1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những bé gái bỏ học lấy chồng

(Dân trí) - Đang tuổi thiếu niên, thay vì đến trường, những em gái người dân tộc thiểu số lại về nhà chồng làm dâu. Những đứa trẻ lần lượt chào đời và những hệ lụy buồn bắt đầu từ đó.

Lấy chồng từ tuổi 15

 

Xã Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai, có gần 2.000 hộ dân sinh sống, trong đó có hơn 300 hộ thuộc người đồng bào Stiêng, Châu Ro và dân tộc Mạ. Người thiểu số nơi đây có cuộc sống khó khăn; mang nhiều tập quán lạc hậu. Một trong số đó là tình trạng tảo hôn.
 
Lấy chồng từ khi 15 tuổi, đến nay Điểu Thị Ngọc Diên đã có 2 người con
Lấy chồng từ khi 15 tuổi, đến nay Điểu Thị Ngọc Diên đã có 2 người con

 

Già làng K’Lư (91 tuổi) cho biết: “Trên này không giống như người miền xuôi, không quy định tuổi lấy vợ, lấy chồng. Khi đến tuổi dậy thì là trai gái có thể ở với nhau. Nếu thích nhau hoặc mang thai thì sẽ làm đám cưới”.

 

Cũng theo già K’Lư, đa phần trai gái người thiểu số ở xã Tà Lài đều bỏ học sớm và kết hôn trước 18 tuổi.

 

Một trong những cô dâu tuổi 15 là Điểu Thị Ngọc Diên, người Châu Ro. Diên cho biết, khi đang học cấp hai thì em đem lòng mến yêu một người trong xóm. “Thấy em thích anh ấy nên cha mẹ cũng ưng thuận và cho hai đứa chung sống như vợ chồng. Lúc đó em đang đi học. Ở với nhau được gần 5 tháng thì em thấy bụng mình to lên và sau đó không lâu thì em phải nghỉ học để cưới và sinh em bé” - Diên kể. Năm nay con gái lớn của Diên đã 4 tuổi, con trai thứ hai lên 2 tuổi mà Diên mới bắt đầu bước sang tuổi 19.

 

Không riêng gì Diên, nhiều cô gái người Stiêng, Mạ cũng phải bỏ học về nhà chồng làm dâu. Ka’Nga kể: “Cha mẹ bảo đi học nhiều chữ rồi cũng phải về làm nương, làm rẫy. Có người ưng thì bỏ học mà lấy chồng, lỡ sau này không ai yêu phải ở một mình”.
 
Lấy chồng từ khi 15 tuổi, đến nay Điểu Thị Ngọc Diên đã có 2 người con
Người Stiêng, Châu Ro, Mạ ở Tà Lài có phong tục trai gái đến tuổi dậy thì là có thể ở với nhau và lấy nhau, không quy định độ tuổi

 

Diên và Nga chỉ là 2 trong số hàng chục cô gái ở đây kết hôn trước tuổi. Theo như chị Ka’Rong - Hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 4, xã Tà Lài - đa số các cặp đôi đều kết hôn từ độ tuổi 15 - 17. Cả thôn may lắm chỉ được 1-2 cặp kết hôn đúng tuổi.

 

Những hệ lụy buồn

 

Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nương rẫy. Những cặp vợ chồng trẻ càng khó khăn trong việc kiếm miếng cơm, manh áo. “Bọn em cưới nhau được gần 4 năm nhưng đến nay vẫn phải sống nhờ vào cha mẹ. Từ ngày em lấy vợ, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn. Giờ hai đứa con của em đói quá nên bị bệnh, ốm nhom” - K’Nhau là chồng của Điểu Thị Ngọc Diên cho biết.

 

Kết hôn khi còn quá trẻ nên các cặp đôi chưa được trang bị kiến thức sinh sản lẫn sức khỏe gia đình. Những đứa trẻ ra đời liên tiếp và đau ốm triền miên, thậm chí chết vì bệnh tật. Ka’Mai, cha của 3 đứa trẻ, thật thà nói, do cưới vợ và sinh con từ ngày còn đi học nên chẳng biết nuôi con thế nào. Đứa con đầu lòng chào đời được gần 1 tuổi thì chết. Hai đứa sau không hiểu sao cứ ốm đau liên miên.

 

Năm 16 tuổi, Ka’Bé theo chồng về làm dâu. Ka’Bé tâm sự: “Lúc đầu cuộc sống cũng bình thường nhưng khi em sinh con thì chồng em bắt đầu lạnh nhạt. Anh ấy bảo không yêu em nữa rồi đuổi em ra khỏi nhà”. Khoảng 1 năm sau đó, Bé kết hôn với người khác và đến nay đã có 3 đứa con.
 
Cuộc sống của người dân nơi đây còn lưu giữ nhiều tập tục lạc hậu
Cuộc sống của người dân nơi đây còn lưu giữ nhiều tập tục lạc hậu

 

Bà Kiều Thị Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tà Lài, cho biết, tình trạng tảo hôn ở người đồng bào Stiêng, Châu Ro, Mạ là vấn đề nan giải. Để tránh tình trạng trên, các ban ngành địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc vận động và giáo dục giới tính, phổ biến luật hôn nhân đến với mọi người dân.

 

Còn theo ông Đặng Văn Cường, cán bộ Tư pháp xã Tà Lài, người Stiêng, Châu Ro, Mạ có phong tục đến tuổi dậy thì là trai gái có thể ở với nhau nên rất khó quản lý. Chỉ khi họ có con với nhau rồi lên chính quyền địa phương xin đăng ký kết hôn, xã mới có thể can thiệp, xử lý theo luật định. Những năm gần đây, vì sợ bị phạt nên nhiều cặp đôi tảo hôn đã tổ chức đám cưới “chui”, càng gây khó cho xã.

 

Minh Hậu