1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Những đứa trẻ “mặt lạnh” ở trường đua Phú Thọ

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, 2 ngày cuối tuần, trường đua Phú Thọ (TPHCM) nêm chặt người. Hàng ngàn con mắt dõi theo những chú ngựa tung vó, xuýt xoa nài ngựa hay. Nhưng ít ai biết, để có được công việc “béo bở” này, nhiều nài nhí phải tự kìm hãm cơ thể phát triển.

Những đứa trẻ “mặt lạnh” ở trường đua Phú Thọ - 1

Đợt đua của ngựa thuần chủng: tốc độ, đẹp mắt, thu hút đông đảo người xem.
 
Sôi động không thua sân bóng

 

Toạ lạc trong một khu đất rộng 20ha, trường đua Phú Thọ trong tổ hợp của Trung tâm thể thao Phú Thọ khang trang, bề thế và sôi động không kém sân bóng tầm cỡ. Trên các khán đài có mái che cùng hệ thống vi tính, truyền hình trực tiếp và bình luận chuyên nghiệp từng trận đua ngựa. Thời gian đua ngựa diễn ra vào 2 ngày cuối tuần, bắt đầu từ 12h30 và kết thúc lúc 17h mỗi ngày. Mỗi ngày diễn ra 10 đợt đua. 

 

Trước giờ đua một tiếng, hàng trăm người đam mê bộ môn đua ngựa, cũng như hàng ngàn tuyệt phích (chỉ giới cá cược chuyên nghiệp) kéo nhau mua vé, chọn cho mình một chỗ ngồi thích hợp. Giá vé bình dân là 10.000 đồng, vé VIP 1 là 50.000 đồng, VIP 2 là 100.000 đồng. Những đứa trẻ chạy loạn xạ khắp nơi rao bán những tờ báo bản tin cập nhật thông tin về những chú ngựa, thành tích gần nhất của ngựa để dân tuyệt phích tính toán mà đặt cược.

 

Một cậu bé bán báo kiêm bán vé số hồ hởi: “Bán báo còn đắt hơn cả vé số anh à! Vì ai vào trường đua xem cũng như cá cược thì đều phải nắm thông tin về ngựa cũng như những lần đua trước. Bỏ ra 10 ngàn, có khi thắng cả trăm triệu cũng không ngoa đâu”.

 

Dân tuyệt phích ăn mặc tuềnh toàng, đa phần là giới bình dân. Trẻ con có, thanh niên có, đàn bà có, cả ông cụ tóc bạc râu dài cũng đến cá cược. Mọi người trong tay cầm tờ bản tin, mắt thì hướng lên màn hình ti vi xem thông số ngựa. 

 

12h30, đợt đua thứ nhất bắt đầu. Phu ngựa dắt ngựa và nài (những người điều khiển ngựa trên đường đua) quần ngay trước khán đài cho dân tuyệt phích “xem tướng”, đặt cược. Sau đó, trong lúc nài điều khiển ngựa ra vạch chuẩn bị xuất phát thì tuyệt phích kéo nhau đến các phòng bán vé nằm rải rác khắp trường đua đặt cược. Nào là “3-7” (cá đôi), “8-3-5” “3-7-5” (cá ba), rồi “2-3-9-4” (cá tư)…

 

Khi đèn đỏ ở vạch xuất phát phát tín hiệu, 12 ngựa đua tung vó. Trên lưng ngựa, những nài bé tí tuổi, bé tí người, cầm roi quất vào mông ngựa để thúc ngựa mình lao về phía trước. Trên khán đài lúc này vô cùng sôi động. Dân tuyệt phích dán mắt vào màn hình. Có người tràn xuống rào chắn sát đường đua xem ngựa phi nước đại. Những tiếng hò hét náo nhiệt: “Mã Tây Thi… cố lên!”, “Đại Anh Dũng phi nước đại nào”… Người đàn ông đứng cạnh tôi còn mang cả ống nhòm để theo dõi từng bước nước rút của con tuấn mã mình yêu thích. 

 
Những đứa trẻ “mặt lạnh” ở trường đua Phú Thọ - 2

Những nài nhí trên lưng ngựa đang chuẩn bị diễu hành trước khán đài cho giới tuyệt phích “mục sở thị” rồi đặt cược.
 

Đoàn ngựa lao về đích. Người đặt cược trúng cười hả hê. Người đặt sai quẳng tờ báo, ngồi phệt xuống, bơ phờ.

 

Đợt đua thứ nhất kết thúc, tuyệt phích lại mở trang thông tin xem lượt đua tiếp theo và tính toán cẩn thận để đặt cược. Hàng trăm tuyệt phích kéo xuống dãy bán nước giải khát, bánh mì, bún, bánh ướt… ngay dưới khán đài mà bàn tán xôm tụ, không để tâm đến điều kiện vệ sinh “dưới mức cho phép” của những quán ăn này.

 

Ngày chủ nhật, người kéo đến xem đua ngựa càng đông. Trong số đó có nhiều bạn trẻ đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật, Thái…

 

Một lý do để trường đua hút khách hơn vào ngày chủ nhật là do vòng đua thứ 7 sẽ là cuộc tỉ thí của giống ngựa thuần chủng Thoroughbred. Đây là giống ngựa nhập từ Úc, tướng mạo cao, đẹp, nặng 400-500kg/con. “Khác với ngựa Việt Nam được một khách du lịch ví như xem... lừa chạy, ngựa thuần chủng có phong độ khá ổn định nên khả năng thắng cược của lượt đua ngựa thuần chủng rất cao”, anh Cao Bình, một tuyệt phích kinh nghiệm cho biết.

Những đứa trẻ “mặt lạnh” trên đường đua

Trường đua Phú Thọ không dành riêng cho đối tượng nào, không kể tuổi tác, giới tính, thành phần xã hội. Trong số đó, có rất nhiều trẻ em. Trẻ em bán báo, bán vé số, bán nước giải khát. Mặc dù trước phòng đặt cược có thông báo không phải trò chơi dành cho trẻ dưới 16 tuổi, nhưng theo quan sát của chúng tôi, trẻ em gá độ cũng rất nhiều.

 

Ở đây có một nhóm trẻ em được người chơi “chăm chút” từng ly từng tý. Đó chính là những nài ngựa. Nài nhí chính là yếu tố quan trọng để góp không khí sôi động cho trường đua. Nếu “bỏ nhỏ” được một nài nào đó, người chơi có thể trúng đậm được một kèo lớn.

 

Trường đua Phú Thọ được đầu tư xây dựng hoành tráng bởi Công ty Thiên Mã gắn liền với danh tiếng của ông Nguyễn Ngọc Mỹ (kiều bào Úc) - Tổng giám đốc Tập đoàn Vabis. Số ngựa tham gia có khoảng 850 con. Ngựa thuộc giống ngựa cỏ, thường chỉ nặng 250kg/con. Ngoài ra trường đua có 10 ngựa thuần chủng chỉ đua vào đợt 7, ngày Chủ nhật.

 

Do đặc thù của ngựa đua là ngựa cỏ nên các nài ngựa phải là những người có trọng lượng cơ thể dưới 40kg. Do vậy, các chủ ngựa bắt buộc phải chọn nài là những trẻ em có độ tuổi từ 10 đến 17 tuổi. Nài ngựa phải có tính can đảm, gan lỳ và kinh nghiệm trận mạc.

 

Nổi tiếng trong giới nài ở trường đua phải kể đến các tên tuổi: Vũ Thanh Tú (15 tuổi, nặng 38 kg), Phạm Thế Vũ (17 tuổi, nặng 37 kg)…

 

Trước mỗi đợt đua, nài cưỡi ngựa ra “diễu võ giương oai” trước khán đài để tuyệt phích xem tướng rồi đặt cược. Gương mặt những nài còn non choẹt nhưng trông khá lạnh lùng. Nài Vũ tâm sự: “Trước vòng đua, tâm lý căng thẳng lắm anh à”.

 

Khi lượt đua bắt đầu, nài lộng lẫy trong chiếc mũ chóp, áo màu, quần trắng… oai phong cầm roi quất liên tục giục ngựa lao về phía trước. Chỉ trong vòng hơn 1 phút, ngựa cán đích. Nài chiến thắng được tung hô. Dân tuyệt phích, chủ ngựa săn đón nài như một ngôi sao. Thậm chí, tuyệt phích chỉ đặt cược khi nài “ngôi sao” của mình cưỡi ngựa xung trận.

 
Những đứa trẻ “mặt lạnh” ở trường đua Phú Thọ - 3
Những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn không được phép... lớn.
 

Thu nhập của nài cũng khá cao. Thông thường, nài hưởng 10% số tiền mà ban tổ chức chi cho ngựa đua. Nếu trong đợt đua, ngựa lọt vào tốp 3 thì số tiền thưởng càng cao hơn. Trung bình, một ngày đua ngựa, các nài nhí bỏ túi từ 1,5 - 2 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, để đảm bảo được trọng lượng cố định, nhiều nài phải chịu ép cân rất dữ. Các em ngày càng lớn, cơ thể phát triển nhưng ngựa không thể kham nài nặng trịch trên đường đua tốc độ. Do vậy, nài phải ép cân, càng nhẹ càng tốt. Vấn đề ép cân ở nài đi ngược với quy trình phát triển của một con người. Việc sử dụng nài nhí ở trường đua đang vướng phải quy định trong Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở Việt Nam.

 

Mới đây, Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã có văn bản yêu cầu Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch xem xét lại vấn đề sử dụng trẻ em làm nài ngựa tại trường đua Phú Thọ. Bằng văn bản này, việc tìm nài trong độ tuổi lao động từ 18 tuổi trở lên mà có trọng lượng dưới 40 kg đang trở thành vấn đề nan giải!

 

Công Quang