1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những bi kịch gia đình

Chỉ trong một buổi sáng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã đưa ra xét xử ba vụ án giết người mà bị cáo và bị hại đều là những người có quan hệ gia đình, ruột rà. Cái ác đã bị trừng phạt nhưng đằng sau đó là những mất mát không dễ nguôi ngoai.

Những bi kịch gia đình  - 1

Bị cáo Trần Thị Dung ở phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: T.Mai

 

 

Phiên thứ nhất

 

Đứng trước vành móng ngựa là bị cáo Trần Thị Dung với dáng người đẫy đà, gương mặt buồn thảm, tuyệt vọng nhưng lại khó gây được thiện cảm với mọi người  bởi ánh mắt sắc lạnh. Sớm chịu cảnh không gia đình, nhà là đường phố, suốt quãng đời xuân sắc, Dung hành nghề bán phấn buôn hương.

 

Rồi Dung bị bắt, bị đưa vào trường phục hồi nhân phẩm. Ra trường một thời gian, Dung may mắn được ông N.V.G yêu thương, đưa về sống chung. Có được một mái ấm, Dung quyết tâm làm lại cuộc đời, đi làm công ở một cơ sở cùng người chồng hành nghề đạp xích lô gầy dựng hạnh phúc.

 

Nhưng cuộc sống chung không như Dung mong đợi. Ông G. thường xuyên nhậu nhẹt, say xỉn, mắc nợ hàng quán, trong khi Dung đi làm từ sáng sớm đến tối mịt. Thất vọng, mệt mỏi, bản tính lại hung dữ, Dung đã gây gổ, chửi mắng chồng. Giữa tháng 2/2009, chủ nợ đến tận nhà đòi tiền, bực mình Dung bán luôn chiếc xe xích lô của chồng để gán nợ. Tối 17/2, ông G. trách móc Dung về việc bán mất “cần câu cơm” mà không bàn với ông, hai người lời qua tiếng lại, Dung đánh chồng nhưng không trúng, ông G. bực bội bỏ ra ngoài.

 

Ngay lúc đó, “do bị cáo nóng tính quá, không kiềm chế được nên chạy vào nhà lấy dao đuổi theo đâm một nhát trúng ngực”, Dung phân bua trước tòa. Thấy ông G. gục xuống, “tưởng chồng giả chết”, Dung cầm dao vừa đâm tiếp vừa nói “đâm cho chết luôn” dù có hàng xóm can ngăn. Khi công an địa phương đến, cơn giận vẫn chưa nguôi, Dung đòi “xử luôn” nếu can thiệp vào chuyện gia đình. Phải một lúc sau, lực lượng công an mới có thể khống chế, bắt giữ Dung. Ông G. chết tại bệnh viện.

 

Với hành vi đó, án sơ thẩm tuyên phạt Dung hình phạt tử hình. Đến tòa phúc thẩm, Dung không còn làm mình làm mẩy, khóc lóc nằm vạ như hôm xử lưu động tại phường Phú Trung (quận Tân Phú).

 

Được tự bào chữa thêm, Dung khăng khăng “bị cáo không cố ý giết chồng, chỉ là không may...”. Dẫu vậy, HĐXX đã bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng bị cáo quyết tâm thực hiện tội ác đến cùng, không còn khả năng cải tạo.

 

Phiên thứ hai

 

Nạn nhân là người cha 73 tuổi và hung thủ tước đi mạng sống của ông là đứa con trai đã xấp xỉ tuổi 50, từng nhiều lần bị xử phạt hành chính, thậm chí bị đưa vào trường giáo dưỡng bởi hành vi gây rối trật tự công cộng.

 

Ngày 10/3/2009, sau khi uống rượu về, Vương Khánh Hải (Bình Dương) vừa ăn cơm vừa chửi cha mẹ vì cho rằng ông bà xóa tên Hải ra khỏi sổ hộ khẩu. Bực mình bởi lời nói càn quấy của Hải, ông V.T lên tiếng la rầy: “Mày cứ đi ăn nhậu tối ngày, không lo làm ăn lại còn về chửi cha, chửi mẹ...”. Ông V.T chưa dứt lời, Hải đã quay lại chỉ tay vào mặt ông nói: “Ông đừng lải nhải nữa!” rồi ném chén cơm đang ăn xuống nền nhà.

 

Trước thái độ hỗn xược của đứa con ngỗ nghịch, ông V.T vào nhà bếp lấy cái chày giã tiêu đánh vào đầu và lưng của Hải. Bị cha đánh, Hải đứng dậy cầm ghế nhựa đánh trả. Ông V.T tiếp tục đánh, Hải xông đến đẩy ông té ngã rồi nhặt lấy  cái chày ông V.T làm rơi, đánh ông dẫn đến tử vong.

 

Dù cách dạy con của người cha như thế có phần kích động về mặt tinh thần đối với bị cáo, nhưng hành vi chửi mắng cha mẹ ruột, trực tiếp giết chết người có công sinh thành và nuôi dưỡng là không thể tha thứ. Cấp phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm mức phạt tù chung thân.

 

Phiên thứ ba

 

Vẫn tội giết người. Tất cả những bi kịch gia đình dồn nén lại trong một buổi sáng khiến cho người tham dự phiên tòa có cảm giác thật nặng nề, tưởng chừng như mất hết cảm xúc. Vậy mà nghe xong câu chuyện của Nguyễn Huy Bình (SN 1978), chứng kiến những giọt nước mắt vì ân hận, đau khổ của bị cáo, nhiều người đã không thể nén tiếng thở dài.

 

Bình kết hôn với N.T.K.V (SN 1989) và sống chung với gia đình V. ở Long An. Phận nghèo phải ở rể khiến cho Bình luôn có mặc cảm bị rẻ rúng, coi thường dẫn đến bức bối, tự ái. Tháng 5/2009, Bình bàn với vợ về quê ở Hậu Giang làm ruộng đồng thời chăm sóc cha mẹ già nhưng V. và gia đình chị không đồng ý.

 

Thời gian sau này, chị V. có thái độ lạnh nhạt, cộng thêm việc Bình vô tình đọc được tin nhắn hẹn hò của một người đàn ông với vợ khiến gia đình họ thường xảy ra mâu thuẫn. Chán nản, Bình bỏ nhà ra công trình xây dựng (nơi Bình phụ hồ) để ở, cách 2-3 ngày về thăm con một lần. Về sau, chị V. xua đuổi, không cho đến nữa. Đêm 14/6, Bình leo tường vào phòng chị V., chui vào mùng hôn con thì bị chị V. phát hiện đuổi ra. Tức giận lẫn ức chế, Bình lấy dao đâm chết vợ.

 

Cũng như hai phiên tòa trước, cấp phúc thẩm đã không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, tuyên phạt 20 năm tù giam.

 

Thực ra, những vụ án như thế không phải là phổ biến ở tòa án nhưng cũng không phải là quá hiếm hoi, nhất là thời gian gần đây. Điều đó phản ánh tình trạng suy đồi đạo đức mà báo chí nhiều lần lên tiếng. Đã có rất nhiều cách lý giải về hiện trạng này.

 

Đó có thể là do người thích dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn ngay từ khi còn nhỏ đã bị đối xử một cách bạo lực hoặc thường xuyên chứng kiến bạo lực. Cũng có thể xuất phát từ việc những người trong gia đình thiếu sự chia sẻ, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.

 

Hay đôi khi đời sống kinh tế khó khăn, bế tắc khiến người ta thiếu sáng suốt, kiềm chế... Cho dù là nguyên nhân nào, bị cáo và người thân vẫn luôn phải hai lần gánh chịu nỗi bất hạnh, mất mát. Nguyễn Huy Bình đã bật khóc nức nở khi nhắc đến cha mẹ già ở quê thường xuyên đau ốm, không biết có đợi nổi ngày con trở về; đứa con trai duy nhất mới 3 tuổi đã phải mồ côi mẹ, xa cha. Còn Vương Khánh Hải, sau khi cha mất, mẹ Hải cũng suy sụp theo. Vợ và hai con cũng rời bỏ Hải.

 

Theo Tố Trâm

 Người lao động