1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Người đưa đò” đặc biệt bên phá Tam Giang

(Dân trí) - Hơn 20 năm nay, đôi chân tật nguyền không ngăn được người thầy giáo yêu nghề đến với những học trò nghèo ven phá Tam Giang. Thầy tâm sự: “Dạy bằng cái đầu, bằng trái tim chứ không phải bằng chân”.

Đó là thầy Nguyễn Trai với lớp học đơn sơ của mình ở thôn Thanh Lam, xã Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
 
“Người đưa đò” đặc biệt bên phá Tam Giang - 1

Lớp học bé nhỏ của thầy Trai

 

Lớp học nghèo ven phá

 

Căn nhà tranh bé xíu rộng chưa đầy 50m2 từ lâu đã trở thành chỗ trú ngụ của biết bao thế hệ học trò nghèo ven phá Tam Giang. Thầy Trai cho biết, lớp học này tồn tại đã hơn 20 năm nay.

 

Ban đầu chỉ là nhà kho của một người dân, thầy phải đi vận động xin mượn phòng, rồi xin thêm bàn ghế cũ từ trường học, nhà dân, tự mình hì hục sửa chữa dựng lên lớp học. Ban đầu lớp chỉ có 15-20 học sinh, nhưng dù nắng hay mưa, thầy vẫn cần mẫn trên đôi nạng gỗ đến dạy.

 

Cái tin “Trai bị tật” mở lớp học ban đầu khiến không ít người ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng trước hết bởi đôi chân không lành lặn làm sao theo nổi lớp? Ngỡ ngàng nữa bởi bấy lâu nay ở cái vùng quê nghèo này có mấy ai đủ tiền cho con đi học? Mấy đứa trẻ có chăng chỉ bám trụ được đến lớp 3, lớp 4 rồi thôi. Ngỡ ngàng hơn bởi chàng thanh niên bị tật nguyền Nguyễn Trai, vốn chưa qua trường lớp đào tạo nào về sư phạm, lại mở lớp học dạy chữ cho mấy đứa trẻ nghèo.

 

Bất chấp mọi lời đồn đoán, người thầy giáo làng ấy lặng lẽ đến từng nhà vận động các ông bố, bà mẹ cho con em đi học. Chỉ có một lớp, một thầy, nên cách duy nhất là dạy ghép, cầm tay dạy chữ cho từng em.

 

Công việc tưởng chừng đơn giản ấy hóa ra lại không đơn giản chút nào. Có em đã học đến lớp 3 rồi nghỉ học một thời gian dài, thầy phải dạy lại từ đầu. Có em thầy phải nắm tay chỉ vẽ từng nét chữ bởi dù lớn tuổi nhưng chưa được một lần tới trường.

 

Quỳnh, một học sinh của thầy, thỏ thẻ: “Em thích học ở lớp thầy Trai lắm. Thầy dạy dễ hiểu lắm, với lại ba mẹ nói không đủ tiền cho em học ở trường. Học với thầy thôi”.

 

Những đứa trẻ ở lớp học thầy Trai, sáng đi học, chiều mò cua, bắt ốc, chăn trâu. “Học phí” mà lũ học sinh nghèo ven phá mang đến cho người thầy nghèo có khi là rổ khoai, nắm ốc, có khi là vài ba cân gạo.

 

“Thầy thầy tật nguyền, lại nuôi mẹ già nữa, thầy chịu dạy mấy đứa nhỏ ở đây, tụi tui mừng lắm. Nhiều khi chỉ biết lấy công thay tiền học phí, hay đong mấy lon gạo, bắp mang cho thầy. Dân phá ni nghèo quá,  nếu không có thầy, tụi nhỏ chắc cả đời cũng không được đi học”, chị Nguyễn Thị Thanh, phụ huynh một học sinh của thầy, xúc động nói.
 
“Người đưa đò” đặc biệt bên phá Tam Giang - 2
Thầy Trai miệt mài uốn nắn từng học trò nghèo.

 

Vững bước trên đôi chân tật nguyền

 

Mấy ai biết rằng, để có thể đứng trên bục giảng dạy dỗ cho lũ trẻ nghèo ven phá suốt hành trình hơn 20 năm ấy, thầy Nguyễn Trai đã phải trải qua biết bao chông gai của cuộc đời.

 

Thầy kể, năm 15 tuổi, đang trên đường đi học về, bỗng chân thầy sụm xuống, hai đầu gối cứ cứng đơ, không cử động được. Hai tháng điều trị trong bệnh viện với chứng bệnh teo cơ, rồi hơn 2 năm ròng rã chạy vạy khắp nơi, từ Đông y, Tây y, đến thuốc Nam, thuốc Bắc, bệnh tình vẫn không suy suyển. Con chữ, niềm đam mê của thầy Trai bỗng như lụi tắt.

 

Nhìn bạn bè cùng trang lứa ngày ngày đến trường, người thanh niên tật nguyền lúc ấy chỉ biết lặng lòng, cố giấu giọt nước mắt hờn tủi. “Hồi nớ buồn lắm. Lúc mô cũng suy nghĩ mình chừ chỉ là gánh nặng cho gia đình, rồi thấy bạn bè đi học cũng thèm, cũng ao ước. Nhiều lúc cũng tuyệt vọng, thậm chí không muốn sống nữa”, thầy nhớ lại.

 

Nhưng rồi từ những buổi chiều ngồi bên cửa sổ nhìn bạn bè đi học ấy, khát khao được quay lại với cái chữ, với những cuốn sách, quyển vở lại vực cậu dậy. Bắt đầu từ khung cửa sổ, thầy cố gắng gượng đứng lên, khập khiễng bước những bước khó nhọc.

 

Nhìn cậu con trai gần 20 tuổi đầu lại gắng gượng tập bước đi từng bước, người mẹ thầy muốn rơi nước mắt. Đôi bàn chân lúc ấy đặt xuống được nền nhà là đau nhói, quỵ ngã, vậy mà cậu vẫn không nản lòng. Không đứng vững được, cậu nhờ mẹ buộc một vòng dây lên cửa sổ, rồi níu sợi dây lần từng bước đi. Một tháng, hai tháng, rồi một năm, hai năm… cuối cùng thầy cũng bước đi được với đôi nạng gỗ.

 

Không còn được chạy nhảy, chơi đùa như chúng bạn, nhưng chỉ việc tự đi được đã khiến cậu Trai mừng phát khóc. Nhưng rồi trường học quá xa, ba mẹ lại bận bịu với công việc nhà nông, Trai đành ngậm ngùi gác ước mơ được đi học trở lại. Thay vì đó, người thanh niên ấy đem kiến thức, đem cái chữ của mình chắp cánh cho những đứa trẻ nghèo nơi quê thầy.

 

“Không được đi học tiếp, tôi mới hiểu nỗi khát khao con chữ của lũ trẻ nghèo nơi đây. Nhất là với những đứa nhỏ chưa từng được đặt chân đến trường”. Lớp học nhỏ bé của thầy ra đời từ suy nghĩ đó. Từ đó đến nay, đã có không biết bao nhiêu thế hệ học trò trưởng thành từ căn nhà tranh nhỏ ấy.

 

Thầy tự hào: “Lớp học nhỏ, mỗi năm chỉ chưa đầy ba chục đứa nhưng nhiều đứa đã là sinh viên. Anh Trần Nhân Đông bên ni nè, hai mươi năm trước là học trò của tui, chừ là doanh nhân thành đạt rồi đó”. Hai mươi năm, biết bao thế hệ học trò đã bước vào đời từ cánh cửa nhỏ bé của thầy, từ những chuyến đò mà “người chèo đò” đặc biệt ấy đã  đưa sang.

 

48 tuổi, cộng thêm những khắc nghiệt của bệnh tật, của đời sống chật vật nơi quê nghèo, nhưng người thầy tật nguyền ấy vẫn cần mẫn với lớp học nhỏ bé ven phá của mình. Thầy cho biết, năm 2005, bà Nguyễn Thị Kim ở Nha Trang, biết tin về lớp học của thầy đã đến hỗ trợ xây phòng học và tặng một số dụng cụ học tập. “Nếu được, mình vẫn mong muốn mở rộng thêm phòng học. Ở quê nghèo ni còn nhiều em nhỏ nghèo chưa được đi học, tội lắm”, thầy tâm sự.

 

Tóc đã bắt đầu điểm bạc nhưng người thầy tật nguyền ấy vẫn một thân một mình. Thầy đùa: “Con cả bầy kìa, có cần lấy vợ nữa không” khi ai hỏi về chuyện gia đình, vợ con. Với thầy, lớp học nhỏ bé này từ lâu đã là một “gia đình lớn”.

 

Nguyễn Thành Công