1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người phụ nữ 30 năm ăn Tết cùng dòng sông

(Dân trí) - Nghề “đo nước đếm mưa” của những người làm thủy văn, những tưởng cũng như bao công chức nhà nước khác. Nhưng khi tiếp xúc với chị, một người phụ nữ đã 30 năm gắn bó với nghề này, tôi mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả trong công việc của chị.

Đầu nguồn... đo nước đếm mưa
Những ngày cuối năm, tiết trời miền biên cương xứ Nghệ càng trở nên buốt giá. Ngược quốc lộ 7, vượt qua hơn 150km bằng chiếc xe máy cà tàng, tôi đến thăm Trạm Thủy văn huyện Con Cuông (Nghệ An) – nơi chị Hòa đang công tác. Gặp chị Hòa - một người phụ nữ nhỏ bé với khuôn mặt sạm đi vì mưa nắng đang báo tình hình về Trung tâm. Xong việc chị em tôi ngồi tâm sự, chị sinh ra và lớn lên ở huyện Thanh Chương. Năm 1984, sau khi được đào tào nghiệp vụ chị Hòa về nhận công tác tại Trạm Thủy văn huyện Con Cuông. Kể từ đó chị âm thầm lặng lẽ với công việc của mình. Chị bảo: ''Tôi ở đây làm nghề này và chỉ biết lấy dòng sông Lam làm niềm vui, làm bạn. Hạnh phúc của tôi là đếm những hạt mưa, đo dòng nước sông''.
 
Chị Hòa đo nước từ dòng sông Lam
Chị Hòa đo nước từ dòng sông Lam
 
Đều đặn mỗi ngày 8 lần chị ra đo nước đếm mưa, đo gió. Cứ 3 tiếng đồng hồ lại chạy ra một lần bất kể là nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè. Đặc biệt là những lúc nước dâng lên cao thì cứ 1 tiếng đồng hồ lại phải ra đo nước và báo về Trung tâm để Trung tâm tập hợp số liệu và dự báo thời tiết, dự báo lũ trên dòng sông Lam. Chị kể, những ngày đầu ở đây hoang sơ lắm. Mấy chị em chỉ có một căn nhà nho nhỏ. Không điện đài, đêm đêm ra ngoài xách cái đèn dầu cùng chiếc đèn pin trong tay nhưng bên mình phải mang theo củ tỏi để xua đuổi tà ma và kẹp thêm con dao đề phòng người xấu. Nhiều hôm đi ra đo nước đường trơn trượt có chị đã suýt mất mạng. Chị nhớ lại: ''Có hôm trời mưa bão lũ lên nhanh lắm, tôi vội xắn quần mang dụng cụ ra lấy nước, đo mực nước bỗng từ thượng nguồn dòng nước đổ về quá nhanh, nước lũ cuốn tôi cùng các dụng cụ, rất may tôi là người con của sông nước. Sau đó, tôi vật lộn với dòng nước lũ dâng cao bơi vào bám được cành cây nhỏ ven sông và bận ấy tôi đã thoát khỏi án tử thần''.
Trong 30 năm gắn bó với dòng sông Lam chị đã trải qua biết bao cay đắng và mất mát, niềm vui thì ít mà nỗi buồn thì nhiều. Khi tôi hỏi chị về gia đình. Chị tự hào kể về 2 đứa con của mình. Một đứa giờ đang làm việc tại rừng phòng hộ và một là sỹ quan Hải quân. Tôi hỏi chị về người chồng, chị chợt lặng người: ''Chúng tôi chia tay lâu rồi. Chồng tôi vì không chấp nhận tôi làm cái nghề này nên...''. Nước mắt lăn dài trên đôi má sạm đen sương gió miền sơn cước.
''Cuộc sống cứ âm thầm trôi đi vậy chú ạ. Có hôm lũ về to quá trôi hết cả cọc tiêu, lúc đó là năm 1988 tôi mới sinh xong 2 tháng, nhưng vì công việc tôi đã phải đóng tạm từng cọc để lường theo mực nước, nhanh chóng báo về trung tâm để không mất liên lạc và báo cáo lên trên để kịp thời thông báo. Công việc khó khăn là vậy nhưng lại thiếu thốn trăm bề và mấy ai hiểu được. Đến người chồng cũng không thì xã hội mấy ai hiểu cho hả chú. Giờ đây công việc đã quen và ngày buồn không còn rồi chú à”.
Những cái Tết với dòng sông
Ông cha ta thường nói ''ngày tết ma còn muốn về nhà ăn tết''. Thế nhưng, với chị Hòa đã 30 năm nay chị không có Tết. Với chị, Tết đến chỉ còn là một quy luật của vòng xoáy thời gian. Chị bảo, nhiều khi Tết đến buồn quá chị cũng gói nồi bánh chưng, làm nồi thịt kho rồi cũng làm chén rượu và... đón tết với dòng sông Lam. Chị tâm sự: ''Lúc buồn quá thì đem các dụng cụ ra lau trong nước mắt. Coi các dụng cụ là đứa con tinh thần của mình tôi đón tết nơi bến sông Lam, ngày đầu năm mới hay đêm cuối năm vẫn thế, vẫn phải đo nước thường xuyên. Cái nghề này thì Tết cũng thế mà không tết cũng vậy''. Cứ cách một ngày chị phải trực một ngày.
 
Sau khi đo đạc các thông số, chị Hòa gọi điện về Trung tâm xử lí
Sau khi đo đạc các thông số, chị Hòa gọi điện về Trung tâm xử lí
 
Công việc của trạm Thủy văn là đo các yếu tố thủy văn như: mực nước, tốc độ, dòng chảy, nhiệt độ nước, hàm lượng phù sa, lượng mưa... Trạm trưởng Phan Thị Hòa thổ lộ: ''Công việc dự báo lũ lụt nặng nhọc lại đòi hỏi chất lượng, hiệu quả cao. Ngày này qua ngày khác, chúng tôi chỉ đối diện với con nước, dòng sông và những con số vô cảm nên dễ buồn chán, nản lòng. Vào những ngày nắng thì còn đỡ, chứ trời mà mưa và nhất là giá rét thì khổ lắm. Thấy người ta chăn ấm nệm êm nằm trong nhà mà mình lại lặn lội với con nước nhiều lúc nghĩ chán nhưng mà mình không làm thì cũng chẳng có ai làm cho'', chị Hòa tâm sự. Công việc buồn tẻ, vất vả là vậy nhưng chị cảm thấy hạnh phúc vì đã cống hiến được một chút công sức nhỏ bé của mình cho yên bình xã hội.
Với chị Hòa hàng năm những ngày về quê thăm người thân chỉ đếm bằng đầu ngón tay. Chị hết mình với công việc tất cả nhiệt huyết như thuở mới vào nghề mặc dù thu nhập thấp và không ít những lần đối mặt với hiểm nguy. Chia tay chị Hòa trong bóng chiều hiu hắt nơi núi rừng biên cương lòng tôi bỗng nôn nao, thầm nghĩ lại thêm một cái tết nữa chị ăn Tết cùng dòng sông Lam.  

Nguyễn Duy