DNews

Nhà báo cần được ghi âm, ghi hình xuyên suốt phiên tòa công khai

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Nhiều nhà báo, luật sư và nguyên kiểm sát viên cho rằng việc ghi âm, ghi hình của nhà báo tại phiên tòa công khai là rất quan trọng, việc này cần được thực hiện xuyên suốt.

Nhà báo cần được ghi âm, ghi hình xuyên suốt phiên tòa công khai

Liên quan đến khoản 3 Điều 141 dự thảo luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định: "Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa", nhiều ý kiến cho rằng cần tạo điều kiện để nhà báo được tác nghiệp tại các phiên tòa xét xử công khai.

Trước việc hạn chế, thắt chặt ghi âm, ghi hình tại các phiên tòa xét xử công khai mà dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân hướng tới, nhiều nhà báo đánh giá điều này không phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. 

Theo nhiều nhà báo, đặc thù của nghề báo là ghi âm, ghi hình những sự kiện mà phóng viên, nhà báo tham gia, nhất là các phiên xét xử công khai "đại án" được xã hội đặc biệt quan tâm. 

Mục đích ghi âm, ghi hình để kiểm chứng thông tin, bảo vệ tác giả

Là một nhà báo từng nhiều năm theo dõi các phiên xét xử tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, nhà báo Vũ Thị Liễu (báo điện tử VTC News) cho biết, một trong những điều kiện "sống còn" đối với các bản tin báo chí là phải đảm bảo sự chính xác, trung thực.

Để làm được điều này phóng viên, nhà báo rất cần ghi âm, ghi hình để có thể nghe, xem lại những thông tin mà mình thấy chưa chắc chắn và lưu lại làm căn cứ khi cần.

Theo chị Liễu, thực tế việc ghi âm, ghi hình trong hoạt động báo chí nói chung và tại các phiên tòa nói riêng không phải lúc nào cũng được đăng tải lên mặt báo.

Mục đích của việc làm này là để kiểm chứng thông tin và là căn cứ bảo vệ cho tác giả đối với tác phẩm của mình.

"Báo chí có trách nhiệm đưa tin khách quan, đúng sự thật về diễn biến vụ việc nói chung và diễn biến tại phiên tòa nói riêng.

Việc thắt chặt phóng viên, nhà báo ghi hình, ghi âm tại phiên tòa công khai sẽ cản trở họ thực hiện công tác chuyên môn", nhà báo Vũ Liễu bày tỏ và cho biết, đối với các "đại án" có nhiều bị cáo, việc xét hỏi các bị cáo diễn ra liên tục, nhiều ngày. 

Do đó, việc ghi âm, ghi hình quá trình xét xử là rất cần thiết để các nhà báo tránh gặp rủi ro trong khi tác nghiệp. 

Đánh giá về các "đại án" gần đây được xét xử tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội như vụ chuyến bay giải cứu, Việt Á, Tân Hoàng Minh, nhà báo Vũ Liễu cho rằng khi tác nghiệp các nhà báo, phóng viên đã tuân thủ quy định, nội quy phiên tòa, không ảnh hưởng đến buổi xét xử.

"Việc cấm nhà báo ghi âm, ghi hình, bắt cầm giấy bút chép tay rồi đưa ra ngoài lấy laptop viết tin, bài mà một số tòa án thực hiện trong thời gian gần đây là rất bất cập, không thực tế, nhất là với những phiên tòa kéo dài hàng tháng trời, với hàng chục bị cáo", nhà báo Vũ Liễu chia sẻ.

Nhà báo cần được ghi âm, ghi hình xuyên suốt phiên tòa công khai - 1

Các phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội (Ảnh: Vũ Ân).

Để hài hòa tính tôn nghiêm của phiên tòa và quyền tác nghiệp của phóng viên, nhà báo, chị Liễu cho rằng cơ quan xét xử cần bố trí phòng báo chí riêng có đầy đủ âm thanh, ánh sáng, kết nối trực tiếp đến hội trường xét xử để phục vụ báo chí đưa tin về phiên tòa.

Tại phòng báo chí, nhà báo được tác nghiệp, ghi âm, ghi hình theo yêu cầu công việc của mình. Nếu nhà báo, phóng viên nào vi phạm đã có cơ chế, chế tài xử lý. 

Hoạt động báo chí góp phần để phiên tòa thực sự công khai

Từng nhiều năm thực hành quyền công tố, một nguyên Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá, Khoản 3 Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ làm hạn chế hoạt động công khai của phiên xét xử. 

Hoạt động báo chí đã thực hiện một phần nguyên tắc công khai, và góp phần để phiên tòa thực sự công khai. 

Việc nhà báo ghi âm, ghi hình góp phần làm tăng giá trị của phiên tòa. 

"Đối với tính thống nhất của pháp chế mọi bên đều phải thực hiện, hoạt động xét xử của tòa án phải tôn trọng Luật báo chí và Luật báo chí phải được phục vụ đắc lực cho việc xét xử mới đảm bảo tính tuyên truyền, giáo dục.

Báo chí cũng giám sát việc hoạt động của phiên tòa", nguyên Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bày tỏ.

Nhà báo Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó trưởng Ban Kiểm tra chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam không đồng tình với đề xuất việc ghi âm, ghi hình của nhà báo tại phiên tòa công khai chỉ thực hiện trong thời gian khai mạc, tuyên án và phải được chủ tọa cho phép.

Nhà báo cần được ghi âm, ghi hình xuyên suốt phiên tòa công khai - 2

Các phóng viên, nhà báo gặp khó khăn trong quá trình tác nghiệp tại một số phiên xét xử đại án gần đây (Ảnh: Nam Cường).

Theo ông Tuấn, nhà báo phải được tạo điều kiện để tác nghiệp tại các phiên tòa công khai.

Trong nhiều năm qua, hoạt động xét xử công khai của tòa án được báo chí đưa tin đầy đủ, chính xác, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân khi theo dõi.

Việc báo chí đưa tin các diễn biến tại phiên tòa cũng góp phần tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và ngăn ngừa, cảnh báo các vụ án tương tự. 

"Các phóng viên cũng cần nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật và phải thực hiện việc đưa tin, ghi hình không làm ảnh hưởng đến nội quy phiên tòa. 

Về phía thẩm phán cũng cần nâng cao hơn nữa về nghiệp vụ để không bị chi phối bởi những hoạt động của cơ quan báo chí để cả hai bên hài hòa", ông Tuấn nói và cho biết báo chí cũng là một hoạt động thực hiện chức năng giám sát tại phiên tòa. 

Nhà báo ghi âm, ghi hình không được xâm phạm đời tư

Còn Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa cho rằng, việc ghi âm, ghi hình của nhà báo tại phiên tòa công khai là rất quan trọng và việc này cần được thực hiện xuyên suốt từ đầu đến cuối.

Luật báo chí cho phép nhà báo được hoạt động nghiệp vụ tại các phiên tòa xét xử công khai; bố trí khu vực riêng để tác nghiệp và liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

Những năm gần đây, tòa án xét xử nhiều vụ án lớn, phức tạp, lượng thông tin rất lớn. Do đó, nếu nhà báo không được ghi âm, ghi hình sẽ gây khó khăn trong quá trình tác nghiệp, truyền tải thông tin.

Nhà báo cần được ghi âm, ghi hình xuyên suốt phiên tòa công khai - 3

Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa (Ảnh: Hoàng Giáp).

Phóng viên, nhà báo không được ghi âm, ghi hình sẽ không có tư liệu, tài liệu ghi lại trong phiên tòa, khi viết bài có thể dẫn đến rủi ro. 

Song việc nhà báo ghi âm, ghi hình tại phiên tòa không được xâm phạm đến đời tư cá nhân của những người tham gia.

"Báo chí đưa tin về diễn biến phiên tòa là một phần không thể thiếu để phổ biến pháp luật, giúp người dân giám sát.

Việc ai người đấy làm, việc phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa sẽ theo quy định và nếu có ảnh hưởng đến hội đồng xét xử cũng không đến mức làm họ phân tâm" luật sư Giáp bày tỏ và cho biết, báo chí đưa tin khách quan, tường thuật lại diễn biến phiên tòa để người dân biết. 

Do đó, tòa án cần tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp như ghi âm, ghi hình tại phiên tòa xét xử công khai theo Luật báo chí.

Hội Nhà báo Việt Nam đã có công văn nêu ý kiến gửi Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội về các nội dung nêu tại Khoản 3, 4, 5 Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Nội dung trong công văn nêu rõ: Vấn đề ghi âm, ghi hình tại phiên tòa quy định cụ thể tại Điều 141 dự thảo luật, đề nghị xem xét có quy định cụ thể hơn để có sự thống nhất với Luật Báo chí, trường hợp, đối tượng nào cần giới hạn ghi âm, ghi hình để đảm bảo bí mật đời tư, cá nhân cũng như không hạn chế quyền giám sát hoạt động của phiên tòa của công dân.

Đề nghị không hạn chế ghi âm, ghi hình của báo chí để báo chí thực hiện đúng chức năng của mình.

Theo Luật Báo chí 2016, tại Điểm D, Khoản 2, Điều 25 (quyền và nghĩa vụ của nhà báo) nêu rõ, nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật...