1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những bài thi ấn tượng tại Sáng kiến An toàn giao thông 2023

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Bài dự thi viết tay 24 trang, minh họa bằng tranh tự vẽ; nghiên cứu dài 100 trang; cô giáo tự sáng tác cẩm nang, viết nhạc, dựng video tuyên truyền an toàn giao thông gây chú ý tại cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông 2023.

Cuộc thi "Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023" do Báo Dân trí phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức.

Tại buổi chấm điểm vòng Sơ khảo vừa diễn ra ở Hà Nội, ban giám khảo tiết lộ, nhiều bài thi gây ấn tượng bởi ý tưởng rất độc đáo, lối trình bày sáng tạo và có sự đầu tư kỹ lưỡng như đề tài nghiên cứu khoa học.

Bài dự thi viết bằng tay 24 trang, minh họa bằng tranh tự vẽ sinh động

Bài dự thi của cô Trần Thị Vân Anh đến từ trường THCS Đức Giang, Long Biên, Hà Nội có 24 trang, được viết tay hoàn toàn, bằng những dòng chữ thẳng tắp, nét thanh nét đậm hài hòa, trình bày mạch lạc, sạch sẽ, như một bài thi văn hay chữ tốt.

Tác giả minh họa bằng những bức tranh tự vẽ, được tô màu sáp, sinh động và rất gần gũi.

Những bài thi ấn tượng tại Sáng kiến An toàn giao thông 2023 - 1

Hình ảnh minh họa sinh động trong bài dự thi của tác giả Trần Thị Vân Anh (Ảnh: BTC).

Cô Vân Anh cho biết, việc đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện an toàn giao thông ở nhiều phương diện, trong đó có giảng dạy cho học sinh tại nhà trường là cần thiết. Bởi học sinh là đối tượng dễ chịu tổn thương và thường bị động trong tai nạn giao thông.

Trong bài thi, cô Vân Anh gửi gắm nhiều ý tưởng, đã thực hiện tại nơi cô đang công tác như thi trang trí nón bảo hiểm giúp học sinh yêu thích và tự giác đội những chiếc mũ mà mình tự vẽ; dựng tình huống, tiểu phẩm mất an toàn giao để học sinh cảnh giác; sáng tác bài hát "Bài học tuổi trẻ" để thầy trò cùng hát và tuyên truyền an toàn giao thông; tổ chức thi sáng tạo mô hình, tranh cổ động an toàn giao thông…

Những bài thi ấn tượng tại Sáng kiến An toàn giao thông 2023 - 2

Bài hát tuyên truyền giao thông tự sáng tác của tác giả (Ảnh: BTC).

"Là một giảng viên, tôi thường khéo léo lồng ghép các hoạt động an toàn giao thông vào các tiết dạy. Tôi hy vọng điều này sẽ giúp các em không chỉ tự bảo vệ bản thân mà còn là một tuyên truyền viên nhí, nhắc nhở mọi người cùng nâng cao ý thức khi tham gia giao thông", cô Vân Anh chia sẻ.

Bài thi 83 trang của cô giáo tự sáng tác cẩm nang, dựng video tuyên truyền an toàn giao thông

Xuất phát từ mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới và phương pháp dạy học tích hợp có thể đưa nội dung tuyên truyền vào trường học và lan tỏa từ môi trường giáo dục ra đời sống, tác giả - Thạc sĩ Trần Thị Thìn, Tổ phó chuyên môn tổ Ngữ văn, Trường THPT Nam Trực, tỉnh Nam Định đã mang đến cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông 2023 nhiều phương pháp đa dạng hóa, sinh động hóa các hình thức tuyên truyền trong nhà trường, cộng đồng.

Trong bài dự thi dài 83 trang của mình, tác giả đã tổng kết, nghiên cứu về tình hình giao thông năm 2022 và 6 tháng năm 2023 của Ban An toàn giao thông huyện Nam Trực, đưa ra các phương án tuyên truyền đã được thực hiện bằng phiếu khảo sát đến nhiều người dân địa phương, phụ huynh và học sinh.

Những bài thi ấn tượng tại Sáng kiến An toàn giao thông 2023 - 3

Nhiều biểu đồ, hình ảnh diễn giải chi tiết trong bài dự thi của tác giả Trần Thị Thìn (Ảnh: BTC).

Bên cạnh đó, tác giả còn giới thiệu cuốn cẩm nang với tiêu đề: "Nói không với các sản phẩm có nồng độ cồn khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ"; đi kèm video minh họa trên Youtube.

Tại đơn vị công tác của mình, tác giả đưa ra nhiều hình thức tuyên truyền hiểu biết về vấn nạn giao thông từ nồng độ cồn tới học sinh bằng phương pháp dạy học tích hợp, tổ chức các cuộc thi nhỏ trong các giờ sinh hoạt lớp.

Cô vận dụng sáng tạo phương pháp "Think, Pair, Share" (suy nghĩ, ghép cặp và chia sẻ) để tích hợp dạy học nội dung về an toàn giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn ở các giờ sinh hoạt hoặc tích hợp trực tiếp vào môn "Hoạt động ngoài giờ lên lớp" với chủ đề theo chương trình phổ thông mới "Tham gia xây dựng cộng đồng".

"Đây là cơ sở để giáo viên ngoài việc thực hiện mục tiêu môn học, có thể tích hợp kỹ năng để các em ứng phó và góp sức đẩy lùi vấn nạn giao thông nói chung và vấn nạn từ sản phẩm có nồng độ cồn như rượu bia nói riêng", tác giả - Thạc sĩ Trần Thị Thìn nhấn mạnh.

Ngoài ra, tác giả cũng đề xuất đưa nội dung hiểu biết về xử phạt vi phạm nồng độ cồn thành yêu cầu bắt buộc không chỉ trong các cuộc thi bằng lái mà còn là yêu cầu bắt buộc với chính những người đang kinh doanh trực tiếp những sản phẩm có nồng độ cồn như rượu, bia... Tác giả đề xuất đưa tiêu chí có vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông vào các tiêu chí thi đua, khen thưởng tại các đơn vị, các công sở...

Bài thi là đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu, dài tới cả trăm trang

Với bài thi "Nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa giải tỏa ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội của lực lượng Cảnh sát giao thông", tác giả đã dày công tổng hợp, thống kê số liệu, đánh giá tình hình thông qua báo cáo tổng kết công tác các năm, hệ thống báo cáo chuyên đề về hoạt động phòng ngừa, giải tỏa ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).

Những bài thi ấn tượng tại Sáng kiến An toàn giao thông 2023 - 4

Bài dự thi dài hơn 100 trang được trình bày chỉn chu về hình thức và nội dung (Ảnh: BTC).

Tác giả so sánh, đánh giá, phân tích số liệu thu thập từ các năm (năm 2018 đến năm 2022) phục vụ cho việc phân tích, đánh giá thực trạng tình hình có liên quan và hoạt động phòng ngừa, giải tỏa ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội của lực lượng CSGT.

Bài thi lên tới hơn 100 trang, ngoài việc nghiên cứu, tìm hiểu các công trình khoa học, văn bản tài liệu có liên quan thuộc ngành công an, tác giả còn tập trung nghiên cứu các văn bản, tài liệu khác như: Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật giao thông đường bộ năm 2008; một số Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải và các văn bản về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSGT để hoàn thành các yêu cầu, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu mà đề tài đã đặt ra.

Tác giả cũng khảo sát thực tiễn, nghiên cứu thực địa tại các nút giao thông, điểm giao thông thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội.

Ngoài ra, để hoàn thiện đề tài, tác giả còn sử dụng phương pháp chuyên gia, tập trung, xin ý kiến thầy hướng dẫn, các thầy cô giáo, các nhà khoa học và cán bộ thực tiễn có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về hoạt động phòng ngừa, giải tỏa ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội của lực lượng CSGT.

Tác giả kỳ vọng, đề tài nghiên cứu sẽ là một tài liệu tham khảo tốt cho việc học tập và nghiên cứu phần nghiệp vụ CSGT trong các trường Cảnh sát nhân dân; giúp các cơ quan chức năng của Hà Nội có thể nghiên cứu, tham khảo, áp dụng vào thực tiễn phòng ngừa, giải tỏa ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Hiện cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông 2023 đã bước vào vòng Chung khảo bình chọn trực tuyến. Độc giả có thể bình chọn cho 16 ý tưởng xuất sắc nhất tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2023 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện. Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.

Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình cũng như thể lệ tham gia cuộc thi, độc giả có thể truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn.

Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI.