1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Nhà cho công nhân, chưa xây đã sợ… ế

Trong khi TPHCM thực hiện nhiều chính sách, kêu gọi đầu tư xây nhà lưu trú cho công nhân thì thực tế lại xảy ra tình trạng nhà xây xong lại… ế.

Báo cáo với ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM vào chiều qua (21/5), ông Nguyễn Tiến Trung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khu công nghiệp Vĩnh Lộc cho biết, khu công nghiệp đã sẵn sàng khởi công xây dựng dự án nhà lưu trú cho công nhân tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc (tại phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TPHCM).

 

Nhà cho công nhân, chưa xây đã sợ… ế - 1

Tại mỗi phòng đều có khu vực nhà bếp, nhà vệ sinh... cũng như một không gian chung khá thoải mái.

 

3.500 chỗ ở tiện nghi cho công nhân

 

Theo ông Trung, dự án xây dựng nhà lưu trú cho công nhân tại khu công nghiệp được xây dựng với diện tích gần 12.400m2, đủ đáp ứng phục vụ nhu cầu lưu trú cho 3.500 công nhân.

 

Dự án gồm ba block chung cư cao 9 tầng, trong đó một block thiết kế theo mô hình căn hộ công nhân (4 - 6 người/căn hộ), dành cho nhóm cán bộ - nhân viên văn phòng chưa lập gia đình hoặc hộ gia đình trẻ chưa có con, có đủ chi tiêu, có nhu cầu về điều kiện ở tiện nghi, cao cấp. Hai block còn lại được thiết kế theo quy hoạch căn hộ công nhân (8 người/căn hộ), dành cho công nhân độc thân, chưa lập gia đình, có mức thu nhập trung bình và điều kiện ở đơn giản, tiết kiệm hơn. Đặc biệt, chung cư được thiết kế có hai khu tiếp khách và nhà nghỉ, có thể ở qua đêm dành cho người thân ở quê đến thăm.

 

“Chúng tôi chưa triển khai dự án, nhưng đã có 15 doanh nghiệp đăng ký trước với hơn 1.550 chỗ”, ông Trung nói.

 

Theo các đại biểu dù năng lực của dự án chỉ đáp ứng đươc một phần so với tổng nhu cầu của công nhân trong khu công nghiệp (dao động từ 12.000 - 18.000 người), nhưng nếu dự án được khai thác hết công suất, đến tay đúng đối tượng sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Vì hiện nay, toàn thành phố, trong tổng số 14 khu chế xuất, khu công nghiệp, có khoảng 220.000 công nhân, nhưng hiện Nhà nước chỉ giải quyết được khoảng 6% nhu cầu.

 

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố nhận xét số nhà lưu trú đáp ứng cho nhu cầu của công nhân còn quá ít ỏi. Hiện hàng trăm ngàn công nhân đang thuê nhà trọ tại những khu vực ẩm thấp, điều kiện sống không đảm bảo.

 

 

Chỉ 20.000đ/tháng nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi

 

Khu nhà lưu trú của công ty Nissei (Nhật Bản) đóng tại khu chế xuất Linh Trung đã đầu tư xây nhà lưu trú cho công nhân gồm hai block nhà năm tầng, mỗi phòng cho sáu người ở với sáu chiếc giường. Tại mỗi tầng có một khu vệ sinh tập trung với nhiều phòng tắm, máy sấy, máy giặt đời mới, máy nước nóng lạnh… phục vụ công nhân. Ngoài ra còn có khu nhà chung gồm căngtin, phòng sinh hoạt tập thể có tivi màn ảnh rộng. Công nhân ở đây mỗi tháng chỉ trả trọn gói chỉ… 20.000đ/tháng. Một đại biểu tham dự buổi giám sát nêu ra ví dụ trên là một mô hình mẫu, cần nghiên cứu triển khai rộng ở TPHCM.

Nhưng lại sợ ế

 

Tổng vốn đầu tư của dự án này là trên 166 tỉ đồng. Chủ đầu tư cho biết dự án sẽ thu hồi vốn trong vòng gần 21 năm, với điều kiện, giá cho thuê dao động 250.000 - 500.000đ/người/tháng (đã bao gồm tất cả các chi phí quản lý, dịch vụ, gởi xe…).

 

“Chúng tôi là doanh nghiệp, ngoài nhiệm vụ chung tay thực hiện nghĩa vụ xã hội thì cũng rất quan tâm đến hiệu quả đầu tư. Tuy vậy, mức giá cho thuê vừa nêu cũng tương đối cạnh tranh so với mặt bằng giá thuê nhà ở tại khu vực, rất phù hợp với người lao động thu nhập thấp có việc làm ổn định”, ông Trung khẳng định.

 

Tuy nhiên, đại diện Liên đoàn lao động TPHCM cho biết, nghịch lý là nhu cầu về nhà ở của công nhân tại TPHCM rất lớn nhưng hiện, nhiều nơi, nhà lưu trú cho công nhân đã không được khai thác hết công suất. Các công nhân từ chối ở nhà lưu trú với môi trường sinh sống tốt hơn, giá thuê rẻ hơn. Trong khi đó, mức giá cho thuê ở dự án này quá cao so với bối cảnh kinh tế hiện nay, nhiều công nhân chỉ có thu nhập dưới 1,5 triệu đồng/tháng, thì mức giá cho thuê ở khu nhà lưu trú của khu công nghiệp Vĩnh Lộc là quá cao. Ngay cả nhà lưu trú ở khu công nghiệp Tân Bình, nhiều công nhân được doanh nghiệp hỗ trợ tiền thuê và mỗi tháng chỉ trả khoảng 150.000đ/người nhưng nhà lưu trú vẫn… ế.

 

Đại diện công ty xuất nhập khẩu và đầu tư Chợ Lớn (công ty mẹ của khu công nghiệp Vĩnh Lộc) cũng thừa nhận, giá cho thuê ở mức từ 250.000 - 500.000đ/người/tháng là cao so với thu nhập của công nhân. Chính điều này gây ra lo lắng về hiệu quả đầu tư của dự án, nhưng không xây nhà lưu trú thì không thể giải quyết được nhu cầu về chỗ ở cho công nhân.

 

Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, Nhà nước sẽ không đủ sức giải quyết được nhu cầu về chỗ ở cho công nhân nên rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp, theo chủ trương xã hội hoá. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án phải khảo sát nhu cầu, xem xét khả năng của công nhân, thực hiện dự án là để tạo điều kiện cho công nhân có môi trường sinh sống tốt hơn cả về vật chất lẫn tinh thần chứ không phải… bố thí, với những nội quy khắt khe.

 

Ông Hoàng cho biết, sắp tới, Ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố sẽ làm việc với ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố trên cơ sở tập hợp những vướng mắc trong việc triển khai dự án xây nhà lưu trú cho công nhân, nhằm tháo gỡ các vướng mắc, nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tạo ra những chỗ ở thoải mái với giá cả hợp lý cho công nhân.

 

Theo Kiều Phong - Hà Dịu

Sài Gòn tiếp thị