1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người Việt hạnh phúc

(Dân trí) - Rộ lên tin đồn tăng giá xăng, người ta đổ xô mua xăng, rộ lên tin đồn tăng giá gạo, lại đố xô mua gạo... Mua trong cảnh chen chúc, thứ mua được như quý hơn và khiến người ta như thấy vui hơn! Người Việt hạnh phúc ngay cả những lúc gian nan nhất!

Dù bị “hớ” nhưng vẫn luôn cười tươi!

Hoàng, sinh viên năm thứ 4 trường ĐH Bách khoa Hà Nội, một trong những “nạn nhân” của tin đồn tăng giá xăng hồi đầu tháng 1 vừa qua khi kể lại vẫn còn cười ngượng nghịu: “Tối hôm đó, khi đang ngồi cùng với mấy người bạn uống cà phê thì nhận được tin nhắn của bạn gái: “anh ơi, ra mua xăng ngay kẻo tăng giá!”. Thế là chẳng biết đúng sai thế nào, dù xe vẫn còn lưng bình xăng nhưng vẫn mắt nhẵm mũi chạy thẳng ra cây xăng gần nhất”.

Kể lại chẳng đường mua xăng "gian nan" này, Hoàng bảo vẫn nhớ như in, coi đó làm bài học để đời: “Càng đi càng thấy hoảng vì đi mấy nơi liền đều thấy cửa hàng treo biển tạm ngừng bán xăng. Cuối cùng vẫn có cây xăng nhưng người rồng rắn xếp hàng chật như nêm. Chờ cả tiếng đồng hồ mới đến lượt. Ngạt thở vì hơi xăng nhưng vẫn thấy thích chí lắm vì tiết kiệm được vài nghìn! Đến hôm sau xem tivi thì xấu hổ quá!
 
Nhưng con người đôi khi vẫn vậy, có nếm cảnh chen chúc, khó khăn thì mới thấy giá trị của những gì mà mình đang được hưởng chứ! Thỉnh thoảng có náo loạn một chút cho cuộc đời vui mà” - Hoàng triết lý.
 
Người Việt hạnh phúc - 1

Xếp hàng chen chúc mua thì mới...thích!

Còn chị Hồng Hương, nhà ở ngõ 205 Hoàng Văn Thái (Hà Nội) thì đã có cả ngày trời xếp hàng trong siêu thị Big C để chờ mua gạo. “Nhà có thiếu gạo đâu nhưng thấy hàng xóm đổ xô đi mua gạo đâm sốt ruột. Mình hay xem... tivi nên biết giá gạo trong siêu thị không tăng giá và rẻ hơn bên ngoài nhiều nên bỏ cả việc để thu xếp đi mua gạo!”.

Phụ nữ đi mua hàng một mình, không vác được nhiều, đợi toát mồ hôi để mua được túi 10kg gạo, chị bảo: “Tiết kiệm so với bên ngoài được 30 nghìn đồng! Nhưng vấn đề không phải là tiền, mà là không tức vì bị cái cảm giác bị mua đắt, bị bắt chẹt!”.

Khi giá gạo đã dần bình ổn trở lại, chị hạ một quyết tâm: “Sẽ có lập trường vững vàng để lần sau không nao núng vì tin đồn của thiên hạ!” Nhưng, tự bào chữa cho mình, chị Hồng Hương cho là: “Ừ, thôi thì thỉnh thoảng cũng phải ngốc tí chứ, cũng phải hòa chung khí thế cùng hàng xóm cho...quần chúng chứ! Mà cũng vì chuyện gạo nên mấy ngày nay bà con râm ran với nhau, ra vào đều nói chuyện gạo, thân mật với nhau hẳn lên! Thôi cũng phải có tin đồn để khuấy lên cho cuộc sống sôi động chứ nên có “hớ” tí thì tôi vẫn cười tươi mà!".

Dân "vui", Chính phủ mệt!

Đổi lại sự vừa thở phào nhẹ nhõm và một chút...”vui” vì cuộc sống thỉnh thoảng được khuấy động bởi những tin đồn của người dân ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM, Chính phủ mấy ngày qua thật "mệt” vì phải trấn áp tin đồn và bình ổn thị trường trở lại.

Ông Nguyễn Văn Hậu, một bác sĩ nghỉ hưu hiện đang sống ở quận Hoàng Mai nhận xét: “Phải ghi nhận là đối với tin đồn tăng giá gạo lần này, Chính phủ rất mạnh tay, kịp thời và nhanh chóng làm yên lòng người dân. Chứng kiến sự vất vả của Chính phủ trong mấy ngày qua, tôi thấy thực sự xúc động!”.

Ngay từ khi tin đồn giá gạo tăng lan rộng tại TPHCM vào ngày 26/4 và ở Hà Nội vào ngày 27/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng đinh: Gạo không thiếu. Chính phủ sẽ không để người dân thiếu gạo, không để người dân thiếu đói!

Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ đã gửi đi công điện khẩn của Thủ tướng trong đó có nêu rõ: Chính phủ nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh lương thực mua vét đầu cơ lúa gạo. Các trường hợp vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm.

Ngày 28/4, Bộ Công an khẩn trương vào cuộc với một công điện khẩn yêu cầu các đơn vị tập trung điều tra, thủ trưởng các đơn vị, trọng tâm là cảnh sát kinh tế phải chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp với nhiều ngành chức năng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng đầu cơ "găm hàng", xuất lậu lúa gạo.

Cùng với Bộ Công an, Bộ Công thương chỉ đạo Cục Quản lý thị trường nắm kỹ tình hình, chỉ đích danh các cá nhân nào, địa chỉ có hành vi gây bất ổn để xử lý, tập trung xử lý với các doanh nghiệp lớn, nhất là những doanh nghiệp không kinh doanh mặt hàng lúa gạo nhưng lại đầu cơ gạo. Còn đối với các doanh nghiệp nhỏ, các cửa hàng, Bộ tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Không để các cửa hàng đăng ký và niêm yết giá một đằng nhưng lại bán một nẻo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo hai Tổng Công ty lương thực miền Bắc và miền Nam phải cung ứng đủ gạo với giá không thay đổi...

Chỉ trong vòng 3 ngày, tin đồn gạo tăng giá đã được dẹp yên!
 
Người Việt hạnh phúc - 2

Gạo sẽ không tăng giá đâu, tin đồn thôi!

Chúng ta là người hạnh phúc!

Trong khi tại những nước giầu nhất thế giới như Mỹ, trong thời gian qua, đã có lúc họ phải xếp hàng mua gạo theo tiêu chuẩn thì ở Việt Nam, tuy có hoảng hốt vì tin đồn nhưng rõ ràng gạo vẫn tràn ngập thị trường. Với lời cam kết từ phía Chính phủ: Chính phủ sẽ không để người dân thiếu gạo, không để người dân thiếu đói! Thì không có lý do gì để chúng ta không công nhận chúng ta là người hạnh phúc được.

Thực ra, vào năm 2006, Tổ chức các nền kinh tế mới (NEF) đã thực hiện khảo sát tại 178 nước và vùng lãnh thổ đã đưa ra kết luận Việt Nam là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á và đứng thứ 12 trên toàn cầu. Một trong những thước đo hạnh phúc của Tổ chức này đưa ra chính là sự hài lòng với cuộc sống của người dân.

Còn mới đây, cô giáo người Rebecca Norris - người hiện đang giảng dạy tiếng Anh tại TP Hồ Chí Minh đã viết trên tờ The Guardian (Anh): “Việt Nam là đất nước hạnh phúc thứ 12 trên thế giới, theo cuộc khảo sát mới đây của Hội Kinh tế mới (New Economics Foundation), xếp trên nước Anh 96 bậc. Đây quả là điều ngạc nhiên đối với một quốc gia vừa ra khỏi cuộc chiến tranh chưa xa lắm và thu nhập còn thấp so với tỉ lệ dân số”.

Cô Rebecca Norris còn viết: Những ngày sống ở TPHCM đối với tôi thật thoải mái và không có chút buồn chán nào. Trải nghiệm này đã cho tôi hiểu tại sao Việt Nam lại được xếp ở mức cao của nấc thang hạnh phúc toàn cầu. Hầu như nhìn vào bất cứ nơi nào bạn cũng gặp bằng chứng của sự thay đổi xã hội và kinh tế mãnh liệt mà đất nước này đang trải qua. Sự giàu có và nghèo khó sống chung hòa bình với nhau, cao ốc cách không xa những mái nhà bình dị. Xe hơi đan xen với xe hai bánh, quán bar phương Tây xen kẽ với những tiệm phở bình dân. Nhưng có một điểm chung là ở tầng lớp nào cũng có nhiều nụ cười...”. 
 
Cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Đương nhiên, vì không có khó khăn thì đâu còn là cuộc sống. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta không hạnh phúc!
 

Người Việt hạnh phúc - 3

Nông nhàn thì em đi bán hàng rong, ngày cũng kiếm được vài chục nghìn đồng. Em học ít nên không biết định nghĩa hạnh phúc thế nào nhưng em thấy em là người hạnh phúc.
 
Giá cả tăng, nhà nông như bọn em cũng khổ lắm nhưng là khó khăn chung thôi. Nhà em có trang trại gà nuôi trên 600 con, vừa rồi cúm chết gần 200 con nhưng cũng được Chính phủ đền bù cho hạng chục triệu.
 
Làng có nhà nào đói thì lại được Chính phủ phát gạo cứu đói đến tận nhà... Hạnh phúc chắc là thế chứ còn là gì cao xa hơn?

Chị Hiền, quê Ninh Bình, người bán hàng rong ở Hà Nội.

 
 

Lê Châu