1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người cựu chiến binh lặn lội tìm được hơn 400 mộ liệt sĩ

(Dân trí) - Cùng vào sinh ra tử với đồng đội nơi chiến trường đỏ lửa, người cựu binh 61 tuổi Nguyễn Văn Quyết sau khi trở về quê hương lại cất bước đến những mảnh đất xa lắc tìm ra hơn 400 ngôi mộ của đồng đội…

Như một “món nợ” với những người đồng đội

Sinh năm 1949 ở xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - chàng trai Nguyễn Văn Quyết trở thành anh bộ đội cụ Hồ khi chưa đầy 18 tuổi. Năm 1967, ông đã có mặt ở chiến trường Tây Nguyên trong hàng ngũ của Sư đoàn 1. Rồi sau đó là những năm tháng chiến đấu ác liệt ở mặt trận vùng Bình Long, Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang…

Năm 1978, ông tiếp tục tham gia chiến đấu đánh đuổi Pôn pốt trên đất Campuchia. May mắn hơn nhiều đồng đội đã nằm lại ở chiến trường, sau chiến tranh ông được trở về với gia đình. Dù đã rời xa quân ngũ 18 năm nhưng ông luôn day dứt bởi những đồng đội vẫn đang nằm lại chiến trường mà người thân của họ chưa một lần ghé thăm vì không có thông tin.
 
Người cựu chiến binh lặn lội tìm được hơn 400 mộ liệt sĩ - 1

"Lục tìm kí ức", người cựu binh "già" đã tìm ra hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ của đồng đội đang chờ người thân.
 
Coi đó như một “món nợ” với những người đồng đội, năm 1997, ông cùng đồng đội vào vùng Bảy Núi, An Giang tìm mộ của hai đồng đội hy sinh năm 1973, nhưng vô vọng vì tất cả giờ đây đã thay đổi quá nhiều…

Sau chuyến đi thất bại ấy, ông Quyết buồn lắm! Nhiều đêm ông gần như thức trắng cố lục tìm trong kí ức tin tức về những người đồng đội của mình. Ngoài ra, ông bắt đầu đi gặp những người đồng đội cũ để chắp nối thông tin về các địa điểm chôn cất đồng đội ở chiến trường xưa.

Năm 2005, ông và các đồng đội được họp mặt ở chiến trường xưa tại Bảy Núi, An Giang nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Trung đoàn 101 và tham dự hội thảo phát hiện và tìm mộ liệt sỹ.

Sau chuyến đi đó, hành trang quý giá khi trở về của người cựu binh già là những bản danh sách các liệt sỹ của Trung đoàn đã được quy tập, cùng danh sách những người còn nằm lại chiến trường. Ông giật mình nhận thấy có nhiều đồng đội đã được quy tập về các nghĩa trang ở An Giang nhưng gia đình vẫn không hề hay biết.

Từ những thông tin đó, ông gửi thư đến từng gia đình liệt sỹ. Đến nay, 400 bức thư đã được gửi và khoảng 150 gia đình đã đến gặp ông để báo tin, cảm ơn ông đã giúp đưa hài cốt liệt sỹ về quê hương.

Thay mặt gia đình liệt sỹ Lê Hữu Bao, hy sinh tại Campuchia ngày 11/6/1971, ông Lê Hữu Trúc, (thôn Tam Nông, xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, anh trai liệt sĩ Bao) viết: “Gia đình tôi vô cùng xúc động và cảm kích trước tình đồng đội vào sinh ra tử của anh Nguyễn Duy Quyết đã thông báo kịp thời cho gia đình tôi biết thân nhân đã hy sinh 37 năm qua. Giờ gia đình tôi đã tìm được hài cốt người thân sau nhiều năm dài chờ đợi, tìm kiếm”.

“Mỗi lần nhận được thông tin như vậy là tôi vui lắm. Có những hôm gia đình một số đồng đội đến tận nhà tôi (nhà ông Quyết ở Tổ 8, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên) thông báo cho tôi biết thông tin họ đã tìm được hài cốt người thân, lúc đó cảm xúc trong tôi thật khó tả”, ông Quyết nói.

Người cựu binh “già” và nỗi niềm day dứt

Có thể nói, mỗi chuyến đưa hài cốt của đồng đội trở về quê hương đều để lại trong ông Quyết một cảm xúc khó tả. Đó là trường hợp đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Bội từ nghĩa trang thị xã Hà Tiên về quê an táng (xã Đức Chính, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Ông Quyết nhớ rất rõ, chiến sĩ Nguyễn Văn Bội hy sinh khi vừa bước sang tuổi 21 tại huyện Công - Bông - Trách, tỉnh Căm Pốt (Campuchia) trong một trận đánh ngày 18/4/1972 và người đồng đội của ông đã dũng cảm hy sinh.

Khi đưa được hài cốt của người đồng đội Nguyễn Văn Bội về với người mẹ 101 tuổi sau 38 năm, ông Quyết lại lặng lẽ bắt xe khách về nhà.
 
Người cựu chiến binh lặn lội tìm được hơn 400 mộ liệt sĩ - 2

Tấm bản đồ được ông Quyết đánh dấu là nơi chôn cất những người đồng đội từng một thời vào sinh ra tử.
 
Trò chuyện cùng chúng tôi ông Quyết bảo: Trong thời gian chiến đấu có một số năm được đơn vị giao làm chính sách thương binh, liệt sĩ nắm giữ sổ sách về chế độ. Ngoài một số trường hợp tôi và anh em trong đơn vị trực tiếp chôn cất thì các trường hợp khác, khi chôn cất, anh em đã báo địa điểm để tôi ghi lại. Sau này hoà bình đơn vị bàn giao lại sổ sách cho cấp trên.
 
Từ việc lưu trữ hồ sơ, ông Quyết đã lần lượt đến Phòng chính sách Quân khu 7, Quân khu 9 để nhờ những người đồng chí cùng giúp ông tìm lại đồng đội.

Vì vậy, sau hơn 30 năm hoà bình, cảnh vật xưa tuy đã thay đổi nhiều, nhưng với cách đánh dấu toạ độ các mộ liệt sĩ khoa học nên phần lớn những đợt ông trực tiếp cùng các gia đình đi tìm hoặc vẽ lại sơ đồ cho các đội quy tập đều tìm được hài cốt của những đồng đội.

Ông Quyết nhớ mãi, lần đầu tiên tìm được mộ đồng đội là ngày 19/4/2006, khi tìm mộ liệt sĩ Trần Văn Hoan, quê ở xã Hải Đường và liệt sỹ Trần Văn Nhậm, quê xã Hải Thanh (cùng ở huyện Hải Hậu, Nam Định). Đây là 2 trường hợp ông trực tiếp chôn cất ở huyện Kirivông, tỉnh Tà Keo, Campuchia.

Ông Quyết kể: Khi chôn Hoan, tôi đã lấy góc một ngôi chùa làm vật chuẩn, cách bậc tam cấp đúng 20 thước. Vừa chôn cất tôi vừa nói với đồng đội: các anh em đều hy sinh ở tuổi đôi mươi, vì thế tôi chọn vật chuẩn như vậy, sau này nếu tôi còn sống sẽ tìm và đưa anh em về với quê nhà.

Khi cùng gia đình liệt sĩ sang tìm, mặc dù ngôi chùa không còn, song những bậc tam cấp vẫn còn. Chúng tôi đào lần 1 không thấy, sau khi xác định lại thì đào lần 2 đã tìm thấy mộ của liệt sĩ Hoan.

Hài cốt gần như còn nguyên, bên dưới chỗ nằm vẫn còn mảnh gỗ và tấm bản lề bằng sắt. Nằm cạnh liệt sĩ Hoan, thứ tự còn lại là mộ liệt sĩ Trần Văn Nhậm, rồi đến Đào Xuân Thái, quê ở Chợ Chu (Định Hoá), Trương Trọng Tường, ở Chí Linh (Hải Dương).

Chuyến đi này, ngoài mang hài cốt liệt sĩ Hoan, ông Quyết đã trực tiếp mang hài cốt về trao cho gia đình liệt sĩ Nhậm. Đối với hài cốt liệt sĩ Thái và liệt sĩ Tường, ông mang về đặt tại nghĩa trang tỉnh An Giang. Sau đó ông đã thông báo cho 2 gia đình trên biết và gần đây ông đã dẫn các gia đình vào tận nghĩa trang làm các thủ tục xin chuyển về nghĩa trang quê nhà.

Khó có thể kể hết những kỷ niệm trong quá trình ông Quyết đã đi tìm mộ. Vui vì tìm thấy mộ đồng đội, còn buồn cũng có bởi có những chuyến đi vất vả 2 đến 3 lần mà vẫn chưa tìm được phần mộ.

Song điều trăn trở nhất đối với Trung tá Nguyễn Duy Quyết, thương binh hạng 4/4, khi tâm sự với chúng tôi là anh trai ông tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam; cũng như 2 người bạn thân nhất cùng đơn vị của ông là liệt sĩ Trịnh Quang Hai, quê ở Vĩnh Hồng, Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) và Phùng Khắc Thơm, ở Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây cũ, ông đã nhiều lần đi tìm mà vẫn chưa thấy phần mộ.

Cầm trên tay bản danh sách với nhiều tên, họ liệt sỹ, địa chỉ, quê quán không được viết chính xác, ông Quyết lại tất tả đi tìm lại danh sách cũ của trung đoàn. Rồi về nhà, nhiều đêm ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị La cùng nhau ngồi “luận” ra tên của đồng đội, tên địa danh quê quán để báo tin cho gia đình liệt sỹ.

Câu chuyện của người thương binh Nguyễn Văn Quyết đi tìm hài cốt đồng đội, diễn ra nhiều năm nay. Vì thế cứ thấy ông Quyết khoác ba lô lên đường là mọi người đều biết rằng ông lại bắt đầu một hành trình đi tìm hài cốt của những người đồng đội.

 Hồng Ngân