ấy hằng ngày túc trực bên giường Bác. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỗi ngày vào thăm Bác ba lần. Trong cuốn sổ tay, đại tướng ghi rõ từng ngày:

 

- 24/8/1969 trở đi Bác mệt nặng.

 

- 26/8/1969: Khi vào thăm, giơ tay chào, Bác chào lại rồi bảo: “Chú về nghỉ”.

 

- 28/8/1969: Buổi chiều Bác hỏi việc chuẩn bị Quốc khánh 2/9 và dặn đồng chí Phạm Văn Đồng tổ chức lễ kỷ niệm cho thật vui, thật tốt. Tối có bắn pháo hoa nữa.

 

Dù cuộc sống chỉ còn gang tấc, Bác vẫn muốn ra dự lễ để gặp đồng bào năm, mười phút.

 

Bác đã trao đổi với đồng chí Lê Văn Lương và đồng chí Vũ Kỳ rất cụ thể: “Bác sẽ buộc khăn che cổ, Bác ra ngồi sẵn trong đoàn chủ tịch rồi mới kéo màn che của hội trường và bắt đầu cuộc mittinh. Bác sẽ nói sao cho đồng bào không biết là Bác đau”.

 

Thế nhưng, trên lễ đài kỷ niệm Quốc khánh ngày 2/9/1969 Người đã không thể có mặt! Bác Hồ đã trút hơi thở cuối cùng lúc 9 giờ 47 ngày 2/9/1969, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho tất cả nhân dân VN đến tận hôm nay.

 

Đến sáng 1/9/1969, Bác đã rất mệt. Phải đến 16 giờ cùng ngày 2 quay phim Nguyễn Thanh Xuân, Trần Anh Trà mới lần đầu tiên được vào hẳn phòng bệnh để ghi hình Bác trong những giờ phút cuối cùng quanh sự vây bọc, canh nom, lặng im, thương xót, cảm động của các vị lãnh đạo trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương…

 

Cho đến sáng 2/9/1969, khi tất cả các đồng chí cách mạng, học trò, người thân cận… sờ lên ngực, lên trán Bác và… cùng bật khóc!

 

 

Những giờ phút cuối đời của Bác Hồ - 1
 

Đạo diễn Phạm Quốc Vinh.

Ông Vinh kể lại: “Thanh Xuân giơ máy lên mà nước mắt cứ giàn giụa làm ướt cả thước ngắm của máy quay. Trong giây phút đó anh ấy chỉ còn biết để ống kính góc rộng và cứ thế giơ lên bấm máy”.

 

Tất cả đã lùi xa 20 năm nhưng ông Vinh vẫn ngỡ như giây phút lịch sử ấy mới vừa xảy ra hôm qua. Trong vai trò một đạo diễn, ông cùng các đồng sự phải chọn lọc những tư liệu, cảnh quay súc tích, đắt giá nhất của 2 nhà quay phim Thanh Xuân, Anh Trà và của chính ông quay được hình ảnh Bác trong những năm trước đó để làm một bộ phim để đời.

 

Từ những tư liệu cũ, ông Vinh thổi vào sự sáng tạo và với niềm rung cảm chân thành trong tim ông.

 

Với những cảnh Bác nằm bên dưới ngôi nhà sàn, đôi mắt nhìn đăm đăm ra xa, khi miền Bắc đương mùa nước lụt, ông Vinh liên tưởng ngay những thước phim tư liệu cũ ông quay những năm trước khi Bác còn khỏe, trong cảnh nước lụt mênh mang Người xắn quần, chân thấp chân cao bước lên cầu Long Biên để cùng bà con chống lụt.

 

Rồi ông chợt nghĩ đến những gì đã mãi mãi trở thành lần cuối cùng của đời Bác: bài viết cuối cùng về “người tốt việc tốt” Bác còn để lại, cây đa cuối cùng Bác trồng ở xã Vật Lại (Ba Vì, Hà Tây), buổi sinh hoạt vui cuối cùng với các cháu thiếu nhi… Cảnh ngôi nhà sàn đã buông rèm, căn phòng với giường chiếu đơn sơ của Người giờ trở nên trống lạnh với những kỷ vật nằm im, lưu giữ lại một phần lịch sử...

 

Kết thúc phim, ông Vinh muốn nhấn mạnh sự sống mãi của Hồ Chủ tịch trong lòng nhân dân VN bằng hình ảnh cuộc sống bình dị, thường ngày của Bác quanh ngôi nhà sàn thân yêu khi bài hát Bác Hồ, một tình yêu bao la cất lên.

 

"Những giờ phút cuối đời Bác Hồ" của đạo diễn Phạm Quốc Vinh đã được Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh trực tiếp duyệt ngày 17/4/1989; sau đó phim được tặng các bạn bè quốc tế và từ đó đến nay được chiếu thường xuyên tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Thủ đô.

 

Năm 1990, chỉ với hơn 20 bức ảnh tư liệu của nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An chụp tại chiến dịch biên giới năm 1950 cộng với một vài cảnh tài liệu do Phan Nghiêm quay được cùng năm đó, đạo diễn Phạm Quốc Vinh đã sử dụng lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để dựng nên những cảnh phim rất sinh động trong Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới.

 

Một số nhà phê bình đánh giá đây là bộ phim tài liệu vào loại đặc biệt nhất trong các phim tài liệu VN do đạo diễn đã tìm được cách làm phim rất sáng tạo trong bối cảnh nguồn tư liệu có được quá ít ỏi.

 

Từ năm 1960 đến nay, đạo diễn Phạm Quốc Vinh đã thực hiện tổng cộng 101 bộ phim, trong đó có 71 phim nhựa 35mm; năm phim nhựa 16mm.

 

Những tác phẩm mà ông trong vai trò biên kịch và đạo diễn đến nay vẫn còn nguyên giá trị như: Tiếng hát những người chiến thắng (1974), Ngọn cờ chiến thắng, Phía nam sông Hậu (1975), Chiến thắng Tà Xanh (1979), Lính Mỹ lại đến Hà Nội (1989), Bác nhớ miền Nam (1992), Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1993), Chiếu văn chúc mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2004)…

 

Hiện đã ở tuổi 79, nhưng ông vẫn còn hợp tác với Điện ảnh Quân đội làm phim tài liệu về đề tài chiến tranh cách mạng...

 

Những cuốn phim tư liệu nay xếp chật trong ngôi nhà đạm bạc của ông ở phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) và được bảo quản bằng cách cứ 2 - 3 tháng lại một lần rang gạo bỏ vào các túi để chống ẩm!

 

Theo Đoài Sơn
Tuổi trẻ Chủ nhật