1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn:

Nhớ lại ca mổ độc nhất vô nhị

(Dân trí) - Thầy thuốc ưu tú Lê Văn Thạnh nhớ lại ca mổ độc nhất vô nhị và vô cùng nguy hiểm: phẫu thuật lấy quả bom bi ổi chưa nổ ra khỏi cơ thể một người dân. Chỉ một sai sót nhỏ, tính mạng của tất cả những người trong phòng mổ có thể hy sinh.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, các y, bác sỹ trên tuyến đường Trường Sơn có vai trò "tái tạo sức mạnh" cho quân và dân ta trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Có những người thầy thuốc dám đánh cược cả tính mệnh của mình để phẫu thuật chữa trị cho bệnh nhân. Bác sỹ Lê Văn Thạnh, quê ở thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là một người như vậy.

 

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn, chúng tôi có cuộc gặp lại bác sỹ Lê Văn Thạnh, người Thầy thuốc ưu tú từng đảm nhận một ca mổ độc nhất vô nhị và vô cùng nguy hiểm. Đó là ca phẫu thuật lấy quả bom bi ổi chưa nổ ra khỏi kheo sau khớp chân cho một người dân. Chỉ cần một sai sót nhỏ tính mạng của tất cả những người trong phòng mổ có thể hy sinh.

 

Bác sĩ Thạnh nhớ lại: Trong những ngày tháng làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn, có một ca mổ bác không thể nào quên, đó là ca mổ lấy quả bom bi ổi chưa nổ ra khỏi sau khớp chân của bệnh nhân. Lúc đó vào năm 1972, máy bay Mỹ đánh phá khu dân cư thôn Cổ Hiền (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh) làm hàng chục người dân thường bị chết và bị thương. Trong đó anh Lê Văn Bình bị vết thương rất đặc biệt.

 

Kiểm tra vết thương, bác sĩ Thạnh nhận định nạn nhân bị một mảnh bom xuyên từ lằn mông chạy dọc theo xương đùi phải xuống đến hỏm kheo (phía sau đầu gối). Mảnh vải quần cũng bị kéo sâu vào phần thịt. Lúc đó, bác Thạnh dùng tay kéo mảnh vải ra nhưng do nằm sâu trong thịt nên không kéo ra được. Bác sĩ Thạnh cho biết: rất may đã không cố sức kéo mảnh vải ra, nếu không quả bom bi thay đổi vị trí sẽ phát nổ, tính mạng của bệnh nhân và những người xung quanh lúc đó khó được đảm bảo.

 

Khi dùng panh để gắp mảnh kim loại ra nhưng không được, với kinh nghiệm của người thầy thuốc từng ở vùng trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ, bác sĩ nhận ra trong hỏm kheo của bệnh nhân không phải là mảnh bom mà là cả một quả bom bi ổi chưa phát nổ. Ngay lập tức, tất cả bệnh nhân ở bệnh viện được sơ tán đến nơi an toàn, tránh bom bi nổ. Tình thế lúc đó rất cấp bách, nếu không cứu chữa kịp thời, sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Chuyển lên tuyến trên thì chậm và nguy hiểm do máy bay Mỹ liên tục đánh phá. Không đành lòng nhìn bệnh nhân trong cơn đau đớn, bác đã dũng cảm nhận mổ cho bệnh nhân.

 

Bác sĩ Thạnh đề nghị đưa một công binh ở binh trạm 16 gần đấy trợ giúp hướng dẫn cách xử lý bom bi. Khi bệnh nhân được đưa vào phòng mổ, để giảm tối đa thương vong có thể xẩy ra, kip mổ chỉ có duy nhất một mình bác Thạnh là bác sỹ và người chiến sỹ công binh hướng dẫn xử lý bom (bình thường một kíp mổ có 3-4 người).

 

Bác Thạnh phải đảm nhận tất cả mọi việc từ gây mê, xử lý vết thương đến mổ. Người chiến sỹ công binh đứng sau hướng dẫn cách xử lý để không làm bom phát nổ. Sau 45 phút căng thẳng, nhưng bình tĩnh, bác đã phẫu thuật mở rộng vết thương, cầm máu, lấy được quả bom bi theo tư thế ổn định dưới sự chỉ dẫn của người chiến sỹ công binh. Quả bom bi được đặt vào hộp đựng cát, được người chiến sỹ công binh đưa ra khỏi hầm an toàn, bác tiếp tục xử lý, khâu phục hồi vết thương cho bệnh nhân.

 

Bác Thạnh cho biết, khi lấy quả bom bi, chỉ cần một sơ suất nhỏ để sai lệch vị trí quả bom so với vị trí bán đầu sẽ làm lệch kim châm hoả và bom bị kích nổ. Khi đó cả hai người trong phòng mổ đều căng thẳng, người đầm đìa mồ hôi. Những ca mổ để gắp mảnh bom, đạn thì bác xử lý dễ dàng nhưng để lấy cả một quả bom chưa nổ trong người bệnh nhân thì bác chưa từng đối mặt. Người chiến sỹ công binh thì chỉ phá, gỡ bom mìn trên mặt đất chứ chưa bao giờ hướng dẫn gỡ bom bi trên cơ thể người. Sau 45 ngày, vết thương của bệnh nhân đã bình phục, và hiện nay anh Lê Văn Bình đã là kỹ sư lâm nghiệp công tác tại tỉnh Lâm Đồng.

 

Bác sỹ Thạnh cho biết thêm Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, bến phà Long Đại là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của giặc Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn. Để cứu chữa kịp thời cho thương bệnh, binh, bệnh viện huyện Quảng Ninh, nơi bác sỹ Thạnh làm việc được đặt sát đường Trường Sơn, cách bến phà Long Đại hơn 1 km theo đường chim bay. Bệnh viện đã nhiều lần bị giặc Mỹ ném bom oanh tạc và đã 3 lần các y, bác sỹ phải đưa bệnh nhân sơ tán. Nhiều y, bác sỹ đã phải hy sinh khi đang làm nhiệm vụ do bị trúng bom của giặc Mỹ.

 

Nhiều lần bom Mỹ đã làm hàng chục chiến sĩ bảo vệ phà Long Đại và các khu vực trên đường Trường Sơn hy sinh và bị thương. Bác sĩ Thạnh cùng các y, bác sỹ của bệnh viện đi xe đạp đến trận địa cấp cứu cho bệnh nhân, phân loại bệnh nhân, những trường hợp bị nặng sẽ đưa vào bệnh viện chữa trị... Nhiều khi giường bệnh hết, phải để bệnh nhân nằm trên cáng trong khuôn viên bệnh viện và phải sử dụng cây chuối làm cột truyền dịch. Nhưng các bác sỹ ở đây vẫn sáng tạo, khắc phục vượt khó hết lòng cứu chữa cho bệnh nhân.

 

Trong suốt quá trình làm nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn từ năm 1968 - 1975 bác sĩ Thạnh đã phẫu thuật hàng nghìn ca bị thương nặng, có những thời điểm suốt từ 4 giờ chiều đến 9 giờ sáng hôm sau bác sĩ Thạnh đã phẫu thuật 7 ca liên tục cho các bệnh nhân (bình quân 2 tiếng phẫu thuật một ca), không có thời gian ăn tối, bác chỉ kịp uống một cốc sữa để tiếp tục làm việc...

 

Ngày hoà bình lập lại, bác sĩ Thạnh vẫn tiếp tục theo đuổi nghề y và được người dân gọi với cái tên trìu mến “Người thầy thuốc của bệnh nhân nghèo”. Bác có nhiều bài thuốc nam được ứng dụng rộng rãi, rẻ tiền mà hiệu quả chữa bệnh cao như dùng củ nghệ và lá trầu không chữa các vết bỏng, điều trị rắn lục cắn bằng lá cây chuồng chuộng...

 

Với những cống hiến đó, bác sĩ Thạnh đã được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Từ ngày được nghỉ hưu, bác sĩ Thạch mở phòng mạch nhỏ, khám và tư vấn miễn phí cho bệnh nhân tại ngõ 19, đường Mẹ Suốt, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

 

Trịnh Duy Hưng

 TTXVN