1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đắk Lắk:

Những con số ít biết về “vua voi” Ama Kông

(Dân trí) - Ama Kông không chỉ nổi tiếng vì săn bắt, thuần dưỡng 298 con voi rừng, tìm ra loại thuốc quý mang thương hiệu “Ama Kông”, người “tân thời” nhất Bản Đôn, ông còn được biết đến với 4 lần cưới vợ - kết quả ông có 21 người con, gần 200 cháu chắt.

Những dụng cụ săn voi giúp “vua voi” Ama Kông săn được 298 con voi rừng. 

Những dụng cụ săn voi giúp “vua voi” Ama Kông săn được 298 con voi rừng. 

Tại Bản Đôn (Buôn Đôn) trước kia có một vị tù trưởng tên là Y Thu Knul tiếng tăm đồn thổi khắp vùng vì săn bắt được gần 500 con voi rừng, đáng tiếc thay ông này lại không có con. Thế rồi ông nhận hai chị em gái H’Nu, H’Hốt làm con nuôi. Càng lớn cô chị H’Nu càng xinh xắn, nhan sắc của cô vang khắp các buôn làng Tây Nguyên. Khiến nhiều công tử trong vùng ngày đêm mơ mộng chỉ mong sở hữu bằng được trái tim nàng. Cái gì đến phải đến, một ngày đẹp trời trái tim H’Nu đã rung động trước Y Prông Êban - quản tượng chính trong đám thợ săn của tù trưởng Y Thu Knul. Chàng trai này dù không giàu có nhưng lại khiến H’Nu “cảm nắng” bởi anh ta có sức khỏe phi thường và sở hữu vóc dáng dũng mãnh.

Hôn lễ của đôi trai tài gái sắc được tổ chức sau đó và một năm sau họ sinh hạ đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Kông. Theo phong tục của đồng bào Tây Nguyên, cha mẹ thường lấy tên đứa con đầu lòng thay tên mình nên Prông Êban được đổi thành Ama Kông (tức cha của thằng Kông). Tình yêu và hạnh phúc của vợ chồng Ama Kông kéo dài chưa đầy chục năm khi H’Nu chẳng may qua đời trong lần sinh con thứ 2. Theo tục nối dây, cô em gái H’Hốt (kém Ama Kông 15 tuổi) phải nâng khăn sửa túi cho anh rể.

Bản tính đa tình, phong lưu, Ama Kông vẫn thường xuyên “du hí” với nhiều thôn nữ vùng sơn cước. Không lâu sau Ama Kông dẫn về một người đàn bà tên là H’Biai xin H’Hốt cho cưới làm vợ lẽ. Giận chồng không chịu thấu, H’Hốt đã bao lần đòi ăn lá ngón. Theo tục lệ khi đó nếu đàn ông muốn đi bước nữa hoặc là người vợ chết hoặc là người đàn ông bỏ lại toàn bộ tài sản. Cuối cùng Ama Kông quyết định ra đi với hai bàn tay trắng qua nhà H’Biai xây dựng cuộc sống mới.

Những dụng cụ săn voi giúp “vua voi” Ama Kông săn được 298 con voi rừng. 
Người nhà vua voi Ama Kông đang bốc thuốc Ama Kông – một loại thuốc có khả năng “tráng dương bổ thận…”.

Tưởng rằng Ama Kông và H’Biai sẽ dắt nhau đi đến cuối đời nhưng trớ trêu thay H’Biai vốn là một người nghiện rượu. Sau nhiều lần khuyên can nhưng không hiệu quả, Ama Kông tìm niềm vui bằng các cuộc săn voi dài đằng đẳng. Vắng chồng, H’Biai càng uống rượu nhiều hơn. Kết cục cô này giả từ cõi trần trong một cơn say rượu miên man.

Đầu những năm 90 thế kỷ trước, Vua voi” Ama Kông đã ngoài 80 tuổi, ông làm hướng dẫn viên du lịch ở vườn Quốc gia Yok Đôn kể cho du khách nghe những câu chuyện hấp dẫn, thú vị xung quanh nghề săn bắt voi rừng. Trong một lần dạo chơi ở buôn khác, tình cờ Ama Kông quen một cô gái mới 25 tuổi tên là H’Khăm. Vì phải lòng cô gái này Ama Kông bỏ bê công việc để ngày đêm đến với tình nhân. Để danh chính ngôn thuận, Ama Kông đã dắt cô này về ra mắt buôn làng, chính thức kết duyên vợ chồng bất chấp H’Khăm đã có một đứa con gái.

Chiều ngày 3/11, tại căn nhà sàn cổ ở Bản Đôn (huyện Buôn Đôn), Khăm Phết Lào - một người con trai của Ama Kông chính thức cho biết, sau khi sánh duyên cùng 4 người vợ, Ama Kông đã có tất cả 21 người con (2 trai, 19 gái), gần 200 cháu, chắt. Khăm Phết Lào cũng cho biết, Ama Kông chính thức nghỉ săn voi từ năm 84 tuổi, bởi khi đó Nhà nước cấm việc săn bắt voi rừng. “Ông cũng muốn săn cho đủ 300 con voi rừng, một con số chẵn chòi nhưng từ khi Nhà nước cấm, ông cũng nghỉ luôn”, Khăm Phết Lào nói.

Về phương thuốc mang thương hiệu Ama Kông, được Khăm Phết Lào thừa kế, giá một thang thuốc Ama Kông chính hiệu được Khăm Phết Lào cho biết có giá dao động từ 250 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng.

Được biết, linh cữu của “vua voi” Ama Kông sẽ được chôn cất tại nghĩa trang buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn - bên cạnh người vợ cả của ông.

Viết Hảo