1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngư dân Đà Nẵng đóng tàu cá “khủng”, quyết bám biển dài ngày

(Dân trí) – Ngày 24/5, 2 tàu cá công suất lớn của ngư dân Đà Nẵng đã được hạ thủy để vươn khơi bám biển dài ngày. Hai tàu cá này có tổng công suất 1.600CV với tổng vốn đầu tư gần 10 tỉ đồng.

Sau khi hạ thủy thành công, chủ tàu cá ĐNa 98001 (có công suất máy 450CV trị giá 3 tỉ đồng) ông Lê Văn Xuân (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chỉ đạo các công nhân tiến hành làm nguội, mua thêm trang thiết bị chuẩn bị vươn khơi.

Tàu cá ĐNa 98001 có công suất máy 450CV của ông Lê Văn Xuân chuẩn bị hạ thủy
Tàu cá ĐNa 98001 có công suất máy 450CV của ông Lê Văn Xuân chuẩn bị hạ thủy

Ông Xuân cho biết, trước đây nhà có 2 tàu nhỏ nên không dám đi dài ngày, chỉ quanh quẩn trong bờ, nay sản lượng trong bờ ngày càng cạn kiệt, gia đình bàn bán 2 chiếc tàu nhỏ, vay thêm vốn để đóng mới chiếc tàu này.

Ông tâm sự: Đóng tàu lớn, vươn khơi xa mới có cá. Ngoài việc lo cho kinh tế của gia đình và bạn tàu thì ngư dân chúng tôi tham gia bảo vệ vùng biển của cha ông để lại. Nếu không bảo vệ được thì con cháu chúng tôi không có ngư trường để khai thác.

Tàu cá ĐNa 98001 có công suất máy 450CV của ông Lê Văn Xuân chuẩn bị hạ thủy
Tàu cá ĐNa 90603 công suất 1.150CV trị giá 5 tỉ đồng của ngư dân Nguyễn Sương vừa hạ thủy thành công sáng 24/5

Đặc biệt, trong ngày 24/5, một chiếc tàu cá có công suất lớn khác của ngư dân Nguyễn Sương (trú phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng đã được hạ thủy. Tàu cá mang số hiệu ĐNa 90603 TS của ông Sương có tổng công suất 1.150 CV, dài 21 mét, rộng 6 mét, cao 3,8 mét, được xem là một trong những tàu cá có công suất máy lớn nhất tại Đà Nẵng. Ông Sương cho biết, chiếc tàu cá này được ông đầu tư trên 5 tỉ đồng.

Trước đó, ngày 22/5, ông Nguyễn Sương cũng đã hạ thủy một tàu cá công suất lớn khác mang só hiệu ĐNa 90604 TS có công suất máy cũng 1.150 CV, dài 25 mét, rộng 6 mét, cao 4,2 mét với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỉ đồng.

Nụ cười tự tin trên con tàu vừa hoàn thành của ngư dân Nguyễn Sương
Nụ cười tự tin trên con tàu vừa hoàn thành của ngư dân Nguyễn Sương

Hai tàu của ông Nguyễn Sương được xem là tàu cá có công suất thuộc hàng lớn nhất Đà Nẵng hiện nay. Theo ông Sương cho biết, sau khi hạ thủy xong, ông chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm, đá… để ăn mùng 5 xong là ra khơi.

Giữa tháng 5 vừa qua, tại một xí nghiệp đóng tàu tại âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), ông Trần Toàn (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã hạ thủy thành tàu hậu cần ĐNa 90611 có công suất 850 CV với 2 máy. Đây là tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn thứ 2 tại Đà Nẵng với chiều dài 24m, rộng 5,4m, cao 3,2m với 18 hầm chứa (1,8m3/hầm) có thể chở tổng cộng 70 tấn hàng.

Tàu cá của ông Đồng Bình Dương đang gấp rút hoàn thành, dự kiến 1 tháng nữa sẽ hoàn thành
Tàu cá của ông Đồng Bình Dương đang gấp rút hoàn thành, dự kiến 1 tháng nữa sẽ hoàn thành

Những ngày này, tại nhiều xí nghiệp đóng tàu quanh âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) nhiều tàu cá có công suất lớn của ngư dân đang được hối hả đóng mới để chuẩn bị vươn khơi, quyết bám biển dài ngày.

Dưới cái nắng đổ lửa, ngư dân Đồng Bình Dương (trú Sơn Trà, Đà Nẵng) đang cùng với tốp thợ khẩn trường hoàn thiện con tàu công suất hơn 810CV mang số hiệu ĐNa 90612 TS trị giá 3,6 tỉ đồng. Ông cho biết con tàu đã hoàn thiện được 70%, dự kiến khoảng 1 tháng nữa là hạ thủy.

Để có được số tiền lớn đóng con tàu tàu, ông Dương cho biết phải vay khoảng 50% ngân hàng rồi anh em gom góp lại mới đủ. “Quyết tâm vươn khơi xa mới có cá chứ hiện nay trong bờ “không ăn” nữa nên anh em tôi bàn nhau cùng góp vốn đóng con tàu này”, ông Dương tâm sự.

Nói về ngư dân Đà Nẵng quyết tâm đóng tàu lớn vươn khơi, ông Trần Văn Lĩnh – quyền Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cho biết, hiện nay Nhà nước đã có chính sách cho ngư dân vay tối đa 800 triệu đồng với lãi suất ưu đãi và kèm theo một số ưu đãi khác nên ngư dân mạnh dạn đầu tư.

Tuy nhiên, ông Lĩnh cũng cho rằng Nhà nước cần nghiên cứu đầu tư tàu cá bằng sắt công suất lớn rồi cho ngư dân thuê lại. Mặc khác nghề cá hiện nay cần phải hướng đến hiện đại, học hỏi kinh nghiệm của các nước Thái Lan, Hàn Quốc… để đầu tư, có như thế ngư dân của chúng ta mới có thể vững vàng bám biển dài ngày được.

Công Bính