1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Nhớ một thời Tết của “thế hệ mũ rơm”

(Dân trí) - Người viết bài này thuộc thế hệ đội mũ rơm, không muốn làm một phép so sánh bằng những con số về đời sống vật chất hay tinh thần sau mấy chục năm và nhất là từ thời chiến tranh sang thời hòa bình, xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế…

Chỉ muốn nhắc lại kỷ niệm để những người cùng thế hệ nhâm nhi bên li rượu ngày xuân; để thế hệ 8X, 9X hiểu thêm về những gì gian khổ hy sinh, thiếu thốn của cha, chú; cũng để chính thế hệ @ hiểu một điều, hiện tại lứa tuổi họ và lứa tuổi của đầu thế kỷ 21 này vẫn còn có những người không có được cái Tết vì nhiều lý do.

 

Vâng - thế hệ “Đội mũ rơm đi học đường dài” được sinh ra vào những năm trước và sau ngày giải phóng miền Bắc (1954). Đến khi được cắp sách đến trường cấp 2, cấp 3 (tương đương trung học cơ sở, trung học phổ thông hiện nay) là thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, học sinh phải đội mũ rơm đi học để đề phòng mảnh bom đạn của Mỹ như hiện nay dùng mũ bảo hiểm khi đi xe máy đề phòng tai nạn giao thông.

 

Khi ấy, vào tháng giáp Tết, những người làm bố làm mẹ lo làm sao cho gia đình có được một ít gạo không phải độn ngô khoai để ăn mấy ngày Tết; thực phẩm thì đợi sự phân phối của hợp tác xã, bánh chưng, giò chả thì chắc chỉ một số nhà khá giả mới sắm được.

 

Lũ trẻ con thì thích nhất được bố mẹ sắm cho bộ quần áo mới. Lúc đó, vải được phân phối qua việc làm nghĩa vụ bán thóc, lợn, gà, sản phẩm nông nghiệp cho Nhà nước được đổi lại bằng tem, phiếu theo số lượng nhiều hay ít. Những mét vải gụ, màu cỏ úa và đẹp nhất là màu xanh sĩ lâm, cốt sao đủ bộ quần áo dài, đứa nào được may theo kiểu quần Tây, áo sơ mi là oách nhất.

 

Ba ngày Tết được diện bộ quần áo mới tung tăng cùng gia đình đi chúc Tết là quá sướng rồi. Những người lớn và lũ học sinh chúng tôi thích được đến gia đình có đài để được nghe thơ Bác Hồ chúc Tết đêm giao thừa.

 

Lớn lên tuổi 17, 18, tuổi rất ít người được tiếp tục học hết cấp 3, cánh nam giới vào bộ đội, nữ vào thanh niên xung phong hoặc ở lại quê “ba đảm đang” làm nghĩa vụ hậu phương cho tiền tuyến. Sau ngày chiến thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước, những người may mắn trở về trở lại với học đường, với công trường, nhà máy hoặc trở thành những sĩ quan trong lực lượng vũ trang, tiếp tục sự nghiệp học tập, công tác mới nhưng vẫn gồng mình để chịu đựng những khó khăn gian khổ về kinh tế trong thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và bước đầu của thời kỳ đổi mới.

 

Những ngày Tết đến, xuân về vẫn phải lo lắng tiết kiệm, xem ô phiếu nào mua được loại hàng, thực phẩm gì và xếp hàng để mua một chút thực phẩm, những mặt hàng phân phối đó vui xuân đón Tết. Những đứa con thuộc thế hệ 8X của những người công tác nơi thành phố cũng được cải thiện đời sống đôi chút, nhưng cũng biết được một chút cái khó khăn, gian khổ của bao cấp và bước đầu đổi mới ấy.

 

Có lẽ vui nhất là vào nhũng năm cuối của thế kỷ 20 và tiếp nối những năm đầu thế kỷ 21 này, thế hệ 8X, 9X, thế hệ @, những người con trai, con gái của thế hệ “Đội mũ rơm đi học đường dài”, đặc biệt là những người sống ở đô thị, ở vùng nông thôn có nền kinh tế phát triển được học hành đến nơi đến chốn, vào các trường đại học, cao đẳng... cuộc sống cứ ngày thay đổi tốt hơn.

 

Chúng tôi, những người thuộc thế hệ “Đội mũ rơm đi học đường dài” nay cũng đã nhiều người thành đạt, giữ những trọng trách của địa phương, của ban này, ngành khác, kể cả của cấp Trung ương, trở thành giám đốc các doanh nghiệp... đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

 

Với trách nhiệm của mình, năm hết, Tết về là lo lắng cho cơ quan, đơn vị tăng mức thu nhập cho cán bộ, nhân viên cao hơn năm trước, lo cho gia đình đầy đủ hơn và không quên trở về với gia tộc, họ hàng, quê hương bản quán. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tự nguyện trích quỹ ủng hộ nhân dân vùng bị thiên tai, lũ lụt, người nghèo khuyết tật, trẻ em không nơi nương tựa... những món quà từ thiện để mọi người cùng có Tết.

 

Nhiều thanh niên, sinh viên thế hệ 8X, 9X cố gắng học tập, tham gia làm việc tốt hơn để có một phần thu nhập gửi về gia đình vui xuân đón Tết, hoặc tình nguyện tham gia công tác xã hội góp phần cho một mùa xuân, cho một cái Tết được lành mạnh.

 

Nhưng bên cạnh đó, theo TTXVN, cũng có sự đáng buồn, ấy là một bộ phận thế hệ @ không nghĩ tới quá khứ khó khăn của ông cha, chỉ muốn được hưởng thụ nhiều hơn. Họ đòi hỏi cha mẹ sắm sửa những con xe đắt tiền, những bộ trang phục theo mốt và lao vào những cuộc vui chơi đua đòi vô bổ gây ra những tệ nạn cho xã hội, như việc tụ tập đua xe trái phép, vào các động lắc đập phá gây mất trật tự nơi công cộng... gây nên những bức xúc cho gia đình và xã hội.

 

Vâng, quy luật vận hành của thời gian và cuộc sống, sự vận hành ấy theo một vòng tròn xoáy trôn ốc để người ta tính năm, tính tuổi, tính đến sự phát triển cao hơn của mỗi con người nói riêng và cả xã hội nói chung. Nhưng vòng tròn ấy không thể đứt đoạn. Nếu không có sự hy sinh gian khó của cha ông, của các thế hệ đi trước (tạm lấy thời gian của nửa cuối thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21) thì thế hệ @ ngày nay làm sao có được cuộc sống ngày nào cũng là Tết.

 

Hy vọng rằng mỗi một năm trôi qua, cuộc sống xã hội Việt Nam ta mọi người đều có sự phát triển cao hơn, sung túc, thịnh vượng hơn, thế hệ trước lắng nghe ước mơ, nguyện vọng của thế hệ sau, nhưng thế hệ sau cũng phải để tâm thấu hiểu một phần những khó khăn của quá khứ, của ngay những người thân là ông, cha, chú, bác để phấn đấu cho cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

 

Duy Tường