1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TT-Huế:

Người giữ tiếng chuông hòa bình ở Huế

(Dân trí) - Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng không quản nắng mưa, mỗi ngày ông vẫn âm thầm làm công việc của mình trên ngọn núi Ngũ Phong: đánh đủ 108 tiếng chuông hòa bình để cầu cho thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc.

Ông là Nguyễn Sơn (71 tuổi, thôn Ngũ Tây, phường An Tây, TP Huế) đã hơn 5 năm nay ông làm công việc không công này chỉ mong góp một phần nhỏ của mình cho thế giới.
 
Dưới cơn mưa Huế chiều tầm tã, chúng tôi ngược xe từ TP Huế về phía Tây Nam đến khu di tích đền Huyền Trân Công Chúa (núi Ngũ Phong, thôn Ngũ Tây, phường An Tây, TP Huế). Để lên đến được đỉnh núi nơi đặt chuông Hòa bình phải vượt qua 432 bậc thang. Những ngày mưa, có ít khách đến tham quan nơi đây.
 
Chưa lên đến đỉnh núi nhưng chúng tôi đã nghe thấy tiếng chuông vang vọng được phát ra từ trên đỉnh núi. Người hướng dẫn viên đi cùng chúng tôi cho biết : Khi đặt chuông hòa bình nơi đây ban quản lí di tích tìm mãi vẫn không có người nhận trông giữ và đánh chuông. Có một ông cụ đã tình nguyện lên đây làm công việc này. Cho đến nay đã được hơn 5 năm.
 
Những bậc thang thẳng đứng, trời mưa nên trơn trượt khiến chúng tôi phải vất vả mãi mới lên được đến nơi, vậy mà hàng ngày ông Nguyễn Sơn vẫn đi lên đi xuống mỗi ngày bốn lần 432 bậc thang. Bên chiếc chuông lớn, ông cụ vẫn ngồi lặng im như mỗi ngày thường khi có khách lên đây.
 
Người giữ tiếng chuông hòa bình ở Huế - 1
Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông Nguyễn Sơn vẫn lặng lẽ đi từ chân núi lên đỉnh núi Ngũ Phong vượt qua 432 bậc thang đánh 108 tiếng chuông nguyện cầu hòa bình.
Cứ năm phút ông lại đứng dậy đánh một tiếng chuông và đọc một câu kinh. Một trăm linh tám tiếng chuông cùng một trăm linh tám câu kinh của nhà Phật là lời nguyện cầu khuôn nguôi cho thế giới và nhân loại. Lòng ông Sơn cũng như tất cả mọi người luôn hướng về nhân loại về thế giới vang xa theo tiếng chuông. Cầu mong cho nhân loại hòa bình, thế giới không còn hận thù đau thương.
 
Ông Sơn tâm sự : “Ngày nắng còn có nhiều người lên đây tham quan và đánh chuông chứ ngày mưa thì không có ai cả. Mỗi người khi lên đây đều mong muốn sự hòa bình cho thế giới, quốc thái dân an và gia đình hạnh phúc gửi theo tiếng chuông mình đánh. Người nào cũng chỉ được đánh ba tiếng chuông mà thôi, tiếng thứ nhất cầu cho thế giới cho nhân loại, tiếng thứ hai cầu cho quốc thái dân an, tiếng thứ ba cầu cho gia đình”.
 
Chuông Hòa Bình nặng hơn 1,6 tấn, cao 2m, đường kính 1,16m. Trên thân chuông có khắc tám chữ: “Thế giới hòa bình, nhân loại hạnh phúc” nằm xung quanh bốn mặt chuông. Chuông được đúc vào ngày 13/3/2006 và được đưa lên tháp ngày 26/3/2007. Phải mất ba ngày mới đưa được chuông lên đỉnh.
 
Ông Sơn không chỉ là người coi giữ và đánh chuông mà điều đặc biệt khiến chúng tôi và du khách khi đến đây rất ngạc nhiên về những kiến thức lịch sử và văn hóa mà ông có. Không những biết rõ tường tận về khu di tích đền Huyền Trân mà các địa danh du lịch nổi tiếng ở Huế ông đều biết rõ và hướng dẫn cho du khách khi được hỏi.
 
Khi được hỏi về điều này, ông chia sẻ: “Những ngày đầu trông giữ và đánh chuông du khách lên đây tham quan có nhiều thắc mắc về lịch sử khu di tích đền Huyền Trân và nhiều điểm du lịch khác ở Huế nữa nên tôi đã tự tìm mua sách về tự đọc. Thời gian dài cũng làm mình tích lũy thêm được những kiến thức, ai hỏi gì thì mình nói cho họ biết thêm đó cũng là một niềm vui mỗi ngày”.

Người giữ tiếng chuông hòa bình ở Huế - 2

Ngoài trông giữ và đánh chuông ông Sơn còn là một hướng dẫn viên cho những ai muốn biết về di tích đền Huyền Trân và những điểm du lịch cố đô Huế.

Thời gian cứ lặng trôi qua, thế giới có biết bao biến động từng ngày. Tiếng chuông Hòa bình vẫn vang vọng đi nơi xa. Trên trên ngọn núi Ngũ Phong hình ảnh ông Sơn với mái tóc đã bạc trắng thêm. Chiếc áo tràng màu nâu nhà Phật ông khoác cũng đã ngả màu thời gian. Ngày ngày, ông vẫn âm thầm đánh 108 tiếng chuông để cầu nguyện cho thế giới luôn được hòa bình, nhân loại luôn được hạnh phúc.

Thái Bá - Đại Dương