1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người bán rong ở trung tâm TPHCM sắp thoát cảnh tháo chạy khi thấy "đô thị"

An Huy

(Dân trí) - Nhiều người buôn bán hàng rong trên các tuyến đường ở trung tâm TPHCM cho biết họ đang vui mừng vì sẽ được thuê vỉa hè để làm ăn, không phải tháo chạy khi thấy lực lượng đô thị.

Những ngày này, nhiều người đi đường tại trung tâm TPHCM thấy trên một số vỉa hè bắt đầu xuất hiện những vạch sơn màu vàng mới kẻ, phân chia khu vực dành cho người đi bộ và để xe, bán hàng rong.

Người bán rong ở trung tâm TPHCM sắp thoát cảnh tháo chạy khi thấy đô thị - 1

Vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1 được kẻ vạch sơn 4 ngày trước (Ảnh: An Huy).

Dân vừa mừng vừa lo

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, vạch sơn màu vàng đã được lực lượng chức năng kẻ tại một số tuyến như Trần Hưng Đạo, Trần Đình Xu, Phan Chu Trinh, Võ Văn Kiệt… (quận 1). Những nơi này có vỉa hè tương đối rộng, khoảng 3m.

Việc kẻ vạch sơn nhằm từng bước hợp thức hóa cho người dân thuê vỉa hè để kinh doanh. Từ khi kẻ vạch sơn, người dân buôn bán trên các tuyến đường này đã bắt đầu ý thức được nơi được sử dụng vỉa hè, không lấn ra phạm vi dành cho người đi bộ.

Bà Anh Thư (43 tuổi) bán nước trước số 583 Trần Hưng Đạo (phường Cầu Kho, quận 1) cho biết, vạch sơn được lực lượng chức năng phường kẻ 4 ngày trước. Vỉa hè rộng 3m được kẻ chia đôi. Người dân được sử dụng 1,5m, còn lại dành cho người đi bộ.

Bà Thư hoàn toàn ủng hộ việc Nhà nước thu phí vỉa hè và để người dân được tự do sử dụng. Tuy nhiên, người này cho rằng đường Trần Hưng Đạo (đoạn giáp quận 5) có rất ít người đi bộ. Việc dành hẳn 1,5m cho người đi bộ thì rất phí, trong khi diện tích để cho người dân sử dụng không đủ để xe và bán ghế cho khách ngồi uống nước.

"Tôi nghĩ lực lượng chức năng nên linh động phân chia vỉa hè. Nơi nào ít người đi bộ thì dành 1m thôi, còn lại để cho người dân có không gian kinh doanh. Người dân sẵn sàng chi trả tiền diện tích sử dụng vỉa hè", bà Thư nói.

Người bán rong ở trung tâm TPHCM sắp thoát cảnh tháo chạy khi thấy đô thị - 2

Bà Lan đang sửa lại sạp trái cây bán trên vỉa hè đường Phan Chu Trinh, phường Bến Thành (Ảnh: An Huy).

Trong khi đó, trên đường Phan Chu Trinh (phường Bến Thành), dù vỉa hè đã được kẻ vạch sơn màu vàng nhưng việc người dân lấn chiếm trên đoạn đường này xảy ra lộn xộn. Một số người buôn bán khu vực này cho biết họ đã nắm được quy định phân chia vỉa hè nhưng cho rằng không hợp lý.

Bà Lan (53 tuổi) bán trái cây tại khu vực cho biết có nghe lực lượng chức năng phường chia vỉa hè thành 3 phần. Phần sát lề đường dùng để xe máy, phần giữa vỉa hè cho khách đi bộ và phía trong cùng bán hàng rong…

Bà Lan cho rằng, nên cho người bán hàng rong ngồi sát lề đường và xe máy để ở trong cùng của vỉa hè. Vì nếu người bán hàng rong trong sát vỉa hè sẽ bị xe máy dựng phía ngoài che khuất.

"Nghe tin người dân được hợp thức hóa vỉa hè để buôn bán, tôi mừng lắm vì có nơi ổn định để làm ăn. Nhà nước ra mức giá thuê cao một chút cũng không sao, người dân sẵn sàng đóng tiền", bà Lan nói.

Trong khi đó, bà Hoa (56 tuổi) bán trái cây cách đó không xa bày tỏ Nhà nước làm như vậy thì người dân hoàn toàn ủng hộ. Những năm qua, bà đã quá mệt mỏi với cảnh phải ôm trái cây bỏ chạy khi thấy lực lượng đô thị xuất hiện.

"Mỗi lần bị đô thị bắt và thu hết trái cây, tôi phải lên nộp phạt lấy về. Trái cây không được bảo quản nên coi như hư hết. Tôi già rồi, làm sao chạy trốn đô thị nổi nữa. Hợp thức hóa buôn bán vỉa hè như vậy tôi rất mừng, yên tâm làm ăn", bà Hoa nói.

Người bán rong ở trung tâm TPHCM sắp thoát cảnh tháo chạy khi thấy đô thị - 3

Vỉa hè trên đường Phan Chu Trinh, bên hông chợ Bến Thành đa phần được sử dụng làm nơi giữ xe cho khách tham quan (Ảnh: An Huy).

Đang bắt đầu triển khai

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Tống Kim Quang, Chủ tịch UBND phường Cầu Kho (quận 1) cho biết, trên địa bàn phường có 5 tuyến đường có vỉa hè tương đối rộng được đưa vào quy hoạch cho người dân thuê sử dụng. Phường mới hoàn thành kẻ vạch sơn được tuyến Trần Hưng Đạo, các tuyến khác như Võ Văn Kiệt đang thực hiện.

"Chúng tôi chỉ mới kẻ vạch sơn và đang chờ lãnh đạo thành phố ra nghị quyết phí cho thuê rồi mới áp dụng", ông Quang nói.

Trong khi đó, lãnh đạo UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) cho biết, phường cũng có một số tuyến nằm trong quy hoạch cho thuê vỉa hè. Tuy nhiên, phường đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND quận 1 rồi mới thực hiện việc kẻ vạch sơn.

"Nếu được chấp thuận cho người dân thuê vỉa hè để sử dụng thì tốt quá. Việc buôn bán hàng rong trên địa bàn cũng đi vào nề nếp", vị này nói.

Theo kế hoạch, quận 1 có 85 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm một phần vỉa hè làm điểm giữ xe hai bánh không thu phí; 54 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức sử dụng tạm một phần vỉa hè làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; 16 tuyến đường đủ điều kiện bố trí điểm trông giữ xe có thu phí trên vỉa hè.

Người bán rong ở trung tâm TPHCM sắp thoát cảnh tháo chạy khi thấy đô thị - 4

Người dân để xe trật tự từ khi có vạch sơn tại giao lộ Trần Hưng Đạo - Trần Đình Xu (Ảnh: An Huy).

Sở Giao thông Vận tải TPHCM dự kiến thu phí sử dụng vỉa hè để kinh doanh 20.000-100.000 đồng/m2/tháng và vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe 50.000-350.000 đồng/m2/tháng, tùy vị trí. Việc này có thể đem lại nguồn thu ngân sách cho thành phố hơn 1.500 tỷ đồng mỗi năm.

Trong đó, quận 1 được đề xuất mức thu phí sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh là 50.000-100.000 đồng/m2/tháng. Mức thu sử dụng lòng đường để trông giữ ô tô, xe máy và xe đạp là 180.000-350.000 đồng/m2/tháng.

Sở thống kê hiện TPHCM có 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên và 929 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên. Mức thu phí vỉa hè đề xuất 20.000-100.000 đồng/m2/tháng được chủ cửa hàng và người bán hàng rong đồng thuận cao.