1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Ngư dân với giấc mơ đóng tàu vỏ sắt vươn khơi

(Dân trí) - Ngay sau khi “Chương trình tín dụng khai thác hải sản xa bờ” của Thủ tướng Chính phủ đi vào thực tiễn, ngư dân Bình Định thể hiện tình yêu biển, đảo của Tổ quốc bằng hành động, mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ sắt vươn khơi, khẳng định chủ quyền.

Đã hơn 1 tháng trôi qua, từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, chúng vẫn liên tiếp gây hấn, tấn công tàu chấp pháp của chúng ta. Hèn hạ hơn chúng còn cố tình đâm chìm tàu của ngư dân đang đánh bắt trong vùng biển nước ta.

Ngư dân Bình Định với giấc mơ đóng tàu vỏ sắt đang trở thành hiện thực
Ngư dân Bình Định với giấc mơ đóng tàu vỏ sắt đang trở thành hiện thực

Thế nhưng, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam vẫn kiên trì bám biển, đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Lực lượng ngư dân, trong đó có ngư dân tỉnh Bình Định ngày đêm bám biển, khai thác thủy sản, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Hơn lúc nào hết, toàn thể dân tộc Việt Nam đang hướng về Biển Đông, ủng hộ các lực lượng chấp pháp của ta, cũng như những ngư dân đang ngày đêm bám biển. Đặc biệt, khi chương trình tín dụng khai thác hải sản xa bờ của Thủ tướng Chính phủ đi vào thực tiễn, ngư dân Bình Định rất phấn khởi, muốn được vay vốn, đóng tàu vỏ sắt công suất lớn hướng về Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhiều tàu gỗ của ngư dân tỉnh Bình Định với công suất lớn từ 700 CV đến 900 CV sắp hạ thủy 
Nhiều tàu gỗ của ngư dân tỉnh Bình Định với công suất lớn từ 700 CV đến 900 CV sắp hạ thủy 
Nhiều ngư dân Bình Định chia sẻ nếu chưa đóng tàu gỗ họ sẽ mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ thép
Nhiều ngư dân Bình Định chia sẻ nếu chưa đóng tàu gỗ họ sẽ mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ thép

Lão ngư Bùi Văn Ninh (ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), chủ 1 tập đoàn 16 tàu đánh bắt xa bờ, đợt này được vay để đóng 1 tàu hậu cần công suất 1.000 CV, phục vụ cho 16 tàu gỗ, chia sẻ: “Trước hành động hung hăng của Trung Quốc đã dùng tàu công suất lớn đâm chìm tàu của ngư dân mình, thì việc đóng tàu vỏ sắt lúc này là phù hợp. Khi có tàu vỏ sắt, ngư dân có thể bám biển dài ngày, khai thác, bảo quản sản phẩm tốt hơn. Qua đó, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Tuy nhiên, tàu vỏ sắt với ngư dân còn xa lạ. Xưa nay, ngư dân quen với vận hành tàu gỗ khi chuyển sang vận hành tàu vỏ sắt với công suất lớn, trang thiết bị hiện đại sẽ khó tiếp cận. Vì vậy, tôi nghĩ cùng với việc triển khai đóng tàu vỏ sắt, các ngành chức năng phải mở lớp đào tạo những kỹ năng cơ bản để khi sử dụng ngư dân khỏi bỡ ngỡ...”.

Bên cạnh đó, vừa qua UBND tỉnh Bình Định và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa ký kết tài trợ tín dụng đóng mới, phát triển đội tàu công suất lớn giai đoạn 2014-2017; ký kết với ngư dân về tài trợ tín dụng đóng mới, thuê mua tàu đánh bắt xa bờ…

Theo đó, giai đoạn đầu, BIDV ký kết tài trợ tín dụng 27 tàu cá công suất lớn trị giá khoảng 150 tỉ đồng cho các doanh nghiệp và ngư dân. Đồng thời, BIDV đã công bố chương trình tín dụng 3000 tỉ đồng cho vay phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ để hỗ trợ ngư dân.

Nhiều ngư dân Bình Định chia sẻ nếu chưa đóng tàu gỗ họ sẽ mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ thép
Dù tàu Trung Quốc xua đuổi, tấn công nhưng các tàu cá ngư dân Bình Định ra khơi theo tổ đội sẽ khiến chúng phải dè chừng

Ngư dân La Văn Bộ (ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) chuẩn bị hạ thủy tàu gỗ công suất 700 CV, với tổng giá trị trên 6 tỷ đồng. “Hiện nay, đầu tư đóng một tàu gỗ công suất lớn giá trị ngang gần với đóng tàu vỏ sắt. Với chính sách thông thoáng như hiện nay, nếu chưa đóng con tàu gỗ này, có lẽ tôi sẽ suy nghĩ đóng tàu vỏ sắt vươn khơi cho an toàn. Tôi nghĩ, đến lúc ngư dân mình phải mạnh dạn đóng tàu vỏ thép, có như vậy Trung Quốc mới sợ…”.

Tuy nhiên, điều mà ngư dân băn khoăn nhất hiện nay vẫn là những cơ sở tiếp nhận tàu để sửa chữa hoặc trùng tu định kỳ. Bởi hiện nay, tại miền Trung chưa có những dịch vụ hậu cần nói trên.

Bà Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngư dân được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đóng mới tàu cá công suất lớn, với trang thiết bị hiện đại. Đồng thời, chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương tư vấn cho ngư dân các mẫu tàu cá vỏ sắt, vỏ composist và các trang thiết bị. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ đào tạo, hướng dẫn ngư dân phương pháp quản lý, sử dụng tàu cá mới để đánh bắt có hiệu quả gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Nhiều ngư dân Bình Định chia sẻ nếu chưa đóng tàu gỗ họ sẽ mạnh dạn vay vốn đóng tàu vỏ thép
Ngư dân tỉnh Bình Định vẫn kiên cường bám biển khai thác thủy sản, góp phần bảo về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Tỉnh Bình Định hiện có 7.339 tàu cá, tổng công suất 980.838CV. Trong đó, có 2.750 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên thường xuyên khai thác thủy sản ở những vùng biển xa. Sản lượng hải sản khai thác hàng năm của tỉnh trên 180 ngàn tấn.

Hiện Bình Định đang chủ trương tổ chức lại sản xuất khai thác thủy sản, phát triển mô hình, tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển hiện đại; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi khai thác, thu mua, xuất khẩu. Dự kiến sẽ có 1000 tàu cá trong tổng số 2.750 tàu cá từ 90 CV trở lên, có nhu cầu đóng mới, phát triển đội tàu công suất lớn giai đoạn 2014-2017. Trong đó, tàu vỏ composist là 300 chiếc; tàu võ sắt chiếm 700 chiếc.

Doãn Công