1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người Phát ngôn IPU: “Tôi sẽ bắt xích lô để khám phá Hà Nội”

(Dân trí) - "Tôi muốn đi bộ quanh phố cổ, quanh hồ Hoàn Kiếm và sẽ bắt xích lô để khám phá thành phố. Tôi dự định mua một chiếc áo dài Việt Nam. Bạn biết không, tôi có một chiếc rồi và thi thoảng vẫn mặc. Lần này chắc tôi phải tốn tiền với Hà Nội đây vì nhiều dự định quá...".

Bên lề IPU-132, bà Jemini Pandya - Giám đốc Truyền thông, Người Phát ngôn của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) - đã dành cho PV Dân trí một cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở chia sẻ những cảm nhận của bà về đất nước, con người Việt Nam và Thủ đô Hà Nội.

Bà Jemini Pandya, Người Phát ngôn - Giám đốc Truyền thông của IPU

Bà Jemini Pandya, Người Phát ngôn - Giám đốc Truyền thông của IPU, trong cuộc trò chuyện với PV Dân trí (Ảnh: Nam Hằng)

Bà đã từng đến Hà Nội chưa? Bà thấy thành phố của chúng tôi thế nào?

Đây là lần đầu tiên tôi đến Hà Nội. Từ hôm đến, tôi chỉ tập trung vào công việc ở IPU-132, chỉ loanh quanh ở khu gần khách sạn JW Marriott mà tôi đang ở chứ chưa thăm Hà Nội được. Tuy nhiên, ấn tượng ban đầu của tôi về người Việt Nam qua tiếp xúc với các thành viên ban tổ chức nước chủ nhà IPU-132 là sự cẩn thận, nhiệt tình, nghiêm túc trong công việc và cũng rất thân thiện.

Những ngày này đi trên đường phố Hà Nội, tôi thấy rất nhiều băng rôn thông báo về sự kiện IPU-132 cả bằng tiếng Việt, Anh và Pháp, điều đó cho thấy sự chú trọng của Việt Nam vào việc tuyên truyền cho người dân.

Sau IPU-132, tôi sẽ cùng hai người em gái đang sống tại Malaysia và Anh nghỉ ngơi tại Hà Nội vào cuối tuần này. Các em tôi vừa bay sang Việt Nam chờ kết thúc IPU-132 để mấy chị em gặp nhau.

Hôm trước, tôi đi qua phố cổ Hà Nội nhưng chưa có cơ hội tìm hiểu sâu về cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây. Cuối tuần này, tôi sẽ đi bộ dạo quanh phố cổ, thăm những con phố nhỏ và mua sắm.

Tối thứ 6 vừa rồi (27/3), tôi được mời đến Văn miếu Quốc Tử Giám dự tiệc chiêu đãi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các thành viên của Ban Chấp hành IPU-132. Tôi thực sự ấn tượng và muốn quay trở lại đây vào ban ngày để thăm thú và tìm hiểu nhiều hơn.

Lần này chắc tôi phải tốn tiền với Hà Nội đây vì nhiều dự định quá, nào là mua tranh nghệ thuật, rồi quần áo… Tôi rất thích đồ lụa Việt Nam.

Bà đã tìm hiểu về kinh nghiệm về mua sắm ở Hà Nội chưa? Bà có ngại là người nước ngoài có thể sẽ bị mua đắt hơn không?

Hai em gái tôi đều có kinh nghiệm mua sắm nên các cô ấy chắc là biết mặc cả cho hợp lý, tôi yên tâm rồi (cười).

Tôi muốn đi bộ quanh phố cổ, quanh hồ Hoàn Kiếm và sẽ bắt xích lô để khám phá thành phố cho thuận tiện hơn.

Tôi dự định mua một chiếc áo dài Việt Nam. Bạn biết không, tôi có một chiếc rồi và thi thoảng vẫn mặc. Mọi người khen tôi duyên dáng hơn khi mặc áo dài Việt Nam.

Hà Nội nổi tiếng về ẩm thực đường phố với rất nhiều món ăn hấp dẫn. Bà có muốn khám phá không?

Tôi có nghe về ẩm thực Hà Nội, nhưng tôi là người ăn chay nên có thể không có nhiều sự lựa chọn. Nếu bạn biết gì về thực phẩm chay tại Hà Nội thì chia sẻ với tôi nhé.

Sắp tới tôi khá bận nên chưa có thời gian thăm một số nơi khác ở Việt Nam, nhưng tôi nhất định sẽ quay lại. Tôi rất thích đi tàu hỏa khi du lịch ở Việt Nam.

Sau khi rời Hà Nội, hai cô em gái sẽ về nước, còn tôi thì trở lại Thụy Sĩ với công việc và gia đình mình.

Thụy Sĩ là đất nước tôi rất ngưỡng mộ, đặc biệt về giao thông và chính sách thân thiện với môi trường. Bà có thể chia sẻ đôi điều về việc giữ gìn không gian xanh ở Thụy sĩ không? Bà thấy giao thông ở Hà Nội thế nào?

Thực ra tôi là người gốc Ấn, sinh ra tại Kenya, mang quốc tịch Anh và hiện nay đang sống ở Thụy sĩ. Bạn có thể gọi tôi là “công dân toàn cầu”.

Sang đây được mấy hôm nhưng tôi cảm nhận rõ sự đông đúc và căng thẳng của giao thông Hà Nội. Lái xe máy và sang đường ở Việt Nam có vẻ rất nguy hiểm. Trên đường, tôi thấy một số người lái xe máy mà không đội mũ bảo hiểm. Điều này khác hẳn với đất nước chúng tôi khi mọi người ra đường đều đội mũ bảo hiểm, kể cả trẻ em.

Cả ở Thụy sĩ và Anh đều có những quy định rất nghiêm ngặt về giữ gìn môi trường, bảo vệ cây xanh. Tôi còn nhớ, khi sống ở London, trong vườn nhà tôi có một cây xanh sát nhà nên đã ảnh hưởng đến ngôi nhà, tuy nhiên, gia đình cũng không dám tự ý chặt cây khi chưa xin ý kiến của chính quyền địa phương.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Nam Hằng (thực hiện)