1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Nhân dân giám sát dự án: Cách nào cho hay?

Nhân dân là một khái niệm quá rộng. Người ta sẽ hỏi, nhân dân cụ thể là ai? Tại sao không phát huy để HĐND thực hiện đúng chức năng, giám sát không chỉ bộ máy hành chính, hành pháp mà ngay cả những sự việc xảy ra ở địa phương - bao gồm cả các dự án?

Đó là đề xuất của nhà sử học Dương Trung Quốc trước Quyết định số 80/QĐ-TTg về Quy chế Giám sát đầu tư của cộng đồng. 

 

Việc ban hành Quy chế Giám sát đầu tư cộng đồng, theo tôi là một hành động cụ thể, một bước tiến trong quá trình để nhân dân tham gia giám sát những công trình, những dự án mà hiện tượng thất thoát đang là vấn đề lớn hiện nay. Nhiều sự kiện cụ thể cũng cho thấy vai trò quan trọng trong giám sát của nhân dân trong việc thu thập tin tức về các vụ việc, báo cáo với các cơ quan thanh tra hay trên các phương tiện truyền thông.

 

Tôi rất chú ý đến ý kiến của ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN Phạm Thế Duyệt trong bài phỏng vấn trên Tuổi trẻ về việc triển khai quy chế, trong đó có nhấn mạnh nhiều đến sự tăng cường điều kiện hoạt động cho các tổ chức thành viên và các tổ chức Mặt trận ở các cơ sở.

 

Riêng tôi vẫn chú trọng hơn đến việc tìm ra phương thức có hiệu quả cho quy chế này để không rơi vào vòng luẩn quẩn của bộ máy quan liêu.

 

Nhân dân là một khái niệm quá rộng. Người ta sẽ hỏi, nhân dân cụ thể là ai? Còn MTTQ là một tổ chức chính trị mang tính xã hội cao, nhưng lại mang rất nhiều chức năng khác nhau. Trong khi đó, chúng ta đã có bộ máy dân cử, được sự tín nhiệm của dân (qua các lá phiếu bầu) là HĐND. Tại sao không phát huy để HĐND thực hiện đúng chức năng, giám sát không chỉ bộ máy hành chính, hành pháp mà ngay cả những sự việc xảy ra ở địa phương - bao gồm cả các dự án.

 

Còn MTTQ sẽ tham gia hỗ trợ, vừa phát huy vừa bổ sung vào vai trò của HĐND. Giám sát dự án sẽ đụng đến các vấn đề kỹ thuật hay kinh tế, đòi hỏi kiến thức, tri thức chứ không chỉ là trực quan. Khi đó, MTTQ với tư cách là cơ quan đứng đầu nhiều tổ chức quần chúng khác nhau, trong đó có cả những tổ chức mang tính chất nghề nghiệp, sẽ cử những thành viên có sự am hiểu nhất định, có trình độ chuyên môn tham gia cùng HĐND trong việc giám sát.

 

Nghĩa là, chúng ta phải tìm ra các phương thức, phải phát huy những tổ chức đã có, bổ sung thêm của những lực lượng mới mang tính rộng khắp hơn, nghề nghiệp hơn.

 

Bên cạnh đó, phải xác định rõ hơn vai trò "giám sát", tránh những tác động không tích cực vào quá trình vận hành của các dự án. Giám sát nên theo cách thu thập tin tức trong dân, kiến nghị với các cơ quan chức năng. Đừng để tình trạng các chủ đầu tư phải "mệt" khi trình ra những tài liệu kỹ thuật theo yêu cầu của người giám sát, trong khi người giám sát không đủ trình độ nhất định thì sẽ gây phiền nhiễu. Tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm cộng đồng, trong đó gồm cả đối tác "được giám sát".

 

Có lẽ, sau một văn bản quy định quan trọng của Chính phủ, sẽ có hàng loạt vấn đề cần được triển khai, rút kinh nghiệm mới có thể hình thành quy chế mang tính hiệu quả mà chúng ta mong muốn.

 

Dương Trung Quốc

Vietnamnet