1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người bệnh vẫn khổ vì bị… “chém”

(Dân trí) - Bệnh nhân vẫn bị biến thành “nạn nhân” của dịch vụ giá “cắt cổ” trước cổng và ngay trong bệnh viện. Đây là tình trạng đã tồn tại từ rất lâu tại nhiều bệnh viện lớn của Hàn Nội mà đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Cái gì giá cũng “cắt cổ”

 

Lâu nay, nhiều bệnh nhân chữa trị tại bệnh viện Xanh Pôn buộc phải làm quen với những “dịch vụ giá cao” tràn lan trước cổng bệnh viện… Chai nước khoáng giá chung 2 nghìn đồng, ở đây bán 5 nghìn, một bát cháo khoảng 5 nghìn đồng, ở đây giá gấp rưỡi. Anh Hùng (Đông Anh), một “nạn nhân” của dịch vụ giá cao kể lại: cách đây vài ngày, khi đưa con vào khám bệnh, anh ra khu vực cổng Bệnh viện lót dạ một bát phở. Khi đứng dậy trả tiền, chủ hàng hét giá 15 nghìn. “Đó là cái giá vô lý cho một bát phở lều phều vài lát thịt mỏng như tờ giấy. Biết bị bắt chẹt nhưng vì trót ăn rồi nên cũng đành cắn răng mà trả tiền. Từ rày, tôi xin cạch đến già”, anh Hùng lắc đầu ngao ngán.

 

Ngay bên trong bệnh viện Xanh Pôn, một số nhu yếu phẩm phục vụ người bệnh cũng bị “đội giá” từ 10 đến 15%. Là một viện tuyến trên, thường xuyên có rất đông người bệnh đến khám và chữa bệnh nhưng không hiểu vì sao, cả viện chỉ có độc một cửa hàng tạp hoá nhỏ lúc nào cũng nườm nượp kẻ ra người vào. Vì ở thế độc quyền, nên cửa hàng tạp hoá này cũng khét tiếng là một “máy chém” không biết thương xót. Xét về mặt hàng thì bệnh nhân được phục vụ tối đa: từ cây tăm, sợi chỉ, cuộn giấy vệ sinh đến xô chậu nhựa, các loại sữa cao cấp, báo chí, văn phòng phẩm… nhưng giá thì “cắt cổ”.

 

Một chai nước ngọt bên ngoài là 2.500 đồng, ở đây là 5 nghìn đồng, một bịch sữa Izzi giá lên tới 16 nghìn đồng (đắt hơn 4 nghìn), một hộp sữa Ensure loại nhỏ được “hét” với giá 165 nghìn trong khi tại đại lý giá không quá 135 nghìn/hộp. Chị Mai Anh, một bệnh nhân tại đây phàn nàn: “Người bệnh chúng tôi đã khổ vì giá thuốc cứ cao mãi, nay lại phải đối phó với những máy chém ngay bên trong bệnh viện. Ngồi đây đợi kết quả xét nghiệm lâu quá, tôi mua tờ “Thanh niên” ngồi đọc cho “giết” thời gian nào ngờ, giá bìa là 1300 đồng nhưng họ bán tới 2 nghìn, đắt hơn cả người bán báo dạo.

 

Tình trạng chung?

 

Tại bệnh viện Nhi TW, tình trạng những nhu yếu phẩm phục vụ người bệnh bị nâng giá cũng diễn ra hết sức phổ biến. Khu vực trước cổng bệnh viện có tới hàng chục cửa hàng tạp hoá, hoa quả, quán cơm bụi luôn mở cửa phục vụ người bệnh bất kể tối ngày nhưng giá lại cao đến mức khủng khiếp. Một chai nước ngọt giá 6 nghìn đồng (đắt hơn 2 nghìn đồng), một bịch sữa Youmost (4 hộp) giá 19 nghìn, hộp giấy ăn Pupply giá 15 nghìn đồng. Tại những cửa hàng cơm bụi, chưa nói đến chuyện vệ sinh thực phẩm, giá một suất cơm “chống đói” cũng phải gấp đôi.

 

Tại tầng 1 của khu Khám bệnh tự nguyện, giá một chai nước ngọt thường đắt hơn bên ngoài từ 1 nghìn đến 2 nghìn, các sản phẩm sữa cao cấp cũng cao hơn từ  2 nghìn đến 5 nghìn so với giá thường. Không những thế, một số mẹt hàng bánh kẹo nhuộm phẩm màu có xuất xứ từ Trung Quốc cũng được bày bán tự do ngay bên ngoài phòng khám.

 

Tình trạng này cũng được thấy ở trước cửa các bệnh Hữu Nghị, Việt Đức, Phụ sản Hà Nội… Trên thực tế, dù biết  việc mình bị “bắt chẹt” nhưng phần vì tiện lợi, phần vì không có điều kiện đi xa nên bệnh nhân đành chấp nhận. Điều này mặc nhiên tạo thêm thuận lợi cho loại hình dịch vụ này dễ dàng “tự tung tự tác”…

 

Có một nghịch lý là, để hạn chế tình trạng nêu trên, một số bệnh viện đã đầu tư xây dựng “siêu thị mini”, cung cấp dịch vụ trọn gói từ ăn uống, giải khát đến hoa quả cho người bệnh và thân nhân của họ. Tuy nhiên siêu thị lại “vắng như chùa bà Đanh”. Trong khi đó, những cửa hàng dịch vụ giá cao vẫn ngày đêm nườm nượp khách hàng. Tại sao?

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lý do một phần là do đa số những người ngoại tỉnh hoặc các vùng nông thôn chưa quen với việc mua bán tại các siêu thị. Mặt khác, giá cả của các mặt hàng tại các siêu thị này cũng rất “siêu thực”. Chị Linh (Hải Phòng) ngán ngẩm “cứ tưởng siêu thị bệnh viện dành cho người bệnh thì giá cả phải hợp lý, ai dè động vào cái gì cũng cao hơn bên ngoài từ 5%-10%”.

 

Phạm Phúc Hưng