1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM vào mùa mưa
  4. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV

Nhà có 7 người câm điếc

(Dân trí) - Một căn nhà không dột nát, một bộ sách cũ, một chiếc bàn nho nhỏ để đám trẻ không phải gò lưng học dưới nền đất… Đó là ước mơ giản dị nhưng khó với tới của gia đình bà Tư, một gia đình có tới 7 người câm điếc.

Mẹ già và 7 con câm điếc

 

Con lộ dẫn tới nhà bà Tư Bướm (Nguyễn Thị Bướm) ở ấp Tân Long, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cứ như con đường cuộc đời bà vậy. Có những đoạn được đổ bê tông, mặt đường láng cứng; cũng không ít đoạn đất đá lổn nhổn, gập ghềnh; lại có đoạn chỉ là cây cầu ngắn ngủn mà cao ngất ngưởng…

 

Tuổi trẻ của ông bà trải qua trong chiến tranh loạn lạc. Đến khi đất nước gần thống nhất, ông bà về định cư ở ấp Tân Long này. Hạnh phúc trào dâng khi tám đứa con lần lượt ra đời, năm trai, ba gái. Niềm vui chưa trọn, ông bà quặn lòng phát hiện căn bệnh của các con.

 

Năm 1968, người con gái đầu lòng, Trần Thị Bé Hai, ra đời. Được hai tuổi, Bé Hai vẫn không nói được, nghe được. Năm 1971, khi Trần Thị Bé Ba ra đời, Bé Hai vẫn không nói không nghe. Rồi Bé Ba cũng “theo gương” chị. Người con trai thứ ba ra đời, may mắn thay không mắc phải căn bệnh của hai chị gái. Nhưng nỗi đau lặp lại ở người con thứ tư Trần Văn Tàu.

 

Lúc này, ông bà bắt đầu nghĩ đến hậu quả chiến tranh; đành chấp nhận và chịu đựng. Bốn người con tiếp theo, ba trai, một gái lần lượt ra đời; trong số này có người con thứ bảy Trần Văn Tháo cũng mang nỗi bất hạnh giống anh chị mình.

 

Trời thương ông bà nên tuy nhà nghèo, các con bệnh tật nhưng cả 8 đứa, đứa nào cũng hay ăn chóng lớn. Khi đứa con út được một tuổi, một cơn bạo bệnh đã cướp đi mạng sống của ông Tư, bỏ lại mình bà Tư với đứa con lớn mới ngoài hai mươi tuổi, đứa nhỏ còn đang ẵm trên tay.

 

Một mình bà quần quật nuôi con. Các con bà tuy tật nguyền nhưng ngoan ngoãn chăm chỉ. Lớn lên có sức khỏe là thay nhau đi làm thêm phụ giúp mẹ. Rồi qua mối mai, bà cũng lần lượt dựng vợ, gả chồng cho ba trong bốn người con tật nguyền. Buồn một nỗi, cả ba người con dâu, rể cũng câm điếc.

 

Nhà có mười công đất, bà cắt ra cho mỗi đứa hai công, cất cho mỗi đứa một căn nhà lá dăm chục mét vuông ra riêng. Chỉ còn lại người con gái thứ ba là không chịu lấy chồng, ở chung nhà với bà.

 

Nhà có 7 người câm điếc - 1

Ước một căn nhà không dột nát và ngập nước.

 

Đến bây giờ, bốn người con lành lặn, đứa đi làm ăn xa, đứa đi học lâu lâu mới về thăm bà một lần. Bên bà thường xuyên là bảy người con cả dâu, rể không nói, không nghe được. Cuộc sống gia đình êm ấm, nhưng bệnh tật và điều kiện gia đình chẳng cho phép các con bà làm giàu. Kinh tế cứ mãi kiệt quệ đi, đời sống mỗi ngày mỗi khó nhọc.

 

Những ước mơ không nói nên lời

 

Cơn mưa chiều nặng hạt đã có phần ngớt, mấy người con câm điếc thấy bà ngoắt tay, vội đội mưa đến bên bà. Ngồi quây quần trong căn nhà ọp ẹp, mấy người con thi nhau huơ chân múa tay, đầu khi gật khi lắc, miệng ú ớ… Các con “nói” gì, bà Tư đều hiểu.

 

Người con rể đầu và người con trai thứ bảy “khoe” rằng mưa xuống, nhà dột nhiều quá, không nơi nào không ướt, nền nhà nước ngập lênh láng. Bà Tư bảo các con bà đang mơ một ngôi nhà không dột nát để che mưa che nắng. Hai vợ chồng người con trai thứ năm ra dấu bảo hai đưa con gái lấy giấy khen ra khoe với nhà báo. Bà Tư kể, hai cháu gái của bà đều lành lặn, học giỏi, nhưng nhà nghèo lắm, chỉ lo không có tiền mua sách vở cho năm học mới. Năm nay cháu Thảo Quyên lên lớp 4, Thúy Quyên vào lớp 6.

 

Ba căn nhà lá của đại gia đình bà Tư nằm sát nhau tạm bợ, sơ sài. Căn nào cũng ọp ẹp, trong nhà chỉ có mỗi chiếc giường và ít xoong nồi. “Sáng” nhất là mấy bức ảnh cưới, cô dâu chú rể hạnh phúc, hậu cảnh là hình nhà lầu, xe hơi sang trọng. Chỉ vào tấm ảnh, bà Tư và mấy người con cùng cười, ra dấu rằng chỉ mơ một ngôi nhà không dột nát và ngập nước thôi.

 

Bà Tư còn có một ước mơ khác, rằng giá có điều kiện, bà muốn đến một nơi nào có khả năng kiểm tra xem có phải các con bà nhiễm chất độc màu da cam hay không. Chúng cần được giúp đỡ.

 

Bài và ảnh: Phạm Khương