1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Người lính già vác tù và hàng tổng

(Dân trí) - 75 tuổi đời, gần 50 năm tuổi Đảng, ông vẫn giữ tác phong của anh bộ đội Cụ Hồ năm nào. Dù nghỉ hưu đã lâu nhưng ông vẫn bận rộn với công việc của phường, của huyện. Người dân nơi đây gọi ông là “người lính già vác tù và hàng tổng”.

Ông là Giàng A Di, nguyên Bí thư Huyện uỷ Phong Thổ, Tỉnh uỷ viên, Phái viên Tỉnh uỷ phụ trách khu vực biên giới của huyện Phong Thổ (Lai Châu).

 

Người tiễu trừ tên phỉ cuối cùng trên đất Lai Châu

 

Bây giờ, những người có tuổi ở Lai Châu vẫn kể cho con cháu nghe chuyện ông Giàng A Di diệt hàng ngàn tên phỉ mà không tốn một hòn tên, mũi đạn nào. Nghe câu chuyện diệt phỉ của ông, tôi càng thêm khâm phục tài trí của anh bộ đội Cụ Hồ, và hiểu rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ có sự góp công không nhỏ của những người lính “dọn đường” cho đại quân tiến lên giải phóng Điện Biên.

 

Giàng A Di là người Mông. Gốc gác của ông ở tận vùng Nông Hẻo (thuộc huyện Sìn Hồ bây giờ). Cha mẹ mất sớm, 14 tuổi A Di cùng anh em dạt đến vùng Nùng Nà (huyện Phong Thổ, tỉnh Phòng Tô cũ).

 

Năm đó, cán bộ cách mạng dưới xuôi lên hoạt động bí mật chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Giàng A Di cùng mọi người nuôi giấu cán bộ, A Di được giao nhiệm vụ làm tình báo. Bọn địch không để ý vì nhìn cái dáng người nhỏ bé, loắt choắt của A Di, chúng nghĩ chỉ là trẻ con chơi đùa. Với lợi thế đó, cộng với sự thông minh, lanh lợi của mình, rất nhiều lần A Di mang về cho cán bộ những thông tin quân sự quan trọng, kịp thời.

 

Thấy bọn Pháp thích ăn trứng gà, A Di mang trứng đi bán để thăm dò tin tức. Có lần cậu bé còn đóng giả thổ phỉ, đi theo các tướng phỉ để dò tin và lần nào cậu cũng lấy được những thông tin quan trọng, nắm chắc hoạt động của mọi đối tượng, từ trưởng bản, trưởng lý cho đến những tên tướng đầu sỏ của Quốc Dân Đảng (Trung Quốc).

 

Liên tiếp bị quân ta phục kích tiêu diệt dần lực lượng, địch bắt đầu nghi ngờ Giàng Di. Ông phải chạy trốn vào rừng, sống cùng các anh bộ đội. Ông đã cùng bộ đội ta tham gia vào nhiều trận đánh quan trọng, giải phóng tỉnh Phòng Tô (cuối 1953) và mở đường cho quân đội ta tiến vào trận địa Điện Biên Phủ.

 

Khi tỉnh Phòng Tô được giải phóng, nhiệm vụ của ta là phải diệt phỉ dọn đường cho bộ đội ta tiến lên giải phóng Điện Biên. Dưới sự chỉ đạo của cán bộ cách mạng, một đại đội bộ đội địa phương được thành lập để diệt phỉ. Ông là một trong những người lính đầu tiên của Đại đội 1 ở châu Phong Thổ, trực thuộc khu Tây Bắc cũ. Trước đó, năm 1952, một đoàn quân đã được tập hợp nhưng rồi lại tan rã. “Người Thái, người Dao trốn hết, chỉ còn người Mông trung thành với cách mạng là ở lại thôi” - ông kể.

 

Thời đó, đi đến đâu cũng nghe người dân nhắc đến ông Di diệt phỉ. Khắp các vùng Nùng Nà, Dào San, rồi Sìn Sí Hồ, Tam Đường… nơi nào còn tàn dư của phỉ là ông có mặt ở đó. Nghe nói ở đâu có phỉ là đại đội của ông lại băng suối, vượt rừng hành quân đến đó. Thường thì chỉ mình ông tiên phong vào tận hang ổ của chúng để dụ hàng. Ông được mọi người khâm phục không phải vì ông là một tay súng cừ khôi, bắn hạ được nhiều phỉ; mà bởi ông “tiễu phỉ” chủ yếu bằng cách vận động.

 

“Người các dân tộc đều là anh em, phải dùng tình cảm dân tộc mới vận động được họ” - ông giải thích. “Có ai muốn làm phỉ đâu. Bọn nó đến đe doạ, bắt phải theo chúng. Ai không theo, nó bắt vợ, dắt trâu đi là phải theo hết. Cho nên, chỉ có cách dùng tình cảm anh em dân tộc mới thuyết phục họ đầu hàng, chứ cứ lấy lý luận Mác - Lê Nin ra doạ thì còn lâu họ mới sợ”.

 

Bằng cách ấy, ông đã “diệt” được hàng ngàn tên phỉ mà không tốn viên đạn nào. Nhiều người theo phỉ được ông quy hàng sau khi trở về với gia đình, với bản làng đã cố gắng “lấy công chuộc tội” và trở thành những cán bộ cốt cán của địa phương.

 

Tiếng tăm tiễu phỉ của Giàng A Di lan khắp vùng Tây Bắc. Ông đã giúp Lào Cai huấn luyện một lớp chiến đấu tiễu phỉ. Trong đợt huấn luyện ấy, ông cùng hai đồng đội đã bắt sống được cả một đại đội phỉ chỉ bằng 3 viên đạn đe doạ. Ông cũng trực tiếp tham gia làm sạch bóng phỉ ở Lào Cai. Đến tận bây giờ, năm nào Tỉnh uỷ Lào Cai cũng viết thư sang cảm ơn ông.

 

Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

 

Sau khi diệt hết phỉ, Giàng A Di được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3. Từ đó đến lúc nghỉ hưu, ông đã nắm giữ rất nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư Huyện uỷ Phong Thổ, Tỉnh uỷ viên, Phái viên Tỉnh uỷ phụ trách khu vực biên giới của huyện Phong Thổ… Suốt cuộc đời làm cán bộ, Giàng A Di luôn nêu cao tinh thần của anh bộ đội cụ Hồ, luôn là tấm gương sáng để lớp trẻ noi theo.

 

Tỉnh Lai Châu được giải phóng, ông từ quân đội vác ba lô sang làm công tác đoàn ở châu Phong Thổ. Ông là đoàn viên đầu tiên và cũng là duy nhất ở châu Phong Thổ lúc ấy. Một tay ông đã xây dựng được một tổ chức đoàn hoàn chỉnh với đông đảo đoàn viên thanh niên.

 

Ông cử các thanh niên ưu tú đi đào tạo ở các trường chính trị, từ đó thay thế toàn bộ cán bộ lãnh đạo bằng lực lượng thanh niên trẻ, năng động. Ông đã làm tròn trách nhiệm đào tạo lực lượng kế tiếp cho cách mạng Việt Nam.

 

Trong những năm tiếp theo, ông liên tiếp giữ những chức vụ quan trọng trên tỉnh, trên huyện. Năm 1990, ông xin nghỉ nhưng huyện không cho. Tỉnh uỷ phải xuống vận động ông ở lại giúp đỡ huyện uỷ nắm vùng biên giới. Từ đó ông làm Phái viên Tỉnh uỷ phụ trách khu vực biên giới của huyện Phong Thổ. Mãi đến 1992, tỉnh mới cho ông nghỉ hưu.

 

Năm nay ông đã ở vào cái tuổi cố lai hy nhưng mái tóc vẫn còn xanh lắm. Dáng người nhỏ thó mà rắn chắc, bước đi vẫn nhanh nhẹn như anh tình báo láu cá thuở nào.

 

Lẽ ra ở cái tuổi này, ông phải được nghỉ ngơi, vui vẻ bên con cháu. Nhưng cứ có chuyện gì cần đến sự giải quyết kinh nghiệm, chắc chắn là mấy “ông” trên tỉnh, trên huyện lại vào hỏi ý kiến của ông. Vì chỉ có ông mới hiểu hết tâm tư, nguyện vọng của bà con các dân tộc thiểu số nơi đây. Thế là người lính già vẫn phải liên tục giải quyết công việc của huyện, của xã.

 

Ông bảo, ông đã quen với cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này rồi. Gia đình ông cũng đã quen với những cuộc viếng thăm không báo trước của các đồng chí lãnh đạo. Cán bộ đến ông luôn vui vẻ tiếp đón, truyền đạt kinh nghiệm. Có lần, nửa đêm ông còn phải lặn lội trời mưa đi cùng cán bộ phường xuống bản để vận động bà con làm theo chính sách của Đảng. Ông cười: “Lâu lâu không thấy mấy ông trên phường xuống thăm, tôi lại thấy nhớ, lại lo người ta không cần đến ông già này nữa”.

 

Mấy năm trước, khi Lai Châu tách thành hai tỉnh, rồi tỉnh Lai Châu mới cũng tách lại huyện, lực lượng cán bộ trẻ có năng lực và trình độ được cắt cử giữ những chức vụ quan trọng. Lực lượng đầy đủ nhưng họ không biết nói thế nào, làm ra sao để cho dân hiểu, dân tin. Và họ lại phải nhờ tới ông.

 

“Trình độ của tôi có hạn, cái chữ cũng chỉ mới thuộc hết mặt, nhưng những nội dung chính đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tôi đều nắm rõ. Từ đó mà tuyên truyền, vận động sao cho phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc thì người ta mới nghe, mới chịu làm theo” - ông tâm sự.

 

Đối với những cán bộ Đảng viên trong tỉnh, trong huyện, Giàng A Di như một người cha, người anh luôn theo sát, dạy bảo, giúp đỡ họ. Các ban ngành đều tôn trọng ông, nhân dân kính phục người bộ đội Cụ Hồ hết lòng vì dân.

 

Trong các cuộc họp của Đảng uỷ tỉnh, huyện hiếm khi vắng mặt ông. Ông luôn góp ý, phê bình nghiêm khắc với các cán bộ trẻ. “Một đời người ai chẳng có lúc sai lầm. Thế nên phải nghiêm khắc chỉ bảo thì mới nên người được. Có người năm nay bị cách chức, sang năm bầu cử, lại được vào vị trí mới, làm việc hiệu quả hơn. Nếu có chí, chịu nghe lời thì sẽ sửa được sai lầm, chỉ trừ những người không sửa mới chịu thua thôi”.

 

Cường Nguyên